Luật sư Kiều Anh Vũ: Thông tư hướng dẫn Luật Du lịch vẫn nặng 'xin-cho'

Thứ năm - 22/02/2018 03:48
(Motthegioi) - Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Du lịch (lần 2) có nhiều nội dung tích cực hơn, tuy nhiên, vẫn còn những điểm chồng chéo, bất cập, nặng tư duy "xin-cho".
Luật sư Kiều Anh Vũ: Thông tư hướng dẫn Luật Du lịch vẫn nặng 'xin-cho'



Kinh doanh cửa hàng ăn uống phải có tối thiểu 50 chỗ ngồi là không hợp lý - Ảnh: Internet


Nhiều quy định không rõ ràng

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mang ra lấy ý kiến rộng rãi.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ cho hay, về quy định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch chưa được rõ ràng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định: “Tổng cục Du lịch lựa chọn các cơ sở đào tạo đủ năng lực để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế”.

“Lựa chọn” ở đây là như thế nào, lựa chọn trên cơ sở đăng ký, đề nghị của cơ sở đào tạo hay Tổng cục Du lịch tự lựa chọn, làm sao việc lựa chọn này có đảm bảo sự khách quan, công bằng? Mặc dù khoản 2 Điều 5 Dự thảo Thông tư có quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch nhưng khoản 3 lại quy định: “Cơ sở đào tạo có nhu cầu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch gửi công văn đề nghị về Tổng cục Du lịch kèm theo bản thuyết minh về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tổng cục Du lịch xem xét, trả lời bằng văn bản””, ông Vũ nêu.

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 3 Điều 5 nặng tư duy quản lý theo kiểu xin – cho bởi dù cơ sở đào tạo có nộp hồ sơ đúng quy định đi nữa thì cũng không biết việc xem xét, trả lời của cơ quan cấp phép là như thế nào. Cần phải quy định rõ nếu cơ sở đào tạo đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định thì phải được “cấp phép”; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM - ảnh VnE

Cũng theo ông Vũ, về các điều kiện, tiêu chí kinh doanh dịch vụ du lịch khác (Điều 8 – Điều 12 của Dự thảo), có quy định về điều kiện phải “nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng” là không khả thi và không hợp lý. Phương thức thanh toán sẽ do các bên thỏa thuận, tùy theo điều kiện kinh doanh của cơ sở kinh doanh mà có trang bị thiết bị nhận thanh toán qua thẻ tín dụng hay không, pháp luật không nên quy định điều kiện bắt buộc và cứng nhắc như vậy.

Về cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra ngoại ngữ, ông Vũ nêu quan điểm, theo Điều 14 Dự thảo, tương tự như đối với trường hợp cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch như đã nêu trên, Dự thảo trao quyền cho Tổng cục Du lịch chọn; cơ sở đào tạo có nhu cầu tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ sử dụng thành thạo ngoại ngữ gửi công văn đề nghị về Tổng cục Du lịch và Tổng cục Du lịch “xem xét, trả lời bằng văn bản” là chưa đủ rõ ràng.

Theo đó, phải quy định rõ nếu cơ sở đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì phải được cấp phép. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra ngoại ngữ quy định tại khoản 2 Điều 14 cũng chưa phù hợp với các luật liên quan. Chẳng hạn, tiêu chí về “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”, trong khi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học không có quy định để xác định tiêu chí này.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 59 Luật Du lịch chỉ trao quyền cho Bộ trưởng quy định về “tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ” chứ không trao quyền quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Do đó, việc hướng dẫn chi tiết vấn đề này cần phải xem xét trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật Du lịch và luật khác liên quan.

Kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có 50 chỗ ngồi?

Điều 9 Dự thảo cũng quy định một trong các tiêu chuẩn của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là “có ít nhất 50 chỗ ngồi”, điều kiện này rất chủ quan, vì sao là con số 50 mà không phải là con số khác, hơn nữa chỗ ngồi không phản ánh được chất lượng dịch vụ, ông Vũ băn khoăn.

“Việc phân bổ, sắp xếp chỗ ngồi phụ thuộc vào tình hình kinh doanh cụ thể của cơ sở kinh doanh như điều kiện về mặt bằng, cách bày trí… không nên áp đặt phải có tối thiểu 50 chỗ ngồi. Các quy định này nên được xem xét bỏ khỏi Dự thảo hoặc quy định hợp lý hơn”, ông Vũ nêu.

Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số tiêu chuẩn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cán bộ thực thi và có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng trong cùng điều kiện, ví dụ “Bếp thông thoáng … có trang thiết bị chất lượng tốt để bảo quản và chế biến thực phẩm” (khoản 4 Điều 9). Không rõ tiêu chí nào để đánh giá trang thiết bị tốt hay không?

Để đảm bảo tính minh bạch trong quy định và hạn chế tình trạng trên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại và quy định cụ thể, theo hướng nêu các yêu cầu có thể định lượng được. Trong trường hợp không thể đặt yêu cầu rõ ràng thì đề nghị bỏ các quy định này.

Một số tiêu chuẩn chưa hợp lý như “Có ít nhất 50 chỗ ngồi” là một trong những tiêu chí để xét công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn (khoản 2 Điều 9). Quy định này sẽ dẫn tới việc, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sắp xếp số chỗ ngồi lớn sẽ được xét công nhận còn các cơ sở có số chỗ ngồi ít hơn thì không.

Kinh doanh ăn uống phải có tối thiểu 50 chỗ ngồi là không hợp lý - Ảnh Internet

Trong khi đó, về mặt tính chất, số chỗ ngồi trong cơ sở dịch vụ ăn uống hoàn toàn không phản ánh chất lượng, tiêu chuẩn dịch vụ của cơ sở, thậm chí trong một số trường hợp là ngược lại (ví dụ cùng một diện tích nhưng nhà hàng muốn bố trí số chỗ ngồi ít, để tạo không gian thoáng, phục vụ tốt hơn cho khách hàng thì sẽ không thỏa mãn tiêu chuẩn, trong khi nếu nhà hàng bố trí số chỗ ngồi nhiều sát nhau thì lại đáp ứng).

VCCI cho rằng, ngay cả khi số lượng chỗ ngồi nhiều được cho là tiêu chí cần thiết để đón các khách du lịch theo đoàn thì mức “50 chỗ ngồi” này cũng là thiếu căn cứ? Liệu có phải các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam có số lượng khách trung bình là 50 người/đoàn không? Nếu là thấp hơn thì liệu một nhà hàng có nhất thiết phải đủ số chỗ ngồi cho nhiều hơn một đoàn khách du lịch trung bình không?

“Chú ý là tiêu chí để đánh giá một nhà hàng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch nên dưa vào khả năng của nhà hàng trong việc đáp ứng các yêu cầu của khách chứ không phải là các tiêu chí về quy mô”, VCCI nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Hoài Phong

Nguồn tin: motthegioi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây