Có nên duy trì phong tục mừng tuổi Tết?

Thứ năm - 15/02/2018 02:52
(LĐO) - Còn chưa đầy một tháng nữa là Tết Nguyên đán nhưng vợ chồng anh Hồng Tuấn (TP Vinh) Nghệ An đã lên kế hoạch mừng tuổi con sếp, với số tiền lên tới hàng triệu đồng, trong khi hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.
Có nên duy trì phong tục mừng tuổi Tết?

 

Nhiều địa phương đã nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên. Ảnh minh họa.

Nhiều địa phương đã nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên. Ảnh minh họa.



Anh Tuấn chưa có việc làm ổn định, làm việc bán thời gian cho một số Cty, mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Còn vợ là chị Hồng mới xin vào phòng Hành chính của một cơ quan nhà nước, nhờ mối quan hệ quen biết từ người bà con nên không phải “lót tay”, với mức lương 3-4 triệu/tháng. Mừng tuổi là cách để vợ chồng bày tỏ sự cảm ơn đối với Giám đốc Cty.

Mặc dù được can ngăn là nên cố gắng làm việc cho tốt, đó là cách cảm ơn sếp hữu hiệu nhất, nhưng vợ chồng anh Tuấn vẫn cảm thấy áy náy nếu chưa “mừng tuổi” được con sếp.

Trường hợp của vợ chồng anh Tuấn không phải là cá biệt. Dịp Tết, nhiều người “vận dụng” phong tục mừng tuổi trẻ con, để gửi đến cấp trên một “thông điệp” về tình cảm, mong được sếp quan tâm, giúp đỡ… Nhiều người còn mừng tuổi với số tiền lớn, không khác gì “lại quả” hoa hồng dự án… Quà Tết cho sếp, thường là rượu ngoại, phong bì dày.

Từ xa xưa, mừng tuổi dịp Tết đã trở thành phong tục có ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, chúc phúc của ông bà, cha mẹ, anh chị đối với con cháu, người lớn đối với trẻ con, với hàm nghĩa mong các cháu mạnh khỏe, tiến bộ. Quà mừng tuổi là một ít tiền, đồng xu, bánh trái… có thể đưa trực tiếp hoặc bỏ trong phong bao lì xì, giá trị chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Và không có quà cũng không sao, quan trọng là tình cảm, sự quan tâm đối với trẻ nhỏ.

Con cháu cũng bày tỏ sự kính trọng, tri ân đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bằng quà mừng tuổi, cầu chúc sức khỏe, trường thọ. Quà, thường là sản phẩm do chính tay con cháu, học trò làm ra, không chú trọng về mặt giá trị vật chất mà làm sao thể hiện sự tôn kính.

Thời kinh tế thị trường, nhiều phong tục, quan niệm đã thay đổi, biến tướng, “văn hóa phong bì” lấn át tất cả, dẫn đến một phong tục đẹp là lì xì, mừng tuổi ngày Tết cũng bị biến tướng, trở nên méo mó, thực dụng.

Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chi phí cho mừng tuổi ngày Tết đã trở thành một gánh nặng. Nhiều người ngại đi chơi Tết vì đến gia đình nào đó có đông trẻ em, nếu không mừng tuổi thì ngại, mà mừng thì không xuể, rồi chuyện so đo tính toán mức quà nhiều ít. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp lao đao vì sắm quà Tết cho cấp trên. Không khí Tết vì thế cũng kém vui.

Thiết nghĩ, để có một cái Tết đầm ấm, hòa đồng, vui vẻ, cần làm sao để trút bỏ gánh nặng của lệ mừng tuổi Tết. Nếu tục lệ không còn phù hợp và trở thành “lực cản” cho cuộc sống văn minh, tại sao chúng ta không mạnh dạn từ bỏ, tránh những biến tướng, trục lợi và để lại nhiều hệ lụy?

Tác giả bài viết: HẢI ĐĂNG

Nguồn tin: laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây