Sát hạch ngoại ngữ: 20% tân PGS, GS không dám tham gia, 30% như "gà mắc tóc"

Thứ tư - 21/02/2018 05:31
(LĐO) - Sau khi báo chí và dư luận xã hội lên tiếng vì số lượng GS, PGS năm 2017 tăng đột biến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải rà soát việc này. Như vậy là Thủ tướng rất nhạy bén và tôn trọng dư luận. Cần phải rà soát một cách có hiệu quả.
Sát hạch ngoại ngữ: 20% tân PGS, GS không dám tham gia, 30% như "gà mắc tóc"

 



Nhiều người cho rằng, rất khó làm cho ra kết quả. Theo tôi, việc này tương đối đơn giản, nếu chúng ta muốn thực sự làm cho ra nhẽ.

Cách đơn giản và hiệu quả đó là: Không cần xem lại hồ sơ về những bài báo khoa học và sách nữa (tất cả sẽ đầy đủ trên giấy tờ); chỉ tập trung sát hạch ngoại ngữ. Cách làm cụ thể như sau:

Thủ tướng ra quyết định thành lập tổ công tác. Tổ này thành lập các hội đồng sát hạch ngoại ngữ (căn cứ vào số lượng ngành và liên ngành).

Tiến sĩ - nhà báo Hồ Bất Khuất
Tiến sĩ - nhà báo Hồ Bất Khuất

Hội đồng này không cần những người có học hàm, học vị cao; chỉ cần họ có trình độ ngoại ngữ giỏi là được. Vì vậy, việc thành lập các hội đồng này đơn giản (người của các trường dạy ngoại ngữ, các trung tâm ngoại ngữ; trong trường hợp cần thiết thì mời cán bộ Bộ Ngoại giao hỗ trợ).

Trước ngày các tân GS, PGS ra Văn Miếu nhận bằng, họ phải trải qua kỳ sát hạch ngoại ngữ. Kỳ sát hạch này làm "sống" toàn bộ, nghĩa là vấn đáp. Có hai nội dung: 1. Các tân GS, PGS có 15 phút để trình bày tóm tắt nội dung những công trình khoa học của họ bằng thứ ngoại ngữ mà họ thông thạo; 2. Các tân GS, PGS có 5 phút để trò chuyện với các thành viên hội đồng về các vấn đề sinh hoạt trong cuộc sống bằng tiếng Anh.

Tôi dự đoán: Khi biết kế hoạch này, khoảng 20% những người đạt chuẩn GS, PGS sẽ không tham gia các cuộc sát hạch với lý do đi chữa bệnh, đi công tác, bận việc nhà... Trong số những người đến sát hạch, khoảng 30% sẽ như "gà mắc tóc" và sẽ bị trượt.

Những ai vượt qua kỳ sát hạch có thể ngẩng cao đầu sang Văn Miếu nhận bằng. Còn những người trượt sẽ phải học thêm ngoại ngữ, bổ sung thêm hồ sơ và chờ đợt xét GS, PGS mới.

Nếu số người đạt chuẩn GS, PGS vượt qua sát hạch trên 90% thì nên có thưởng cho Hội đồng Chức danh giáo sư quốc gia. Còn nếu số vượt qua sát hạch thấp, chỉ dưới 70% thì hội đồng giáo sư quốc gia phải chịu trách nhiệm; họ phải giải trình vì sao công nhận đạt chuẩn trong khi trên thực tế có tiêu chuẩn không đạt yêu cầu.

Nếu làm theo cách này, chắc chắn chúng ta sẽ biết được nhiều điều, trong đó có chất lượng trên thực tế của đội ngũ GS, PGS nước ta.

Tiến sĩ, nhà báo Hồ Bất Khuất quê Nghệ An, công tác tại Tạp chí Gia đình và Trẻ em, giảng viên Khoa báo chí Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Ông học tiếng Nga tại Đại học Tổng hợp Erevan, CH Acmenia, Liên Xô, học chuyên ngành báo chí và làm luận án tiến sĩ báo chí tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Moscow, Nga).

Tác giả bài viết: HỒ BẤT KHUẤT

Nguồn tin: laodong.com:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây