Cần xóa bỏ vai trò "độc diễn" của Bộ chủ quản (?!)

Thứ năm - 05/03/2020 02:02
Trong nhiều nội dung trọng tâm của Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019” do VCCI công bố hồi cuối năm 2019, trong đó có nội dung về thực trạng cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bị chùng xuống, không còn những “đợt sóng lớn” so với năm 2018. Điều đó đồng nghĩa quyền tự do kinh doanh của DN vẫn còn rào cản, bỡi mục tiêu cắt giảm ĐKKD mà Chính phủ đặt ra chỉ mới đi được hơn nửa chặng đường. Bài viết sẽ góp phần lý giải một phần nguyên nhân đó và đề xuất giải pháp tháo gỡ ?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tháo gỡ rào cản cho DN nhìn từ cắt giảm điều kiện kinh doanh:
                        CẦN XÓA BỎ VAI TRÒ “ĐỘC DIỄN” CỦA BỘ CHỦ QUẢN
       
 Cuộc chiến còn gian nan…
     
Nhìn lại năm 2018, ngay từ đầu năm, các bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, với tỷ lệ đề xuất hầu hết đều trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để hiện thực hóa chỉ tiêu và tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó tính đến hết tháng 11/2018, đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.

     
Trong khi đó năm 2019, tính đến
giữa tháng 11, VCCI cho biết chỉ nhận được hai đề nghị góp ý của hai Bộ đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghi định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, đó là Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Tương tự, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/6/2019 về đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về ĐKKD và tác động thực chất đối với doanh nghiệp thì Bộ này cũng chỉ biết chỉ có hai Bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02 trong năm 2019.

     
Trước thực trạng trên, VCCI hoài nghi “sự nhiệt tình của một số Bộ đã giảm đi đáng kể so với năm 2018, hoặc có thể các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD do Bộ mình quản lý hơn nữa” (?). Thế nhưng, theo quan sát của các chuyên gia pháp lý, đến thời điểm này quyền tự do kinh doanh của người dân và DN chỉ mới dừng lại chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu… vẫn còn bị xem xét bỡi một số quy hoạch bất hợp lý, không phù hợp. Một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác.

      
Xem xét các phương án cắt giảm ĐKKD của các Bộ, có thể thấy phần lớn đều đưa ra tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD là trên 50%. Tuy nhiên khi phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại nghị định, có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế. Chẳng hạn trong lĩnh vực dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, liên quan điều kiện “phải có phương án kinh doanh”, Nghị định 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính đã bỏ 2 nội dung trong phương án kinh doanh thay vì 4 nội dung. Như vậy, trên thực tế, về cơ bản thì các doanh nghiệp vẫn phải cung cấp phương án kinh doanh, chỉ có điều là với nội dung ít hơn. Trong khi đó, theo các chuyên gia luật, bản thân điều kiện về phương án kinh doanh là không cần thiết.

      
Tình trạng còn tồi tệ hơn khi hiện vẫn còn không ít các ĐKKD bất hợp lí vẫn đang tồn tại, thậm chí diễn ra tình trạng “bỏ cũ thêm mới”, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn với chính các điều kiện kinh doanh được sửa đổi. Chẳng hạn như điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng quy định còn “khó” hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015 khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

     
So với Nghị định 44/2014 và Nghị định 01/2017, Nghị định 136/2018 sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường đã bổ sung điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là phải có thêm “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”. Theo Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định), đây được xem là giấy phép mới so với trước đây và có thể gây tốn kém về chi phí và khó khăn cho đối tượng phải xin phép…

     
Tại buổi làm việc với 14 bộ, cơ quan mới đây về tình hình cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - cho biết: Nhìn về con số, đã có trên 50% ĐKKD, thủ tục hành chính được cắt giảm. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng “dồn nhiều văn bản vào một”, nhưng thủ tục thì không thay đổi.
 Vì vậy theo Bộ trưởng cần xem xét hết sức thực chất về hiệu quả cắt giảm.

     
Hệ quả của việc tồn tại các ĐKKD bất hợp lý là các DN phải mất nhiều chi phí không chính thức. Theo khảo sát của VCCI đến 12/2019, có đến 55% số DN phải chi các khoản phí không chính thức cho bộ máy công quyền. Trong đó, có tới 30,8% DN cho biết, phải “bôi trơn lớn” (các khoản chi từ 10% doanh thu trở lên), chủ yếu liên quan tới tiếp cận đất đai. Còn theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), dù môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 1 bậc (lên thứ 69) nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu xếp ở thứ bậc trên 100. Đó là điểm yếu kém, cụ thể như khởi sự kinh doanh (xếp thứ 104), nộp thuế (109), phá sản (122)…
 Tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đánh giá thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về ĐKKD và tác động thực chất đối với DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nêu thực trạng: Có những bộ chỉ đạt 10 - 20%, thậm chí có 2 bộ kết quả dưới 10% gồm Bộ Tư pháp (6%), Bộ Quốc phòng (4%). Về “ma trận” văn bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho DN thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ...(Theo Lao động Online 9/2019)

 Giải pháp nào để khai thông quyền tự do kinh doanh ?
     
Như vậy, đến thời điểm này có thể nói chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh đến đâu vẫn là vấn đề chưa được làm sáng rõ. Ngoài vấn đề về số lượng, một khía cạnh chưa được như kì vọng khác là hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ được tiến hành ở các văn bản cấp nghị định. Trong khi đó, rất nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp khác đang nằm tại Luật vẫn chưa được “đụng tới”.

     
Chính vì giới hạn này mà theo các chuyên gia pháp lý, việc rà soát, cắt bỏ điều kiện kinh doanh chưa được triệt để. Những ngành nghề như: “kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển”, “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan”, “kinh doanh dịch vụ kế toán”; “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế”; “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”… đã được các Bộ có chức năng cắt giảm, không cần “áp” điều kiện kinh doanh. Thế nhưng, các văn bản cấp luật (Luật Đầu tư, Luật Kế toán, Luật Hàng hải Việt Nam) vẫn còn xác định đây là các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, dù đã chỉ ra những điểm vướng, bất cập trong việc kiểm soát các ngành nghề này bằng điều kiện kinh doanh nhưng các nghị định cũng không thể giải quyết được vấn đề.

     
Từ sự phân tích trên, theo Luật gia Phạm Quang Quý (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai), Chính phủ cần mở rộng phạm vi rà soát, không chỉ giới hạn ở cấp độ nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp độ luật. Theo đó, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt. Cũng theo Luật gia Quý, để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất và đúng trọng tâm, Chính phủ cần coi nội dung quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014 như một tiêu chí để sàn lọc: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

      
Có nghĩa là trừ
các ngành nghề đầu tư kinh doanh có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; các ngành nghề còn lại không được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hay nói cách khác không bị rào cản bất cứ “giấy phép con” nào khác. “Thậm chí ngay cả các cụm từ: “trật tự”, “an toàn xã hội”, “đạo đức xã hội”, “sức khỏe cộng đồng” cũng phải được làm rõ thật chi tiết trong các văn bản luật để không bị vận dụng theo hướng bất lợi cho DN…” – ông Quý nói.

     
Từ một góc tiếp cận khác, Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép con do các bộ chủ quản đảm nhiệm thấy không hợp lý thì bỏ, như thời gian qua đã làm là chưa phù hợp. Sức ì trong lộ trình khai thông quyền tự do kinh doanh, cắt giảm ĐKKD còn hình thức, chạy theo con số, tình trạng “bỏ cũ thêm mới”, “tháo” ra rồi lại tiếp tục “buộc” chặt khiến DN “cõng” gánh nặng chi phí… đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ vai trò “độc diễn” của bộ chủ quản, khi mà lợi ích cục bộ chi phối, không thể vừa đá bóng rồi lại cắt còi...

     
Chính vì có sự điều chỉnh bỡi quy định trên mà ngay cả khi có Tổ công tác của Thủ tướng rà soát các điều kiện thì cũng phải thông qua bộ xem có hợp lý không thì mới bỏ. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ một số quỹ tồn tại gây khó cho DN, không cần thiết nhưng đâu lại vào đấy. Giải thích lý do chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng xác nhận: “Bộ Tài chính đã hai lần báo cáo Thủ tướng về việc cắt bỏ Quỹ bảo trì đường bộ. Thủ tướng đã đồng ý và giao Bộ GTVT sửa Nghị định và Quyết định của Thủ tướng về thành lập quỹ”…

     
Rõ ràng, cắt giảm ĐKKD vẫn luôn là mong muốn “tha thiết” của cộng đồng DN. Bởi điều này sẽ giúp DN thuận lợi, dễ dàng hơn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, do những lợi ích còn tiềm ẩn… nên việc cắt giảm ĐKKD cho các DN vẫn chưa được thực chất. Luật sư Tuyên đề xuất, nên chăng giao công việc này cho Tổ công tác của Thủ tướng đảm nhiệm còn các bộ chủ quản là đơn vị phối hợp; hoặc đặt hàng cho các tổ chức độc lập bên ngoài thực hiện. Có như vậy cuộc chiến về cắt giảm ĐKKD sẽ đảm bảo lộ trình, đồng nghĩa với quyền tự do kinh doanh của DN thực sự đúng nghĩa.

     
Nếu đề xuất trên không khả thi, theo Luật sư Tuyên, các bộ chủ quản không giao việc rà soát cho mỗi bộ phận chuyên ngành độc diễn (vừa cấp giấy phép vừa đưa phương án cắt giảm giấy phép con) mà phải thành lập bộ phận chuyên trách về rà soát ĐKKD độc lập, trên cơ sở lắng nghe các ý kiến đề xuất của DN, hiệp hội DN…

     
Trong khi đó, theo Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), từ thực tế cắt giảm ĐKKD thời gian quan, rất cần có giải pháp mạnh mẽ, triệt để để ngăn chặn từ gốc. Luật sư Sơn đặt vấn đề tại sao không tạo ra môi trường phản biện thực chất, để người dân và DN bảo vệ được quyền tự do kinh doanh bằng giải pháp được quyền khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền hủy bỏ các quy định trái luật ?

     
Cộng đồng DN vẫn luôn đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực của cơ quan quản lý để hướng tới thị trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó các chuyên gia cho rằng, DN và người dân cũng phải nêu lên tiếng nói của mình, bởi sự tham gia của DN vào quá trình này sẽ đảm bảo tính khả thi và sự đồng thuận của chính sách khi được ban hành./.

                                                                                                   VŨ LÊ MINH
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn. Vì theo báo cáo, đã cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh, nhưng số điều kiện thực chất được cắt giảm chỉ khoảng 30%. Điển hình như còn tới 19% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; năm 2019 còn tới 19% số DN bị kiểm tra thanh tra 2 lần trở lên

 Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch VCCI góp ý, muốn cải cách, chúng ta cần có bàn tày “sắt, sạch” của Nhà nước để phá bỏ nhóm lợi ích đối với thi hành các luật. Đồng thời cần sức mạnh của xã hội và cộng đồng DN để phá bỏ các chính sách lạc hậu, cũ kỹ.

 Trong một diễn đàn bàn giải pháp phát triển “bứt phá” cho khu vực kinh tế tư nhân diễn ra mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trăn trở: “Bao nhiêu năm nay chúng ta loay hoay gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp (DN) do ĐKKD, TTKTCN gây ra. Dường như chúng ta đang thiếu một giải pháp đột phá cho vấn đề này!”. 

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI:Chúng tôi đề nghị thời gian tới cần có chương trình tổng rà soát các quy định pháp luật đặc biệt là đạo luật, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… Chính phủ cần đặt hàng cho các tổ chức độc lập bên ngoài, các hiệp hội, các chuyên gia chủ trì quá trình rà soát chứ không phải là chính bản thân các cơ quan nhà nước như thời gian vừa qua”.

Nhiêu lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu bị ách tắc vì Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh minh họa


 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây