Vụ
39 người Việt tử vong tại Anh, thời điểm này các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đang lấy ý kiến các gia đình nạn nhân về phương án đưa thi thể các nạn nhân về nước. Trong đó có hai phương án được đưa ra để các gia đình lựa chọn là đưa thi hài hay tro cốt về nước.
Trao đổi với
PV Kiến Thức, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, trong hai phương án trên, các gia đình nạn nhân đều mong muốn đưa thi hài về. Bởi theo tâm lý người Việt Nam nói chung, ai cũng muốn được nhìn mặt người thân lần cuối, khi mang thi hài về thì gia đình họ cũng yên tâm hơn.
Mặc dù vậy, theo ông Bùi Huy Cường, thực ra trong hai phương án trên, phương án đem tro cốt về có nhiều tiện lợi hơn. Thứ nhất, mức chi phí mà các gia đình bỏ ra sẽ ít hơn.
Thứ 2, nếu mang thi hài về còn liên quan công tác vệ sinh môi trường, bảo quản thi hài. Bởi từ nước Anh về Việt Nam theo đường hàng không mất khoảng 15 đến 16 tiếng đồng hồ. Rồi từ sân bay Nội Bài về đến Hà Tĩnh hay các địa phương khác đều mất từ 6 đến 7 tiếng. Sau đó, thi hài lại phải để 1 ngày để gia đình tổ chức tang lễ. Đó là cả một vấn đề rất phức tạp. Trong khi đó, mang tro cốt về sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
|
Chiếc xe nơi xảy ra sự việc đau lòng trên. |
Ý kiến trên của Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường là hoàn toàn chính xác và được nhiều ý kiến đồng tình.
Phân tích từ thực tế cho thấy, về mức chi phí, việc mang tro cốt về, các gia đình có người thân bị thiệt mạng tại Anh sẽ phải bỏ ra mức chi phí thấp hơn rất nhiều lần so với việc đưa thi hài các nạn nhân về nước.
Cụ thể, theo văn bản thông báo của Bộ Ngoại giao, chi phí để mang lọ tro từ Anh về đến sân bay Nội Bài (không bao gồm chi phí đưa về quê) tại Anh là 1.170 bảng/trường hợp (tiếp nhận thi thể mang đi hỏa táng, vận chuyển ra sân bay Heathrow, hoàn thiện các giấy tờ liên quan); phí vận chuyển hàng không là 200 bảng/lọ tro (50% so với giá thị trường). Tổng chi phí để đưa từ Anh về Việt Nam là khoảng 1.370 bảng Anh/lọ tro (tương đương 41,1 triệu đồng).
Trong khi đó, với chi phí để mang quan tài kẽm từ Anh về Việt Nam tại Anh gồm 990 bảng (nhận thi hài mang đi đóng quan tài kẽm, vận chuyển đến sân bay Heathrow, hoàn thiện các giấy tờ liên quan); phí vận chuyển hàng không là 1.218 bảng (50% so với giá thị trường). Tổng chi phí đưa từ Anh về Việt Nam là khoảng 2.208 bảng/quan tài (tương đương hơn 66,2 triệu đồng).
Dù biết, đối với các gia đình nạn nhân, dù mức chi phí cao đến đâu thì nguyện vọng của họ vẫn mong muốn đưa thi hài về để người thân được nhìn mặt lần cuối. Tuy nhiên, dù mức chi phí có thể không phải là vấn đề lớn nhưng công tác bảo quản thi hài trong quá trình vận chuyển từ Anh về Việt Nam cũng là một vấn đề mà các gia đình cần cân nhắc, xem xét lại.
Bởi thực tế việc đưa thi hài từ Anh về Việt Nam là cả một quá trình vô cùng phức tạp. Bởi trong hành trình nhiều chục tiếng đồng hồ di chuyển, vấn đề bảo quản thi hài trong quan tài kẽm để không bị hư hỏng, thối rữa là vấn đề không hề đơn giản.
Nếu trong quá trình di chuyển, bảo quản không được tốt nhất là quá trình từ sân bay Nội Bài về quê nhà các nạn nhân, thi hài có thể phân hủy, thối rữa nặng và biến dạng nên gia đình nếu muốn nhìn mặt con lần cuối, có khi sẽ ám ảnh cả đời.
Để bảo quản tốt cho thi hài trong quá trình di chuyển từ sân bay Nội Bài về quê nhà, gia đình các nạn nhân tiếp tục phải bỏ ra một mức phí không nhỏ, có thể lên đến vài trăm triệu đồng bởi phải thuê một xe thùng lạnh để chuyên chở.
Chưa kể đến nếu vận chuyển bằng máy bay thương mại, các thi thể được xem như “hàng hóa” đặc biệt. Tuy nhiên khi quá cảng, nối chuyến bay, thi thể ký gửi sẽ được chuyển từ máy bay này sang máy bay khác.
Trong khi đó, mỗi chuyến bay thương mại sẽ chỉ vận chuyển được từ 2 đến 4 thi hài. Do vậy, nếu mang các thi thể về thì phải chia làm nhiều chuyến, đi nhiều hãng. Nếu thuê một chuyến bay riêng thì chi phí sẽ rất lớn.
Trong khi đó, nếu vận chuyển bằng tro cốt thì sẽ nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều bởi tất cả 39 tro cốt sẽ được đóng chung vào một kiện hàng và trên cùng một chuyến bay để di chuyển về Việt Nam.
Dù biết rằng, việc mang tro cốt hay mang thi hài các 39 người Việt tử vong trong container nạn nhân là quyền lựa chọn của gia đình các nạn nhân nên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đều trân trọng ghi nhận và đáp ứng nguyện vọng các gia đình.
Tuy nhiên, các gia đình nên lựa chọn phương án đưa thi thể các nạn nhân về an nghỉ tại quê hương theo phương án nào thuận lợi nhất để thi thể các nạn nhân sớm hồi hương, an nghỉ tại quê nhà.
Trước đó, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc ( tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Ngoại giao, huyện đã mời các gia đình nạn nhân để trao đổi về phương án đưa thi thể các nạn nhân về và các khoản chi phí.
“Đa số các gia đình nạn nhân trên địa bàn huyện Can Lộc đều mong muốn đưa thi hài các nạn nhân về quê nhà. Gia đình các nạn nhân cũng đồng ý với phương án và các khoản chi phí”, ông Bùi Huy Cường cho biết.
Ông Bùi Huy Cường nói thêm, trước mắt, huyện lên phương án bố trí phương tiện đưa gia đình trong quá trình đưa đón ra sân bay Nội Bài. Đồng thời, huyện cũng sẽ phối hợp cùng gia đình đưa thi thể các nạn nhân từ sân bay về quê nhà.
Nói về thời gian dự kiến để đưa thi thể các nạn nhân trên địa bàn huyện về nước, ông Bùi Huy Cường cho biết, hiện chưa có thời gian cụ thể.
“Hiện vẫn còn phải đợi các thủ tục từ phía Anh thì mới có thời gian cụ thể. Khi họ đồng ý chuyển về, huyện sẽ thông báo và hỗ trợ các gia đình đưa đón”, ông Cường cho hay.
Tại tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã nhận được công văn của Bộ Ngoại giao về việc phối hợp lấy ý kiến về phương án đưa các thi thể trên địa bàn tỉnh về nước. Hiện UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản giao trách nhiệm cho huyện, thành phố trực tiếp làm việc với gia đình các nạn nhân để tổng hợp các ý kiến, nguyện vọng và phương án đưa thi thể về nước để mai táng.