Tính bài toán nợ công

Chủ nhật - 02/09/2018 23:34
(TBKTSG) - Báo cáo “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025” (sau đây gọi tắt là báo cáo) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng mới đây có nhiều thông tin về nợ công của Việt Nam.
Tính bài toán nợ công
 

 
Tự thân đồng tiền không có mắt, không có lý trí, mà vấn đề là ở người tiêu tiền. Ảnh: THÀNH HOA

Tính đúng thì nợ được bảo lãnh của Chính phủ sẽ lớn hơn

Báo cáo cho rằng nợ được Chính phủ bảo lãnh đã được siết lại, qua đó tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ đã giảm từ mức 27,5% năm 2011 xuống còn 1,4% năm 2016. Tuy nhiên, điều mâu thuẫn, không chính xác là, theo bảng 1 của báo cáo, dư nợ được bảo lãnh của Chính phủ ước thực hiện cả năm 2017 chỉ là 450.700 tỉ đồng, trong khi, theo hình 6 của báo cáo, mức bảo lãnh ước thực hiện chỉ riêng cho 10 tháng đầu của năm 2017 đã lên đến 456.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, nếu cộng mức dư nợ được bảo lãnh của Chính phủ trong nước và nước ngoài ước thực hiện cho năm 2017 trong bảng 1 thì được kết quả là 490.200 tỉ đồng, cũng lớn hơn số 450.700 tỉ đồng nêu trên (tăng 39.500 tỉ đồng). Với mức 490.200 tỉ đồng ước thực hiện cho năm 2017 thì dư nợ được bảo lãnh chính phủ trung bình cũng đã tăng tới 9,3%/năm trong giai đoạn 2011-2017. Như vậy, dư nợ được bảo lãnh của Chính phủ vẫn tăng mạnh trong những năm qua và đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm nợ công tăng rất nhanh.

Dư địa tăng nợ công đã trở nên hẹp hơn

Ước tính trong năm 2017, nợ nước ngoài chiếm 42,5% nợ công. Tỷ trọng này tuy đã giảm mạnh so với năm 2011 (56,4%) nhưng rõ ràng là vẫn còn lớn (thậm chí còn đảo chiều, tăng lên so với năm 2016).

Về tăng trưởng nợ công, theo số liệu cung cấp trong bảng 1 của báo cáo thì tính ra được tốc độ tăng trưởng nợ công trung bình là 14,1%/năm trong giai đoạn 2011-2017, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa trung bình trong cùng thời kỳ là 10,3%/năm. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh theo mức dư nợ được bảo lãnh Chính phủ năm 2017 tính lại (490.200 tỉ đồng thay vì 450.700 tỉ đồng, như nói ở đoạn trên) thì tốc độ tăng trưởng nợ công trung bình trong giai đoạn này còn cao hơn, đạt 14,4%/năm.

Tương tự như vậy, nếu điều chỉnh theo mức dư nợ được bảo lãnh Chính phủ cao hơn này thì tỷ lệ nợ công/GDP năm 2017 sẽ tăng lên thành 62,16% thay vì 61,37% như trong báo cáo (xem bảng). So với mức trần nợ công là 65% GDP, dư địa tăng nợ công đã chật hẹp lại càng trở nên chật hẹp hơn, đặc biệt khi xét đến rủi ro cao về tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ trong thời gian sắp tới và cơ cấu nợ công có tỷ trọng lớn là nợ nước ngoài.

Tỷ trọng nợ nước ngoài vẫn còn lớn

Theo báo cáo, với tổng dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.113.000 tỉ đồng (lưu ý là dư nợ trong nước bị đánh máy sai, lẽ ra phải là 1.547.300 tỉ đồng chứ không phải là 1.5472.300 tỉ đồng) thì nợ nước ngoài của Chính phủ kể cả nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh 275.800 tỉ đồng) đã chiếm đến 42,5% nợ công năm 2017. Tỷ trọng này tuy đã giảm mạnh so với năm 2011 (56,4%) nhưng rõ ràng là vẫn còn lớn (thậm chí còn đảo chiều, tăng lên so với năm 2016).

Sự phụ thuộc lớn vào vay nước ngoài còn được minh họa rõ qua tỷ trọng nợ nước ngoài/GDP trong năm 2017 là 26,4%, hầu như không thay đổi suốt từ năm 2013.

Nguyên tắc sử dụng theo nguồn vốn sẽ không có mấy ý nghĩa

Một điểm nổi bật trong báo cáo là nguyên tắc sử dụng theo nguồn vốn, như tập trung vốn vay cho các lĩnh vực chủ chốt, các công trình trọng điểm, quan trọng; vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì nên tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng; và vốn vay ưu đãi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên…

Nguyên tắc trên thoạt nghe thì tưởng là rất chặt chẽ, hợp lý, tránh được tình trạng vay và sử dụng vốn vay tràn lan, hạn chế được thất thoát, và hạn chế được cả việc “tích cực” vay nợ. Tuy nhiên, nguyên tắc này về bản chất cũng chẳng khác gì nguyên tắc “đồng mua mắm, đồng mua muối” của họ nhà gàn trong truyện dân gian. Tự thân đồng tiền không có mắt, không có lý trí, mà vấn đề là ở người tiêu tiền.

Nếu muốn kiềm chế nợ công, cải thiện chất lượng sử dụng nợ công cho đầu tư công thì cần hạn chế, loại bỏ các dự án/lĩnh vực không thực sự cần thiết.

Nói cách khác, gốc rễ của vấn đề vẫn là chuyện phải cắt giảm đầu tư công (do đó cắt giảm phụ thuộc vào vay nước ngoài), cắt giảm và loại bỏ các dự án đầu tư công không thuộc loại “không có không được” và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công chứ không phải là chuyện “khớp” loại dự án/lĩnh vực nào với nguồn vốn nào. Khi đã làm tốt được những nhiệm vụ này thì không nên, không cần phân biệt nguồn vốn huy động, miễn sao về tổng thể, phí tổn trung bình cho tổng vốn huy động từ các nguồn trong và ngoài nước là nhỏ nhất và ít rủi ro nhất.

Cũng nhân đây xin được đặt ra trách nhiệm và năng lực tham mưu và quản lý nợ công của các bộ liên đới. Ngoài chuyện tính toán, thống kê không chính xác như nêu trên, việc không nắm bắt, cập nhật kịp thời, luôn phải đi sau thực tế một thời gian khá dài như được thể hiện trong việc không có được số liệu nợ công đầy đủ và chính xác cho năm 2017 tại thời điểm hoàn thành báo cáo là tháng 8-2018 (và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đưa ra những con số ước tính) còn làm cho Chính phủ không có những giải pháp xử lý kịp thời kiềm chế nợ công tăng nhanh. 

Nguồn tin: thoibaokinhtesaigon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây