“Tham nhũng làm hỏng cán bộ, tạo ra bức xúc, bất công trong xã hội”

Thứ ba - 27/02/2018 20:27
(GDVN) - “Thời gian qua chúng ta đã xử lý nghiêm nhiều vụ tham nhũng và sai phạm của cán bộ, nhưng cử tri còn muốn xử nhiều nữa, nghiêm hơn nữa, kể cả tham nhũng vặt".
“Tham nhũng làm hỏng cán bộ, tạo ra bức xúc, bất công trong xã hội”

Cải thiện thứ bậc nhưng vẫn tiềm ẩn nỗi lo

Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017 được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) có trụ sở tại Đức công bố ngày 22/2, Việt Nam đạt 35/100 điểm, đứng thứ 107/180 quốc gia toàn cầu, tăng 6 bậc so với năm 2016. Như vậy chỉ số CPI của Việt Nam năm 2017 tăng thêm 2 điểm.  

Bình luận về vấn đề này, hôm 26/2, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc Việt Nam tăng điểm và cải thiện thứ hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng là dấu hiệu tích cực cho thấy các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tại ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

“Phải khẳng định đây là thông tin rất phấn khích đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đồng thời là tín hiệu tích cực cho thấy, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta đã đạt được những bước tiến khá rõ nét, trong bối cảnh chúng ta còn gặp nhiều khó khăn.

Điều này cũng tạo nên niềm tin lớn của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đánh giá.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Báo Hà Nội mới.

Tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội Hà Nội cũng cho rằng, dù Việt Nam cải thiện được vị trí tích cực trong bảng xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng, nhưng bản thân ông vẫn cảm thấy lo lắng vì tình hình tham nhũng ở nước ta còn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Ngay cả khi nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh, thì không ít người vẫn chưa biết sợ tham nhũng.

“Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Song theo phản ánh của người dân, nhiều lĩnh vực trong đó có quản lý đất đai - tài nguyên, giải phóng mặt bằng, quản lý tài sản công, đấu thầu, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, tư pháp... còn tiềm ẩn những nguy cơ tham nhũng lớn.

Tôi nghĩ, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, rất gian nan với biết bao thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ của tất cả các cấp, các ngành, nhất là từng cơ quan cụ thể, trong đó đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong công cuộc chống tham nhũng”, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhận định.

Cần giải pháp đồng bộ và mạnh hơn nữa

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đánh giá, vấn đề tham nhũng ở nước ta để lại nhiều hậu quả khôn lường, từ việc làm hư hỏng cán bộ, suy yếu nguồn lực phát triển, làm xấu môi trường đầu tư, mất niềm tin của người dân đối với Đảng, Chính phủ và bộ máy công quyền nói chung.

“Nếu không có giải pháp mạnh kiểm soát, xử lý nghiêm tham nhũng sẽ làm hư hỏng cán bộ, tạo nên sự búc xúc, bất công trong xã hội”, ông Hiểu nhận định.

Nếu không có giải pháp mạnh kiểm soát, xử lý nghiêm tham nhũng sẽ làm hư hỏng cán bộ, tạo nên sự búc xúc, bất công trong xã hội. Trong ảnh: Bị cáo Đinh La Thăng trước tòa (ảnh của Thông tấn xã Việt Nam).

Từ những nhận định trên, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, để chống tham nhũng hiệu quả cần rà soát lại hệ thống pháp luật trong đó có việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng.

“Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, sửa Luật phòng chống tham nhũng xong là có thể giải quyết được các vấn đề căn cơ liên quan đến tham nhũng.

Ví dụ, nếu sửa Luật phòng chống tham nhũng trong đó đưa ra quy định quản lý chặt chẽ tài sản công, kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ, nhưng nếu chúng ta vẫn để tự do thanh toán bằng tiền mặt trong các quy định của đạo luật khác thì quy định của Luật phòng chống tham nhũng khó đi vào đời sống.

Nhiều doanh nhân kêu ca với tôi rằng, trong đấu thầu, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” còn phổ biến.

Có những doanh nghiệp năng lực yếu nhưng có trong tay rất nhiều dự án, có doanh nghiệp gần như cứ đấu thầu là trúng.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, có năng lực thực sự thì lại không có cơ hội tiếp cận các dự án có vốn ngân sách nhà nước. Rõ ràng, đây là vấn đề bất thường", Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu dẫn chứng.

Cũng theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, để chống tham nhũng có hiêu quả cần tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; sự giám sát của nhân dân, báo chí, trong đó cần chú trọng và tăng cường việc giám sát của người dân.

"Phải làm tốt hơn nữa công tác công khai, minh bạch và thực hành dân chủ trong Đảng, trong hoạt động của Nhà nước và toàn xã hội.


Xử lý kịp thời, nghiêm hơn các vụ tham nhũng, dù bất kể người vi phạm là ai.Người dân phải được tiếp cận thông tin đầy đủ theo quy định của luật. Nguyện vọng, ý kiến của người dân phải được lắng nghe, tổng hợp và tiếp thu.

Thời gian qua chúng ta đã xử lý nghiêm nhiều vụ tham nhũng và sai phạm của cán bộ, nhưng cử tri còn muốn xử nhiều nữa, nghiêm hơn nữa, kể cả những vụ tham nhũng vặt trong đời sống.

Đặc biệt, chúng ta phải làm thật tốt công tác cán bộ, phải chọn được những người thật sự xứng đáng vào vị trí lãnh đạo, quản lý, bởi khi người lãnh đạo có thực tài, liêm khiết, thực sự vì Đảng, vì dân thì họ sẽ chọn được những cán bộ tốt cho bộ máy", Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy.

“Cần đề cao tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm giáo dục cán bộ đảng viên của lãnh đạo các cơ quan, người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng.

Thời gian qua, người đứng đầu Đảng và Chính phủ ta đã nêu tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên cả nước, nên góp phần rất quan trọng vào kết quả bước đầu của công cuộc đấu tranh này.Người đứng đầu thực sự gương mẫu, trong sạch, sẽ có tác dụng lan tỏa, nêu gương rất lớn.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đảm bảo chế độ tiền lương hợp lý cho cán bộ, công nhân, viên chức.

Rõ ràng nếu như chúng ta đảm bảo được thu nhập cho cán bộ ở mức đủ sống và ngày càng cao thì sẽ có nhiều người quay lưng với sự cám dỗ của đồng tiền.

Tôi còn nhớ cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói, các lãnh đạo chính trị phải được trả lương thật cao để đảm bảo một chính quyền trong sạch và trung thực", Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng:

"Với quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo cao nhất, cùng với sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của nhân dân, sự giám sát của các cơ quan báo chí, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ được cải thiện nhiều hơn và mạnh hơn.

Tôi muốn khẳng định rằng, Việt Nam tăng 6 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng là con số rất đáng khích lệ, song chúng ta cần phải quyết tâm hơn nữa và nỗ lực nhiều hơn nữa”, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.


 

Tác giả bài viết: QUỐC TOẢN - PHƯƠNG ANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây