1. Người hay ý kiến: Việc biết nêu ý kiến, quan điểm là tốt. Nhưng đôi khi, một số người hành động như thể ý kiến của họ là thứ quan trọng nhất. Kiểu người này thường vượt khỏi ranh giới, đưa ra lời khuyên, góp ý dù không ai nhờ. Họ hiếm khi xem xét cảm xúc của người khác hay nghĩ đến việc ý kiến của họ có thể khiến người đối diện tổn thương. Họ thích lấy lý do muốn tốt cho người khác nhưng thực ra, việc liên tục nêu quan điểm bản thân đó chỉ để nâng cái tôi của họ lên. Vì thế, nếu có thể, bạn nên giữ khoảng cách hoặc không qua lại gì với họ.
2. Người hay đồn lung tung: Một số người dường như không thể sống mà không nhòm ngó, săm soi người khác rồi chủ động kể lể với người khác. Việc liên tục nghe lời đồn hay tin tức giả chỉ mang lại điều tiêu cực và ảnh hưởng xấu tới nhận thức của bạn về cuộc sống. Ngoài ra, họ cũng sẽ mang câu chuyện của bạn, tạo thành tin đồn để nói lại với người khác. Dù sao, mục đích chính của hầu hết buổi trò chuyện của người thích ngồi lê đôi mách là lấy thông tin và tiếp tục phát tán tin đồn.
3. Người tự thuật: Những người này có khả năng biến mọi cuộc trò chuyện thành buổi nói về bản thân, biến họ thành trung tâm cuộc đối thoại. Họ không quan tâm đến bạn hay những gì bạn muốn chia sẻ và dễ biến bạn thành nền cho cuộc sống của họ. Vì vậy, việc kết bạn với kiểu người chỉ chăm chăm nói về chính mình không phải hay.
4. Người hay than vãn: Kiểu người này dễ dàng rút cạn hạnh phúc và năng lượng của người đối diện bằng vài câu trò chuyện. Họ thường dễ bị thao túng, đi theo cảm xúc tiêu cực và truyền nó tới người xung quanh mà nạn nhân không nhận ra. Vì thế, nếu bạn thường cảm thấy chán nản khi nói chuyện với ai đó, tốt nhất nên tránh xa họ ra.
5. Nữ hoàng phim truyền hình: Họ thường tự suy diễn ra các rắc rối. Cuộc sống của họ như chuyến tàu lượn đầy cảm xúc và dễ kéo theo bạn. Điều này khiến người trẻ cạn kiệt năng lượng. Ngoài ra, bạn tự gò ép bản thân phải luôn cẩn thận để không làm họ tổn thương. Chưa kể đến, khi bị kéo vào những bi kịch dài tập đó, bạn tự nhận thấy mình cần giúp họ giải quyết vấn đề và dễ tự nhận mình là người vô dụng nếu không làm được.
6. Người thích phê bình: Một số người thích tìm sai sót trong mọi thứ. Đương nhiên, các phản hồi giúp người khác tiến bộ nếu người đó đủ am hiểu. Nhưng người thích chỉ trích có thể suy đoán mọi thứ dù họ không có kinh nghiệm, hiểu biết gì. Những lời phê bình vô căn cứ đó khiến bạn mất tự tin chứ không giúp ích.
7. Người thích kiểm soát: Đối phó với người thích kiểm soát là thách thức khá lớn. Họ thường ám ảnh bởi những điều nhỏ nhặt và thích ra lệnh, chỉnh sửa hành vi của người khác. Những người này thường lại biết nhiều hơn nên bạn chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo lời họ hoặc sẵn sàng đối phó với cơn giận. Sự kiểm soát đó khiến bạn dần mất tự tin, không còn không gian để tự đưa ra quyết định và thể hiện cá tính.
8. Người thích thao túng: Họ biết mình cần gì và không ngại bỏ qua lợi ích của bạn để đạt được điều họ muốn. Những người này rất cuốn hút, được mọi người yêu quý. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, họ không có bạn thân và khó duy trì mối quan hệ lâu dài. Nếu quen biết họ, bạn cần giữ tỉnh táo để biết lúc nào mình bị thao túng hay lôi kéo vào tình huống không mong muốn.
9. Người biết tuốt: Một số người muốn chứng minh mình là người thông minh nhất, tận dụng mọi cơ hội để mọi người biết điều đó, thường bằng cách thể hiện mình đã biết những thông tin mà người khác chia sẻ. Họ không cởi mở với ý tưởng mới và dễ tranh cãi với người xung quanh. Người biết tuốt khiến bạn cảm thấy mình không có gì hay ho để chia sẻ, kiến thức, hiểu biết của mình chẳng là gì so với họ. Thông thường, bạn nên phớt lờ những người này. Nhưng nếu nhận thấy hành vi của họ khiến mình tổn thương, bạn nên cắt đứt quan hệ với họ.
10. Người hay hoài nghi: Họ mang lại quá nhiều điều tiêu cực. Những năm gần đây, phim ảnh thường miêu tả kiểu người này như người hấp dẫn, thực sự hiểu bản chất cuộc sống. Trong khi thực tế, họ chỉ khiến người xung quanh cảm thấy bất lực, mất phương hướng. Họ cũng khiến người khác mất tự tin, cảm thấy thành tích mình đạt được chẳng có ý nghĩa gì. Người hay hoài nghi thường thấy bất ổn, thiếu an toàn nhưng bạn không có nghĩa vụ giúp họ khắc phục tâm lý tổn thương đó mà nên cố giữ khoảng cách với họ.
11. Người từ chối giao tiếp: Trong khi giao tiếp là chìa khóa cho mọi mối quan hệ, họ lại từ chối nó. Họ thích hình thức giao tiếp thụ động, giữ im lặng khi có tranh cãi. Những người này không thể kiểm soát cơn giận một cách lành mạnh và "trừng phạt" người xung quanh nếu họ cảm thấy khó chịu. Bằng cách từ chối giao tiếp. họ kéo người khác - những người sẵn sàng trò chuyện để giải quyết vấn đề - vào tình huống bế tắc, dẫn đến việc tự cảm thấy mình vô dụng.