Sáng nay (18/10), vụ án xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang bước sang ngày làm việc thứ 5. Luật sư Hoàng Văn Hướng (luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đưa ra những kiến nghị liên quan đến vụ việc.
Theo đó, luật sư Hướng kiến nghị khởi tố vụ án hình sự ngay tại phiên tòa này khi bà Triệu Thị Chính khai có báo cáo ông Vũ Văn Sử (nguyên GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) về việc có dấu hiệu gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 (trước khi xảy ra vụ án đang được xét xử 1 năm).
Tại phiên tòa, ông Sử cũng thừa nhận bà Chính có báo cáo về việc này. Do đó, luật sư kiến nghị "tức khắc yêu cầu giữ lại toàn bộ bài thi và điều tra vụ việc".
Đối với vụ án đang xét xử, luật sư yêu cầu mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về những dấu hiệu vật chất, đặc biệt về tiền.
"Không thể có chuyện nâng điểm cho hơn 100 thí sinh mà lại chỉ bằng tình cảm. Cần mở rộng điều tra xem xét toàn bộ những người thân thích của các bị cáo về các giao dịch tại ngân hàng, đặc biệt đối với Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Lương (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục)".
Phiên tòa xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang bước sang ngày làm việc thứ 5. Ảnh: Đức Minh
Ông Hướng cũng cho rằng để đảm bảo khách quan, công bằng, nếu coi bà Chính nhờ nâng điểm, trong vụ án này có rất nhiều người nhờ nâng điểm, vậy tại sao không khởi tố những người khác.
Vị luật sư này nhắc lại, theo nội dung được làm sáng tỏ tại phiên tòa, có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 41 thí sinh nhờ nâng điểm vào các trường công an và quân đội.
Cuối cùng, luật sư kiến nghị mở một cuộc điều tra toàn diện những người như ông Trần Đức Quý (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) trong việc trả lời tin nhắn bị cáo Hoài là có mục đích gì.
Tự bào chữa trước tòa sáng nay, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Triệu Thị Chính nghẹn ngào: "Hôm nay tôi đứng đây, dù toà tuyên tội tôi như thế nào, tôi cũng ngẩng cao đầu nói: Tôi không phạm tội. Những người muốn tôi vào tù tội, trong sâu thẳm thâm tâm họ chắc chắn sẽ có lúc họ ăn năn hối lỗi.
Tôi sai, tội chịu. Tôi tin tưởng vào sự phán quyết của toà, ở các cơ quan pháp luật của tỉnh. Tôi là người sống và làm việc thế nào? Chưa một lần nào cơ quan điều tra, lãnh đạo Sở GD&ĐT, từ khi tôi dính vào vụ việc này, nghe xem tôi làm làm như thế nào? Tôi đã làm gì? Hôm nay đồng nghiệp của tôi ở đây, có người không thân thiết, có người mong muốn tôi có thể bị nặng, tôi vẫn ngẩng cao đầu nói như vậy".
Nhắc việc VKS truy tố mình tội lợi dụng chức vụ gây quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để trục lợi, bị cáo Chính cho rằng phải làm rõ khái niệm này từ ban đầu mới kết tội được bà.
Bị cáo Triệu Thị Chính trước toà sáng 18/10.
"Đề nghị VKS chỉ rõ, tất cả những người nhắn tin cho tôi, tôi không liên hệ với bất kỳ người nào. Các tin nhắn tôi trả lời nếu có, chỗ nào thể hiện tôi nhận hoặc đòi lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Nếu không chứng minh được điều này thì làm sao lại buộc tội tôi".
Sau đó, VKS công bố một loạt tin nhắn quan trọng giữa bị cáo Chính và phụ huynh các thí sinh.
Cụ thể, ngày 29/6/2018, một người tên Nga làm ở Sở Tài chính Hà Giang nhắn cho bị cáo Chính nhờ giúp thí sinh Nguyễn Bằng Nguyên tại 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại Ngữ: "Bạn à mình là Nga Sở Tài chính, mình có đứa cháu thi lớp 12 vừa rồi, bạn giúp mình nhé".
Vẫn trong ngày 29/6, bà Nga gửi tin nhắn khác: "Bạn thông cảm nhé, đang thời gian chấm bài, mình chỉ nhắn tin, không gọi điện, cảm ơn bạn nhiều".
Ngày 1/7/2018, bị cáo Chính nhắn tin trả lời: "Hôm nay em mới đọc tin, em đang làm thi, tối ăn cùng đoàn thanh tra Bộ. Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Lại chấm bằng máy nữa nên không làm gì được, có gì chị thông cảm với em nhé".
Bà Nga sau đó gửi tin lại: "Chị cảm ơn nhé, em cứ xem xét giúp được đến đâu hay đến đó, chị cũng biết mà…". Bị cáo Chính trả lời: "Dạ em cảm ơn chị em sẽ cố gắng trong khả năng". Cũng trong thời điểm này, bà Chính còn nhắn tin qua lại với một loạt các phụ huynh khác, với nội dung nhờ vả bà Chính.
Bị cáo Triệu Thị Chính bị VKS đề nghị 2-2,5 năm tù. Ảnh: Việt Hùng
Đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo Chính tiết lộ, bà Nguyễn Thị Nga là vợ của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Căn cứ thứ hai, VKS căn cứ vào nội dung tin nhắn của ông Lương Tiến Dũng. Thời điểm 7h22 ngày 24/6/2018 số điện thoại của ông Lương Tiến Dũng gửi tin: "Chị ơi, con gái em thi Học viện Tư pháp, em nhờ chị giúp cháu nó với nhé. Cả năm lớp 12 cháu đều đạt học sinh giỏi, vừa rồi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh cháu đạt giả ba. Nhưng em vẫn chưa an tâm lắm nên em nhờ chị giúp được không chị?".
Tiếp đó 14h19 ngày 26/6/2018 ông Dũng nhắn thông tin về tên, số báo danh, phòng thi… cho bị cáo Chính. "Nếu có thể chị giúp em với nhé".
Đến hơn 15h ngày 26/6/2018 bị cáo Chính trả lời "chị nhận được thông tin rồi. Chị sẽ cố gắng trong khả năng". 15h59, ông Dũng nhắn tiếp: Vâng ạ. Đề thi năm nay oái oăm quá. Chị giúp con gái em với nhé.
Hai kiểm sát viên Trần Quốc Hùng và Vũ Thị Thanh Nga đồng giữ quyền công tố.
Với bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang vào lúc hơn 18h ngày 18/6/2018: "Chị có ở cơ quan không hay đi công tác?". Sau đó những ngày sau cũng gửi đầy đủ thông tin tin nhắn nhờ giúp đỡ.
"Những nội dung tin nhắn này đọc thế này tất cả các luật sư hiểu là chỉ nhờ xem điểm hay thế nào? Với chúng tôi khẳng định đây không phải nhờ xem điểm đâu mà là nhờ nâng điểm", đại diện VKS giữ quyền công tố nói.
|
Tác giả bài viết: Theo Nhóm PV (Gia đình & Xã hội)
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn