Nhận diện các sai phạm về đất đai và kiến nghị giải pháp kiểm soát quyền lực kinh tế

Thứ ba - 24/03/2020 23:01
(TVLMP) - Định giá thấp, giao đất không qua đấu giá, quan chức tiếp tay “tư nhân hóa ngầm” đất công, … là những sai phạm “điển hình” trong lĩnh vực đất đai, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên hiếm thấy quan chức nào bị khởi tố tội nhận hối lộ. Thực tế này cho thấy các giải pháp pháp luật để kiểm soát quyền lực kinh tế còn hạn chế, lỏng lẻo. Đây là vấn đề đặt ra cấp thiết, cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận diện các sai phạm về đất đai và kiến nghị giải pháp kiểm soát quyền lực kinh tế

 

Nhận diện các sai phạm điển hình

Cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo về “Kiểm toán việc quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra”. Hội thảo đã nhắc tới nhiều sai phạm trong quản lý đất công. Ðáng chú ý là sự thất thoát không chỉ do định giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, “tư nhân hóa ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá…

Khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn, Q.1 (TP.HCM) từng bị thâu tóm
Khu “đất vàng” số 8 – 12 Lê Duẩn, Q.1 (TP.HCM) từng bị thâu tóm

Đơn cử như việc có tỉnh “cho mượn” trái quy định hơn 17.000 m2 đất công thuộc công viên làm sân tập golf trong suốt 48 năm. Rồi hiện tượng lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành, thay vì đấu thầu theo quy định, làm giảm nguồn thu NSNN. Hay vụ 30 ha đất công ở TP.Hồ Chí Minh suýt bị chuyển nhượng với giá chỉ 419 tỷ đồng (1,29 triệu đồng/m2) trong khi giá thị trường không dưới 2.000 tỷ đồng…

TS. Vũ Đình Ánh thẳng thắn chỉ ra 3 nhóm sai phạm nghiêm trọng nhất. Trong đó, tình trạng nghiêm trọng nhất là biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh trái pháp luật.

Nhóm vi phạm thứ hai là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Có những dự án đổi đất lấy hạ tầng gây thất thoát là “khủng khiếp” khi dự án được xây dựng khống lên, giá trị đất khu vực đổi thì bị “dìm xuống”, gây thiệt hại kép cho Nhà nước.

Nhóm vi phạm thứ ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền. Điều này khiến sai phạm nối tiếp sai phạm, gây thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng như một số vụ án đang xét xử.

“Một phi vụ sai phạm liên quan đến đất đai không dưới vài ngàn tỷ đồng. Nếu xét trên phạm vi cả nước, sai phạm về đất đai cũng phải lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng”, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá.

Song hành, “tiếp tay” cho các sai phạm trên là một lỗ hổng lớn trong phương pháp định giá đất. Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất, song kết quả xác định giá giữa các phương pháp chênh lệch với nhau khá lớn, trong khi luật pháp cũng không bắt buộc áp dụng phương pháp nào. Quy định về phương pháp định giá đất là kẽ hở lớn, dễ bị lợi dụng để trục lợi. Giá đất được xác định quá rẻ so với giá trị thị trường chẳng những sẽ khiến ngân sách bị thất thu, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất.

“ Công thức vàng” biến đất công thành tư: Quan chức tiếp tay…

Liên tục những vụ thâu tóm đất công bị phanh phui thời gian gần đây đều cho thấy điểm chung như một “công thức vàng”: có quan chức tiếp tay…

Điển hình cho chiêu thức biến “công” thành “tư” là các sai phạm tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), TP.HCM. Là doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước với khoảng 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ, được giao nhiều dự án đầu tư với quỹ đất lớn, nhưng lãnh đạo IPC tìm nhiều cách “đẩy” tài sản vào tay tư nhân với “giá bèo”.

Nghiêm trọng nhất là tại dự án khu định cư An Phú Tây (H.Bình Chánh) được triển khai trên quỹ đất rộng gần 47 ha. Năm 2001, dự án được UBND TP.HCM giao cho Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO, Công ty liên kết IPC và IPC có quyền chi phối) làm chủ đầu tư. Từ 2005 – 2008, IPC ký hợp đồng góp hơn 492 tỉ đồng vào dự án với SADECO; đã thanh toán hơn 473 tỉ đồng. Từ năm 2016, sau khi đầu tư hạ tầng, IPC tùy tiện ký 6 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho tư nhân, đơn giá chỉ 7 – 8,8 triệu/m2, tổng diện tích chuyển nhượng hơn 24.000 m2, tiền thu được hơn 186 tỉ đồng.

 Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng) và Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM) là những quan chức lãnh đạo 2 thành phố lớn đã bị khởi tố hình sự về những sai phạm liên quan đến đất đai

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng) và Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM) là những quan chức lãnh đạo 2 thành phố lớn đã bị khởi tố hình sự về những sai phạm liên quan đến đất đai

Phi vụ này bị cơ quan thanh tra xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước; bởi cũng thời điểm 2016, giá thị trường chuyển nhượng ghi trên hợp đồng từ khoảng hơn 15 đến hơn 16 triệu đồng/m2.

Giữa tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc IPC và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc SADECO, để điều tra về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Việc doanh nghiệp biến “công” thành “tư” sẽ không thể thực hiện, nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ, lãnh đạo, thông qua những “bút phê” chủ trương, quyết định phê duyệt… Trong phi vụ gần 5.000 m2 “đất vàng” ở số 8 – 12 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) từ tài sản nhà nước “rơi” vào tay tư nhân thể hiện rất rõ nhóm lợi ích với sự “tiếp tay” của cá nhân quan chức.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm đăng ký thành lập vào ngày 6/4/2010 do bà Lê Thị Thanh Thúy đứng tên chủ sở hữu và làm Giám đốc. Đến ngày 6/8/2010 (4 tháng sau thành lập), Công ty này đề nghị hợp tác đầu tư thực hiện dự án tại số 8 – 12 Lê Duẩn. 5 ngày sau đó, Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM có văn bản đề nghị UBND TP.HCM và “nhanh không tưởng”, đến ngày 17/8/2010, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ký chấp thuận hợp tác đầu tư với tỷ lệ 30% vốn góp trong tổng 50% vốn góp mà Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu “đất vàng” số 8 – 12 Lê Duẩn nếu thực hiện việc đấu giá QSDĐ theo quy định ước sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỉ đồng (tạm tính giá trên 400 triệu đồng/m2). Trong khi đó, 4 đơn vị được thuê “đất vàng” trước đó là Công ty CP hóa chất vật liệu điện TP, Công ty CP kim khí TP, Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco (đều thuộc Bộ Công thương), với chiêu bài “góp vốn bằng đất” và sau đó “đi đêm” với đối tác tư nhân, thì giá trị cả khu đất được định đoạt chỉ 200 tỉ đồng!

Liên quan khu đất này, tháng 12/2018, ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (Bí thư Quận ủy Q.2, nguyên Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở TN-MT TP.HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) và Trương Văn Út (Phó Trưởng phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP.HCM) bị Bộ Công an khởi tố cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Và một số bị can là chủ các DN…

Không chỉ ở TP. HCM, ở nhiều tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa…. những vụ thâu tóm đất công bị phanh phui thời gian gần đây cũng cho thấy điểm chung như một “công thức vàng” : có quan chức tiếp tay…

Kiến nghị nghiên cứu thiết chế kiểm soát quyền lực kinh tế

Trước thực tế ngày càng phát lộ nhiều vụ sai phạm đất đai khủng có sự tiếp tay từ quan chức Nhà nước, đã có nhiều kiến nghị nêu ra, trong đó một kiến nghị đặc biệt quan trọng là phải cấp thiết bịt các lỗ hổng của pháp luật đất đai và các quy định pháp luật về kinh tế có liên quan.

Đồng thời phải sửa Luật Hình sự để trừng trị một cách thích đáng đối với các quan chức sai phạm để nêu gương và thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị thiệt hại. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể chấm dứt được tình trạng quan chức và DN cấu kết với nhau để làm giàu trên tài sản của nhà nước, nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) (nguồn ảnh: Ngọc Thắng – thanhnien.vn)
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) (nguồn ảnh: Ngọc Thắng – thanhnien.vn)

Song song với đó thì một giải pháp cũng vô cùng quan trọng được ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu ra khi trả lời Báo Thanh niên, đó là vấn đề kiểm soát quyền lực kinh tế.

Theo ĐB Sinh, trong vấn đề kiểm soát quyền lực, chúng ta hay nói nhiều về quyền lực chính trị nhưng còn quyền lực về kinh tế thì chưa thấy ai đặt ra vấn đề kiểm soát, dù đôi khi quyền lực về kinh tế đang chi phối nhiều đến việc thực thi các quyền lực chính trị. Bên cạnh đó, thể chế chính trị của chúng ta đang sinh ra loại DN mà nhiều người đã định danh là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và việc kiểm soát loại DN này cực kỳ khó khăn. Câu hỏi không chỉ nhiều người Việt Nam mà cả thế giới cũng đặt ra là vì sao hầu hết DN của Việt Nam mạnh nhất hiện nay đều có xuất phát từ đất đai. Đó là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều thêm nữa thì mới có thể có câu trả lời.

Trong các quy định của pháp luật, ĐB Sinh cho rằng, vẫn còn một lỗ hổng lớn đó chính là câu chuyện Nhà nước đứng ra thu hồi đất sau đó giao cho DN làm dự án rồi bán với giá rất đắt. Chính báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội gửi tới Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã khẳng định là ở đâu Nhà nước mua rẻ, bán đắt thì ở đó tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ khi địa phương đứng ra thu hồi đất giao cho DN nói là dự án phát triển kinh tế xã hội, chỉnh trang đô thị…, nhưng bản chất của nó là dự án kinh doanh bất động sản. Chính chỗ này mới sinh ra tình trạng DN giàu, quan chức mạnh còn địa phương thì ngày càng nghèo đi. Vì vậy, ĐB Sinh kiến nghị, trong dự án Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần phải bịt được “lỗ hổng” này, xác định cho đất thế nào là thu hồi, thế nào là đất mà DN phải thỏa thuận với người dân theo giá thị trường.

Trong vấn đề kiểm soát quyền lực, chúng ta hay nói nhiều về quyền lực chính trị nhưng còn quyền lực về kinh tế thì chưa thấy ai đặt ra vấn đề kiểm soát, dù đôi khi quyền lực về kinh tế đang chi phối nhiều đến việc thực thi các quyền lực chính trị. Bên cạnh đó, thể chế chính trị của chúng ta đang sinh ra loại DN mà nhiều người đã định danh là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và việc kiểm soát loại DN này cực kỳ khó khăn. Câu hỏi không chỉ nhiều người Việt Nam mà cả thế giới cũng đặt ra là vì sao hầu hết DN của Việt Nam mạnh nhất hiện nay đều có xuất phát từ đất đai. Đó là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều thêm nữa thì mới có thể có câu trả lời.
(ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh – Hòa Bình)

                                

Tác giả bài viết: Luật gia Lê Phúc - Pháp lý Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây