Chiều 30-11, Bộ Công Thương cho biết Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng giá điện bình quân ở mức 6,08% từ hôm nay, 1-12. Thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bộ đã giải trình chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện làm cơ sở cho quyết định tăng giá này.
Trả thêm gần 50.000 đồng/tháng
Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/KWh).
Bảng giá điện áp dụng trước ngày 1-12-2017 và sau khi điều chỉnh Đồ họa: FƯƠNG ANH
Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, ngày 7-4-2014, của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm 6 bậc thang. Bậc 1 từ 0-50 KWh, giá bán lẻ điện tương đương 1.582,99 đồng/KWh. Bậc 2 từ 51-100 KWh, giá bán lẻ điện 1.634,62 đồng/KWh. Bậc 3 từ 101-200 KWh, giá bán lẻ điện bình quân 1.892,72 đồng/KWh. Bậc 4 từ 201-300 KWh, giá bán lẻ tương ứng 2.374,5 đồng/KWh. Bậc 5 từ 301-400 KWh, tương ứng 2.649,8 đồng/KWh. Bậc 6 từ 401 KWh trở lên, tương ứng 2.735,83 đồng/KWh.
So với giá bán lẻ điện sinh hoạt áp dụng từ ngày 16-3-2015 đến trước ngày 1-12, các hộ tiêu thụ điện theo các bậc sẽ phải trả tăng thêm tương ứng tối đa 4.900 đồng/tháng (bậc 1), 9.950 đồng/tháng (bậc 2), 20.550 đồng/tháng (bậc 3), 33.750 đồng/tháng (bậc 4), 48.350 đồng/tháng (bậc 5). Hộ tiêu dùng bậc 6 phải tăng chi theo lũy tiến.
Nhóm sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng chịu mức tăng giá đáng kể. Chẳng hạn, giá điện sản xuất đối với cấp điện áp 110 KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ tăng từ 2.459 lên 2.580 đồng/KWh. Cấp điện áp 22 đến 110 KV trở lên giá tăng từ 2.556 lên 2.684 đồng/KWh và ở cấp điện áp từ 6 đến dưới 22 KV giá tăng từ 2.637 lên 2.770 đồng/KWh.
Với điện kinh doanh, mức giá thậm chí còn tăng mạnh hơn. Cụ thể, cấp điện áp 22 KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ phải trả giá điện 3.957 đồng/KWh; cấp điện áp từ 6 đến dưới 22 KV có giá 4.095 đồng/KWh và dưới 6 KV có giá 4.267 đồng/KWh.
Đã được kiểm toán độc lập
Đại diện Bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá bán điện lần này thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên bộ. Trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017.
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là hơn 266.104 tỉ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện). Với chi phí này, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/KWh.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 cho thấy EVN lãi 2.658,20 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập, một số khoản chi phí hiện vẫn chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016.
Ví dụ như khoản chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31-12-2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn. Trong đó, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỉ đồng; công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 1 là hơn 2.782 tỉ đồng; công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 3 là hơn 3.374 tỉ đồng. Ngoài ra, khoản chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31-12-2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN như sau: Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỉ đồng, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỉ đồng …
Như vậy, có thể hiểu là khoản chênh lệch tỉ giá lên đến gần 10.000 tỉ đồng hiện vẫn còn "treo" lại khi không tính vào giá thành điện và chưa rõ hướng xử lý.
Bỏ độc quyền để có giá tối ưu
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, ngành điện đã "kìm hãm" tăng giá trong vòng 2 năm qua và đây là áp lực rất lớn lên hoạt động đầu tư. Do đó, việc cân nhắc điều chỉnh giá điện là điều không thể tránh, nhất là trong bối cảnh cần cung cấp đủ điện phục vụ cho các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.
Cũng thừa nhận không thể "kìm" giá điện quá lâu nhưng một chuyên gia từng công tác tại Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) vẫn cho rằng cần phải loại bỏ độc quyền trong mọi khâu của hoạt động điện lực, chuyển dần sang xã hội hóa để bảo đảm có giá điện tối ưu. Đặc biệt là bỏ độc quyền ở khâu truyền tải điện. "Nhà nước chỉ nên giữ quyền truyền tải điện, tức là quyền đóng, ngắt điện; còn cơ sở hạ tầng phục vụ truyền tải điện, không lý do gì không đưa tư nhân vào làm để tối ưu hóa chi phí. Chỉ khi đó, giá điện mới hợp lý hơn" - ông phân tích.
Ở góc độ sản xuất, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty CP May Thúy Đạt (tỉnh Nam Định), bày tỏ việc tăng giá điện cùng với các diễn biến như tăng lương, tăng đóng bảo hiểm… sẽ được tính vào giá thành sản xuất. Tiền điện chiếm khoảng 13% tổng giá thành sản xuất của một doanh nghiệp sản xuất may mặc. Tức là nếu giá điện tăng 1% thì tương ứng với giá thành tăng 1,3%.
Trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của DN sẽ ngày càng sụt giảm. "Đương nhiên, giá thành tăng thì DN cũng có động thái thỏa thuận, đàm phán dần để tăng giá bán nhưng không "một mình một chợ" được mà phải phụ thuộc vào thị trường thế giới. Đàm phán mà khách hàng, thị trường thế giới chấp nhận thì mới tăng, nếu không chấp nhận thì phải chịu. Đợi được đối tác đồng ý tăng giá cũng rất lâu bởi họ còn thăm dò, xác minh…" - ông Châu chia sẻ.
Trong khi đó, giám đốc một DN sản xuất hàng tiêu dùng tại tỉnh Hưng Yên góp ý ngành điện cố gắng giảm tổn hao, giảm bù đắp vào giá điện để các DN trong lĩnh vực sản xuất bớt phải "gánh vác" hậu quả của việc tổn hao lớn hay quản trị chưa hợp lý. Đồng thời, do ngành điện độc quyền hoàn toàn nên cần có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước, tránh tăng giá quá mức.
Ông TRƯƠNG CHÍ THIỆN, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt:
Rất khó cho doanh nghiệp
Riêng với DN ngành trứng, tác động tăng giá điện sẽ nặng hơn bởi thời gian qua, giá nguyên liệu trứng tăng, các DN tham gia bình ổn mặt hàng trứng đã xin điều chỉnh tăng giá bán nhưng được TP HCM vận động điều chỉnh tăng ít để hạn chế tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.
Tôi chưa tính toán chi phí tăng này vào chi phí sản xuất nhưng ngoài điện và xăng, các chi phí đầu vào khác bao gồm cả chi phí nhân công đều đã tăng nên sẽ rất khó cho DN. Từ nay đến Tết, tinh thần là chúng tôi cố gắng giữ giá để bình ổn thị trường nhưng tùy theo diễn biến thị trường, nếu chi phí đầu vào tăng "rát" quá sẽ phải tính toán lại.
Chuyên gia kinh tế NGÔ TRÍ LONG:
Tác động toàn bộ ngành kinh tế
Giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh nên giá điện tăng chắc chắn tác động toàn bộ các ngành kinh tế, gây thêm trở ngại cho DN. Mức tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào từng ngành nghề cụ thể sử dụng nhiều hay ít điện. Trước mắt, sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2017 và sẽ kéo qua năm 2018. Người tiêu dùng sắp tới cũng sẽ chịu tăng thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện.
Bà LÊ THANH LÂM, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food:
Gồng mình giữ giá
Một DN chế biến thực phẩm đông lạnh phải sử dụng nhiều điện trong dây chuyền sản xuất và bảo quản thì sơ bộ mỗi tháng chi phí điện sẽ tăng 200 triệu đồng và giá thành sản phẩm tăng 0,3%. Saigon Food phải ráng gồng giữ giá vì cạnh tranh thị trường quá gay gắt, nếu đơn lẻ tăng giá sẽ mất thị phần và nhất là đang chuẩn bị vào mùa Tết, DN muốn tăng giá chưa chắc được nhà phân phối đồng ý.
THANH NHÂN ghi
Tác giả bài viết: Phương Nhung
Nguồn tin: nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn