Chiều 22-11, với 431/448 đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành (chiếm 89,23%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020.
Thêm quyền cho Thủ tướng, bộ trưởng
Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (luật mới) bổ sung một số thẩm quyền mới cho Chính phủ, Thủ tướng và các bộ trưởng.
Về thẩm quyền của Thủ tướng (Điều 28), Quốc hội bổ sung thêm một số quyền hạn như Thủ tướng chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thay cho quy định Thủ tướng “chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương”.
Luật mới cũng quy định Thủ tướng có quyền quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.
Về thẩm quyền của bộ trưởng, luật mới quy định bộ trưởng thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc.
Bộ trưởng quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đình chỉ công tác, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.
Chiều 22-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: TP
Phân cấp, phân quyền phải kèm nguồn lực
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (mới) gồm 28 điểm. Trong đó có ba nhóm nội dung đáng lưu ý là phân quyền, phân cấp, ủy quyền; số lượng cấp phó của HĐND, UBND; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.
Về phân cấp phân quyền (Điều 11), luật mới quy định việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác gắn với cơ chế kiểm tra, thanh tra. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.
Đặc biệt, luật mới cũng chỉ rõ khi cấp trên phân cấp, phân quyền cho cấp dưới phải hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.
Về số lượng phó chủ tịch HĐND và phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, luật mới quy định: Nếu chủ tịch HĐND/trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí một phó chủ tịch HĐND/phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Trường hợp chủ tịch HĐND/trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí hai phó chủ tịch HĐND/hai phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách.
Hai luật trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Đồng thời, hai luật còn có điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.
|
Tác giả bài viết: TRỌNG PHÚ - CHÂN LUẬN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn