Tinh thần Chính phủ Liêm, Chính sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong năm 2018

Chủ nhật - 04/02/2018 05:18
(Pháp lý) – Cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Một lần nữa tinh thần của một Chính phủ liêm, chính được kỳ vọng tới đây sẽ lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương…
Tinh thần Chính phủ Liêm, Chính sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong năm 2018

 

 

                                                                   

 
                                                                                       Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu

Tại điểm 1, Mục II, các nhóm nhiệm vụ chủ yếu, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí theo hướng: Nếu người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được biểu dương, khen thưởng; nếu để xảy ra tham nhũng nhưng kịp thời tự xử lý theo quy định và khắc phục hậu quả, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chỉ xử lý người có hành vi tham nhũng, không xử lý về trách nhiệm người đứng đầu; nếu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ, hậu quả mà xử lý theo quy định của pháp luật”.

Thực tế trước đây cho thấy, khi tham nhũng được phát hiện, người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh, trong việc xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Nhiều đơn vị tham nhũng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, nhưng chỉ vì sợ mất uy tín cá nhân, mất điểm thi đua của đơn vị mình, đã không xử lý nghiêm minh, không báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền để xử lý, hậu quả là tham nhũng đã xảy ra nhiều lần và có tổ chức. Nhiều nơi còn có tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu đã trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng.

Nghị quyết 126 lần này xác định cần tiếp tục hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực PCTN. Điểm mới trong nội dung này là hướng tới việc khuyến khích người đứng đầu chủ động trong công tác PCTN và tích cực trong phát hiện và xử lý tham nhũng, đặc biệt ngay cả khi đã xảy ra tham nhũng. Nếu vì lý do khách quan mà để đơn vị mình “dính chàm” thì người đứng đầu vẫn còn cơ hội được loại trừ trách nhiệm, nếu kịp thời phát hiện tự xử lý theo quy định và khắc phục hậu quả, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Xây dựng một nền công vụ tận tụy, nói không với tham nhũng

Vai trò của nhân tố con người, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ nhân dân được đặc biệt nhấn mạnh trong nội dung Nghị quyết 126/CP. Tại Hội nghị của Chính phủ trực tuyến với các địa phương ngày 28/12 mới đây, một lần nữa công tác cán bộ, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng được nhắc tới trong các phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Con người là mấu chốt của mọi vấn đề. Do vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy, tái tạo văn hóa học hỏi, tinh thần cởi mở, năng lực sáng tạo và trách nhiệm cá nhân. Phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt, kiến tạo lại niềm tin, sự tâm huyết vào thể chế, vào chế độ của chúng ta”.

Thực trạng hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức năng lực kém, thiếu nhiệt tâm với công vụ, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong việc thực hiện các nhiệm vụ, nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ xảy ra ở không ít nơi, một số chủ trương đưa ra bị đóng băng… Nguyên nhân trong đó có hệ quả của việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ công chức, viên chức không đúng thực chất, vì mối quan hệ “con ông cháu cha”, vì “hậu duệ, tiền tuệ”. Do đó bên cạnh việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đồng bộ với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Phải vì việc mà tìm người chứ không phải vì người mà sắp xếp việc. Kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức hoặc buộc từ chức mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác đối với những cán bộ làm việc kém hiệu quả, có dấu hiệu bất liêm…

Thực hiện tinh thần trên tức là đồng nghĩa với siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việc giáo dục pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, kiểm tra thực hiện pháp luật là rất quan trọng để có kỷ cương phép nước trong quá trình xây dựng đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững”.

Minh bạch trong kê khai tài sản và thu nhập

Thanh tra Chính phủ từng xếp biện pháp kê khai tài sản và nộp lại quà tặng vào nhóm “bét bảng”, hiệu quả thấp trong tất cả 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Vấn đề đặt ra ở đây, cần xác định cho đúng diện kê khai, và bước tiếp theo là công khai tài sản như thế nào để mang tính khả thi, tránh hình thức đến tình trạng kê bừa, khai ẩu, “hòa cả làng” và nguy hiểm hơn là để lọt đối tượng vi phạm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cảnh báo: “Khó khăn nhất của phòng, chống tham nhũng là kiểm soát tài sản. Không kiểm soát được thì vô phương trong phòng chống tham nhũng”. Vì vậy để xây dựng một Chính phủ liêm, chính nói không với tham nhũng cần phải có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng. Theo đó, một trong những nội dung tiếp theo được Nghị quyết 126/CP xác định là Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện, đối tượng có nghĩa vụ kê khai, hợp lý hóa việc công khai bản kê khai; quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động; trình tự, thủ tục tiến hành xác minh và kết quả xác minh tài sản, thu nhập; quy định các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong đó đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện quy định trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng…, đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ. Một khi việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, những tài sản có giá trị vẫn có thể “hồn nhiên” không đăng ký và nộp thuế thì thật sự đây là việc bất khả thi. Vì lẽ đó, thúc đẩy giải pháp “không dùng tiền mặt” và áp dụng những nguyên tắc hợp lý về cung cấp thông tin khách hàng đối với các ngân hàng, tổ chức bảo hiểm; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này là những bước đi cấp bách, cần thiết.

Được biết dự thảo Luật PCTN sửa đổi lần này sẽ có hẳn chương riêng quy định về việc công khai và minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản thu nhập một cách thực chất để xử lý đối với những trường hợp có hành vi tham nhũng. Có thể thấy, Nghị quyết 126/CP hướng tới hoàn thiện hệ thống luật pháp, đủ chế tài để buộc cán bộ thực hành nghiêm việc kê khai tài sản, vì chỉ có minh bạch tài sản mới có thể theo dõi, kiểm tra có hiệu quả.

Vĩ thanh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính. Người khẳng định: “Những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu”. Phải đặt liêm lên hàng đầu mới kiến tạo được một chính phủ liêm chính. Theo Hồ Chí Minh, liêm là liêm khiết,“không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”. Liêm còn là trong sạch, không tham lam.

Từ yêu cầu thực tiễn khách quan, từ ý thức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm, chính. Từ bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể quốc dân, đồng bào đến những lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương hoặc trên cả những diễn đàn khu vực và thế giới, liêm chính luôn là khái niệm được Thủ tướng nhắc đến nhiều lần và được xem như một tiêu chí trong công tác quản lý điều hành của Chính phủ và bộ máy chính quyền địa phương.

Hơn ai hết là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng hiểu rằng, một Chính phủ liêm chính còn phải là một chỉnh thể thống nhất từ phương châm đến hành động, có mối tương tác, quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa các thành viên với nhau và với toàn hệ thống để có một cơ chế vận hành đồng nhất, hiệu quả. Một Chính phủ liêm chính đòi hỏi mỗi thành viên Chính phủ, từ lãnh đạo cao nhất cho đến cấp dưới phải là những con người mẫu mực; phải làm gương “thượng tôn pháp luật”; tuyệt đối không suy nghĩ vụ lợi; phải có sự can đảm và dũng khí. Không chỉ có vậy, những cam kết mạnh mẽ cần phải đi liền với những quyết sách cụ thể, hữu hiệu để thực hiện lời hứa, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo còn phải trải qua một con đường dài gập ghềnh với lộ trình nhất định, nhưng ngoảnh lại hai năm đầu nhiệm kỳ, người dân Việt cảm nhận được “luồng nhiệt” ấy đang hừng hực. Dẫu rào cản còn bủa vây, khó khăn còn chồng chất, nhưng sức mạnh niềm tin về những thành tựu mới của đất nước, của một Chính phủ liêm, chính trong lòng dân đang không ngừng lan tỏa. Một mùa Xuân nữa lại đến và người dân Việt tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ liêm, chính tiến về phía trước với kỳ vọng mới, từ tinh thần Nghị quyết 126./.

“Tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng. Góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTN” (Trích Nghị quyết số 126/NQ-CP).

 


Tham dự Hội nghị trực tuyến với Chính phủ sáng 28/12/2017, đề cập đến phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Tác giả bài viết: MINH TRUNG

Nguồn tin: Pháp lý Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây