Mời đọc lại kỳ 1: Tranh luận "gộp Tết ta vào Tết tây": Bỏ quên.... điều then chốt
Trong Phần 1 bài viết này, người viết đã chỉ ra một vấn đề căn cốt chưa được đề cập đến trong cuộc tranh luận bỏ hay giữ Tết ta hiện nay, đó là các công ước quốc tế và khung pháp lý hiện hành. Có thể nói, sự nhận thức về “Tết” và “thực hành văn hóa Tết” ở nước ta hiện nay cơ bản còn nhiều điểm bất cập. Xuất phát từ góc nhìn của tộc người chiếm đa số trong cả nước, từ lâu Chính phủ đã mặc nhiên coi Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia; và việc cả nước được nghỉ làm việc vào dịp Tết Nguyên đán là đương nhiên.
Không chỉ dừng ở đó, chính quyền nhiều địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc còn vận động đồng bào các tộc người Hà Nhì và H’mông bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Chính vì thế, một số công chức/viên chức/lao động trong các công ty/doanh nghiệp là người Hà Nhì và người H’mông sống xa nhà, muốn đón năm mới cùng gia đình theo truyền thống cha ông sẽ phải xin nghỉ phép.
Ở khu vực người Chăm và người Khmer tuy không có tình trạng vận động đồng bào ăn Tết theo người Kinh, nhưng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cán bộ người Chăm, người Khmer muốn được đón năm mới trọn vẹn cùng gia đình cũng buộc phải nghỉ phép chứ không có chế độ riêng. Đến khi người Kinh và các tộc người theo âm dương hợp lịch ăn Tết Nguyên đán, các tộc người còn lại chỉ coi đó là những ngày nghỉ bình thường, không hề có ý nghĩa văn hóa hay tâm linh.
Đường phố Hà Nội được trang hoàng dịp Tết. Ảnh: Zing.vn |
Nhìn từ góc độ cộng đồng, các nhà trí thức, báo giới và các Facebooker hiện đang có 2 xu hướng trái ngược: “Bỏ” hay “Giữ” Tết Nguyên đán. Cuộc tranh luận trên mạng xã hội trong những ngày giao mùa đang ngày càng trở nên sôi nổi, nhưng phía Nhà nước chưa hề đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào. Cá nhân tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh luận rất khó phân thắng bại này, chỉ xin đưa ra một vài ý kiến để khép lại bài viết này.
Thứ nhất, việc viện dẫn các lý do liên quan đến hội nhập quốc tế hay kinh nghiệm Nhật Bản để bỏ Tết Nguyên đán chưa thực sự thuyết phục. Ngay cả người Nhật, sau hơn một thế kỷ bỏ Tết Nguyên đán, hiện cũng đang có những người muốn phục hồi lại truyền thống này [1].
Các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Tết. Việc quản lý xã hội là trách nhiệm chung của nhà nước, cộng đồng và gia đình. Sự kết hợp giữa các bên liên quan dựa trên các quy định của luật pháp để khắc phục tình trạng đó là điều tối quan trọng.
Thứ 2, theo quy định của Hiến pháp, các tộc người thiểu số đều là đồng chủ thể quốc gia. Với tư cách là chủ thể văn hóa tộc người, họ có các quyền bình đẳng với chủ thể văn hóa tộc người Kinh. Phong tục/tập quán tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của các tộc người không ăn Tết Nguyên đán cũng phải được xem là những di sản văn hóa phi vật thể. Người dân các tộc người thiểu số có trách nhiệm chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản mà cha ông để lại, và nhà nước có nghĩa vụ hỗ trợ/hoặc tạo điều kiện để họ thực hiện trách nhiệm nặng nề đó.
Người Tây Nguyên tổ chức lễ Mừng lúa mới và bắt đầu vào mùa Ning nơng, kéo dài từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau – theo âm dương hợp lịch. Ảnh: Báo Gia Lai |
Thứ 3, Tết Nguyên đán chỉ là di sản của riêng người Kinh và các tộc người sử dụng âm dương hợp lịch, không phải của chung tất cả các tộc người Việt Nam, không liên quan đến truyền thống văn hóa các tộc người đang sử dụng các hệ lịch pháp khác. Việc Nhà nước “quốc gia hóa” Tết Nguyên đán rõ ràng là sự áp đặt khiên cưỡng, có biểu hiện của tư tưởng “dân tộc lớn”, chưa thực sự phản ánh đúng tinh thần được quy định trong Công ước “Về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” và Công ước “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa” và Hiến pháp hiện hành.
Thứ 4, nếu đã coi phong tục tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của tất cả các tộc người đều là di sản văn hóa phi vật thể, Nhà nước cần có chính sách chung cho việc bảo tồn, tránh tình trạng như hiện nay: trong dịp Tết Nguyên đán của người Kinh và các tộc người theo âm dương hợp lịch, tất cả người lao động đều được nghỉ; trong khi đó, các tộc người khác không được nghỉ trong dịp lễ hội đón năm mới của mình. Để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa, chính quyền các địa phương miền núi phía Bắc cần chấm dứt ngay cuộc vận động người Hà Nhì, người H’mông bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết Nguyên đán.
Thứ 5, khi đã không coi Tết Nguyên đán là “Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia”, Nhà nước sẽ không còn lý do để đóng cửa các công sở, các nhà máy/xí nghiệp trong những ngày giao thời của âm dương hợp lịch. Ngày nay, Dương lịch đã được coi là phương tiện tính đếm thời gian trên phạm vi quốc gia, chế độ nghỉ cuối năm nên theo thông lệ quốc tế. Việc bảo tồn di sản văn hóa Tết hoàn toàn được trao cho các cộng đồng sở hữu. Cá nhân nào muốn tham gia, cần xin nghỉ phép theo chế độ hiện hành. Quy định này có hiệu lực đối với tất cả các cộng đồng tộc người trên phạm vi cả nước, không phân biệt đa số hay thiểu số.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo cho quá trình vừa hội nhập/phát triển bền vững, vừa bảo tồn được truyền thống văn hóa của các tộc người trong khuôn khổ dân tộc/quốc gia.
TS. Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Nguồn tin: theo nguồn: http://vietnamnet.vn/:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn