Sự thật tàn nhẫn của showbiz Hàn
Hàn Quốc là nơi tiên phong gây dựng văn hóa thần tượng và nó đã mang lại lợi nhuận "khủng" cho quốc gia này. Tuy nhiên, khác hẳn với vẻ hào nhoáng bên ngoài, showbiz Hàn lại là một nơi vô cùng khắc nghiệt. Để trở thành người nổi tiếng, các thực tập sinh đã phải đánh đổi tuổi trẻ của mình để luyện tập không ngừng nghỉ, phải ký những bản “hợp đồng nô lệ” với công ty chủ quản và sống trong sự giám sát chặt chẽ trong thời kỳ thực tập. Họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chỉ để tranh nhau cơ hội ra mắt.
Nhiều người cho rằng, sau khi trở thành một ngôi sao là sẽ có một cuộc sống thoải mái, giàu sang. Nhưng rồi cũng nhanh chóng nhận ra rằng, những áp lực mà họ phải đối mặt còn lớn hơn nhiều so hồi còn là thực tập sinh. Ngoài việc phải vùi đầu luyện tập với cường độ tần suất cao đến 20 tiếng mỗi ngày, họ còn phải ghi âm, biểu diễn, đóng phim và tham gia các chương trình giải trí chỉ để làm nóng tên tuổi của bản thân. Chạy đua với thời gian, họ phải tranh thủ nghỉ ngơi ngay trên xe hơi khi di chuyển. Ăn không đủ no, ngủ không đủ giấc. Chính vì lẽ đó mà các nghệ sĩ luôn bị căng thẳng và kiệt sức.
Nhưng so với áp lực mà lịch trình bận rộn, không có thời gian nghỉ ngơi mang lại thì áp lực từ những ánh mắt dò xét, chỉ trích của cư dân mạng mới là nguyên nhân khiến nhiều nghệ sĩ rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý. Làm người của công chúng là phải chấp nhận bị netizen soi mói, đánh giá, phải luôn hoàn hảo từ vẻ ngoài đến nhân cách. Đôi khi chỉ là một chi tiết hay hành vi cực kỳ nhỏ của thần tượng mà nhưng netizen cũng có thể tìm cách ném đá, dìm hàng. Béo quá thì bị chê, gầy quá thì bị mắng, sơ ý quá cũng bị chửi mà vô tư quá thì bị trách. Còn nếu lỡ vướng vào những scandal thì lại càng bị đay nghiến, miệt thị nhiều hơn nữa.
Chính vì môi trường khắc nghiệt như thế, Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có nhiều nghệ sĩ tự tử nhất. Trong khi đó, một thành phần khác chọn cách nổi loạn hoặc giải nghệ… để tự tìm lối thoát cho chính mình.
Lời kêu cứu từ những con người tuyệt vọng
Tại thời điểm Sulli xuất hiện cùng những tin tức nổi loạn, cô liên tục đăng tải hình phản cảm, những tấm ảnh thả rông, clip tình tứ quá mức với bạn trai… và tất nhiên là cô nhận được nhiều lời chỉ trích, miệt thị từ phía cộng đồng mạng. Những người từng là fans cũng quay lưng với cô, quá quắt hơn, có người còn chửi bới và quấy rối cô trên mạng xã hội. Không khó để nhận ra Sulli gặp phải khủng hoảng tâm lý qua những tấm hình mà cô đăng tải trên Instagram. Nhiều chuyên gia nhận định, cô mắc chứng trầm cảm do chịu nhiều áp lực từ phía công chúng. Trước sự việc ấy, cô lại nhận được nhiều sự chỉ trích hơn là sự cảm thông. Nhưng cô vẫn cố gắng chống chọi với dư luận, vẫn tham gia những hoạt động giải trí và hy vọng được mọi người đối xử như người bình thường.
Bức hình do Sulli đăng tải vào 2 năm trước cho thấy dấu hiệu của sự trầm cảm.
Trong tập trước đó của “The Night Of Hate Comment”, Sulli thừa nhận rằng bản thân cô luôn sống trong trạng thái trống rỗng, nhưng vẫn phải tỏ ra vui vẻ trước mặt mọi người: “Cuộc sống của em đang cực kỳ trống rỗng, em cứ giả vờ hạnh phúc và cảm thấy như thể mình đang lừa dối mọi người. Em đã xin tư vấn từ những người xung quanh. Họ bảo em rằng: ‘Mỗi người đều có những mặt tối trong đời và cần che đậy. Đừng suy nghĩ nhiều quá’”.
Sulli chia sẻ trong chương trình.
Cùng công ty quản lý với Sulli - Jong Hyun cũng là một nạn nhân của căn bệnh trầm cảm. Nam thần tượng (sinh năm 1990) được biết đến như là thành viên đa tài của nhóm SHINee. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài rạng rỡ, vui vẻ là sự u buồn và căn bệnh trầm cảm. "Tôi thực sự sụp đổ từ sâu thẳm mình. Trầm cảm đang dần nuốt chửng và khiến tôi thất bại. Tôi không thể chống lại". Cuối cùng, Jong Hyun đã gửi lời tạm biệt gia đình, nói về sự bế tắc và khổ cực trong cuộc sống. Anh viết: “Em đã khổ sở đến tận bây giờ, hãy để em đi”. Hơn thế, trong bức tuyệt mệnh mà Jong Hyun để lại có viết: "Cho dù bạn chẳng thể nở nụ cười khi tiễn tôi, thì cũng mong bạn không đổ lỗi cho tôi. "Bạn đã làm tốt rồi, bạn thực sự đã vất vả rồi". Tạm biệt". Đến cả khi chết đi, anh vẫn sợ bị mọi người chỉ trích, anh luôn muốn được sự công nhận từ công chúng.
Jong Hyun trút hơi thở cuối cùng vào chiều 18/12/2017. Sự mất mát của anh một lần nữa nhắc nhở công chúng về những áp lực tại môi trường giải trí. Trước đó, đã có Choi Jin Sil, Park Yong Ha, Woo Bong Shik, Kim Sung Min, Sojin… cũng chọn lối thoát tương tự.
Sự ra đi đột ngột của Jong Hyun khiến gia đình, người hâm mộ cùng đồng nghiệp của anh bàng hoàng và đau xót.
Một trong những người bạn thân của Sulli là Goo Hara suýt qua đời vì tự tử tại nhà riêng. Goo Hara (sinh năm 1991) từng là nữ idol nổi tiếng trong thời gian hoạt động cùng KARA trước khi nhóm tan rã. Sau đó cô vướng phải scandal cùng bạn trai cũ về vấn đề bạo hành và bị uy hiếp bằng video sex. Ngoài việc bị hãm hại, nữ ca sĩ còn đối mặt với sự miệt thị và chửi bới từ dư luận. Điều này đã khiến nhiều người cho đoán rằng cô mắc bệnh trầm cảm rồi dẫn đến tự tử.
Goo Hara và bạn trai cũ
"Phải giả bộ vui vẻ trong khi bản thân mệt mỏi. Giả bộ như không có gì trong khi bản thân lại đau đớn. Sau khi sống với từng đó áp bức, bên trong tôi như đã vỡ vụn thành trăm mảnh" - đó là những gì Goo Ha Ra từng viết trên SNS cá nhân. Cô nhấn mạnh rằng câu chữ có thể quyết định mạng sống của con người: "Nếu bạn biết trọng lượng của lời nói thì liệu bạn có suy nghĩ kỹ hơn khi mở miệng".
Thị trường giải trí Hàn Quốc càng trở nên thành công thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Điều đó đồng nghĩa với tỷ lệ nghệ sĩ mắc bệnh trầm cảm càng nhiều. Có lẽ khó ai ngờ những ngôi sao giải trí đình đám như G-Dragon (Big Bang), T.O.P (Big Bang), Suzy (Miss A), Heechul (Suju)... cũng nằm trong số đó.
“Điều duy nhất tôi có thể làm khi là ca sĩ, đó là thể hiện sân khấu tốt hơn trong tương lai, thay vì nói về việc mình làm sai hay không. Nhưng tôi đã từ chối mọi cuộc gọi từ gia đình, bạn bè. Tôi cảm thấy như mình đã làm một điều rất sai trái. Tôi vô cùng chán nản và cảm thấy tổn thương vì những lời chỉ trích”, G-Dragon tự cô lập bản thân, từ chối tiếp xúc với mọi người kể cả gia đình anh trong thời gian ca khúc "Heartbreaker" bị nghi đạo nhạc.
"Tôi từng mắc chứng trầm cảm trong thời gian dài và không thể chia sẻ điều đó với bất cứ ai. Thậm chí tôi từng nghĩ tới cái chết. Rồi một ngày, khi tâm sự với một người bạn, tôi đã bật khóc vì quá mệt mỏi”, Suzy chia sẻ trong nước mắt trong show Healing Camp (2013) của đài SBS.
Công chúng nên dừng việc chỉ trích thần tượng một cách vô lý
Qua lời thú nhận, có thể nhận ra dư luận chính là sức ép lớn nhất khiến các nghệ sĩ rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý, thậm chí là trầm cảm. Và có lẽ trầm cảm chỉ là bước khởi đầu khi nghệ sĩ chịu quá nhiều sức ép từ môi trường, tự tử mới là lựa chọn đáng sợ nhất. Trong 12 năm qua đã có ít nhất 10 ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc tự tử do trầm cảm. Công chúng chỉ đau buồn một thời gian rồi lại quay lại thói soi mói, chỉ trích các nghệ sĩ một cách nặng nề. Vẫn chưa có ai can thiệp hay có giải pháp đối với những câu chuyện buồn của làng giải trí Hàn. Chỉ có những ngôi sao, những người hiểu rõ gánh nặng này, hoặc tự cứu lấy mình bằng cách cố gắng vượt qua hoặc chọn cách tiêu cực hơn – tự giải thoát mình khỏi cuộc sống này.
Các thần tượng đã phải đánh đổi cả tuổi trẻ chỉ để được xuất hiện trên sân khấu. Sau đó họ tiếp tục gồng mình gánh chịu mọi áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần chỉ vì muốn tồn tại trong giới showbiz khắc nghiệt này. Họ xuất hiện với vỏ bọc hoàn hảo, ngụy trang với vẻ ngoài tươi tắn, mà nhiều người quên rằng, nghệ sĩ cũng là người bình thường. Công chúng đòi hỏi một sự hoàn hảo ở những con người bình thường và đã đặt ra một tiêu chuẩn để ép họ phải theo khuôn mẫu. Và những lời chỉ trích, miệt thị nặng nề của khán giả đã vô tình khiến họ bị tổn thương, thậm chí là đánh đổi bằng cái chết, khi ấy thì sự hối hận của công chúng có lẽ cũng không còn kịp nữa rồi.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn