Giàu, nghèo đều “ngậm ngùi”…
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị H (SN 1973, ngụ tỉnh Bình Dương) đang chăm sóc chồng điều trị tại khoa Khúc xạ của BV Mắt TP Hồ Chí Minh than thở: “Làm công ăn lương như vợ chồng tôi thì giường bệnh mà đến 4 triệu đồng/ngày thì ngang bằng đi ở khách sạn 5 sao, công nhân như tôi nghe mà choáng váng! Bây giờ đi bệnh viện mà lo nơm nớp, vì bệnh nặng có khi phải bán nhà mới có đủ tiền chữa bệnh. Khi ấy không chừng lại mắc thêm “tâm bệnh” vì chữa bệnh xong không còn nơi mà trú ngụ”.
Có mặt tại khu vực tầng trệt của BV này, chúng tôi thấy rất đông người đang ngồi chờ khám bệnh và mua thuốc. Khi lên tầng 3, vừa ra khỏi thang máy, chúng tôi thấy trước Khoa kỹ thuật cao có nhiều người ngồi kín cả hành lang.
Đến khu khám bệnh, hai bên phía trước các phòng khám cũng có nhiều người đang ngồi chờ đến lượt. Giá niêm yết khám chữa bệnh có BHYT ở đây như sau: giường bệnh nội khoa loại 2 có giá 178.000 đồng, giường bệnh ngoại khoa/bỏng loại 1 là 286.400 đồng, giường bệnh ngoại khoa/bỏng loại 2 là 250.200 đồng, giường bệnh ngoại khoa/bỏng loại 3 là 214.100 đồng, giường bệnh ngoại khoa/bỏng loại 4 là 183.000 đồng… Phí “Cắt mống mắt chu biên” bằng Laser 300.000 đồng, Chụp CT từ 536.000 – 1.431.000 đồng, cắt dịch kính đơn thuần/lấy dị vật nội nhãn 1.200.000 đồng, ghép giác mạc (1 mắt) 3.223.000 đồng, Phẫu thuật bong võng mạc kinh điển 2.173.000 đồng…
Anh Trần Duy Th (Sn 1968, ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đang điều trị mắt tại đây phân tích: “Theo tôi thì giá giường dịch vụ khoảng từ 500 ngàn đồng trở lại là chấp nhận được, chứ mà tới 4 triệu đồng/ngày thì chỉ có đại gia, nhà giàu nằm chứ như chúng tôi khi ấy đành chịu mang bệnh trong người mà ở nhà cho xong”.
Bệnh nhân than phiền giá nhiều dịch vụ y tế tăng nhưng nhiều người vẫn phải nằm ghép, nằm hành lang vì BV quá tải ( Ghi nhận tại BV Bình Dân và BV Nhân dân 115). |
Phòng khám VIP -Doanh nhân tại một Bệnh viện thuộc khu vực quận 3 TP HCM. |
Có mặt tại BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh vào chiều 21-8, ghi nhận đông nghẹt người đến khám ngay từ cổng vào trong bệnh viện. Nhiều người ở các tỉnh xa đến từ mờ sáng, có người xuất phát từ nhà ngay từ đêm để đến đây lúc sáng sớm kịp lấy số khám bệnh.
Ông Hồ Thanh L (SN 1953, ở tỉnh Vĩnh Long) đang điều trị tại BV ung bướu bức xúc nói: “Khi vào BV thì giá nào người bệnh cũng phải ráng chịu, chứ không chữa trị để chờ chết à! Mà sao tăng cao dữ vậy? Xăng, dầu, điện, nước tăng giá, rồi đến giá cả các mặt hàng cũng tăng, giờ đến tăng viện phí thì người dân nghèo khổ như chúng tôi chỉ có chết chứ sống sao nổi!”.
10h sáng 22-8, tại BV Bình Dân 115 (quận 10), hầu như các phòng bệnh đều kín giường, bệnh viện phải để thêm giường ở hành lang cho bệnh nhân nằm. Bà Nguyễn Thị Hiền (nhà ở Long An) vừa trả tiền viện phí chữa trị cho chồng bị viêm tuyến tụy vừa cho biết: “Tôi đi đúng tuyến, ở đây 6 ngày mà viện phí hơn 6 triệu, được bảo hiểm trả hơn 5 triệu nên phải thanh toán gần 1 triệu, không có bảo hiểm thì có khi bỏ cuộc rồi”.
Người đàn ông tên Thanh Hùng đứng gần đó cũng than thở: “Bà nhà tôi bệnh tùm lum hết, cứ ra lại vô bệnh viện hoài!. Đã có bảo hiểm rồi nhưng mỗi ngày phải trả hơn 200 ngàn, dân nghèo như tụi tôi vậy là cao, chứ 4 triệu/ngày thì không trả nổi.”.
Chúng tôi cũng đến khu khám bệnh VIP-Doanh nhân của một BV tại khu vực quận 3. Nơi này khá sạch sẽ, tĩnh lặng. Người đến khám không phải chờ đợi lâu, nơi chờ có ghế nệm trong phòng máy lạnh. Danh sách bác sĩ khám bệnh niêm yết cho thấy đều là Trưởng các khoa của BV.
Chị Nguyễn Thị Mai Thuý ở phường 2, quận Tân Bình nói trong ngậm ngùi: “Đây là khu dịch vụ nên giá cao hơn hẳn. Tiền mỗi lần khám là 500 ngàn, siêu âm có mức tới 3,8 triệu, chưa tính tiền thuốc… Sắp tới sẽ tăng giá nhưng không biết cơ sở và chất lượng khám chữa bệnh có tăng lên hay vẫn vậy!. Tôi có điều kiện nên vào đây cho đỡ phải chờ đợi lâu. Nhưng đã mang bệnh tật thì giàu hay nghèo mà chi phí cao đều khổ như nhau cả mà thôi!”.
Tránh bất công, cần một cuộc điều tra xã hội học qui mô
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Trần Đông A, nguyên Phó GĐ BV Nhi Đồng 2 -TP HCM. Ông nói: “Tôi đã góp ý với UBND thành phố là không nên nâng giá khám chữa bệnh (KCB) cho đại trà người dân khi mà mặt bằng về chất lượng KCB giữa các cơ sở chưa đồng đều. Cái đáng quan tâm nhất hiện nay là hãy nâng cao đời sống, lương bổng cho chính những y bác sĩ và lực lượng làm công tác phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Vì khi con người ta phải làm việc quá vất vả căng thẳng, nhiều rủi ro, như ngành này mà phải chấp nhận đồng lương thấp, trách nhiệm cao, thì ai mà “vác tù và hàng Tổng” mãi được!. Điều này thì Bộ trưởng Bộ Y tế cần nghiên cứu, xem xét và sớm cải thiện”.
GS Đông A cho rằng, tăng giá dịch vụ nhưng phải hợp lý. Cũng như không nên tăng luôn cùng một lúc với giá tiền điện thì không người dân nào dù là nhà giàu mà kham nổi. Người bệnh nghèo lại là số nhiều. Vấn đề tăng là các bộ, ngành phải phối hợp với nhau để đừng có cùng lúc tăng nhiều thứ. Vì khi ấy giá tiêu dùng có chỉ số sẽ tăng vọt, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và lại là số nhiều vì sức khoẻ là cái mà phải chăm lo hàng ngày, đầu tiên. Chúng ta rất cần một cuộc điều tra xã hội học để làm rõ được là Bệnh viện nào cần tăng, tăng giá dịch vụ gì cho hợp lý.
Tại BV Bình Dân giá thu là 100 triệu/ca mổ Robot thì việc thu giá này có người dân sẽ không thể chịu nổi. Nên có chính sách hỗ trợ một phần cho bệnh nhân, để bệnh nhân chịu hết thì không thấu. Mổ bằng Robot có hỗ trợ BHYT phải trả bao nhiêu thì nên ấn định. “Ngay từ kỳ họp Quốc hội khóa 12 tôi đã có phát biểu là nên có 2 cái bảo hiểm: Một cái BHYT thường qui và cái BHYT đặc biệt thì để những người có khả năng đóng nhiều, đóng được thì để họ được hưởng những dịch vụ y tế đặc biệt, hiện đại, công nghệ cao. Họ đóng BHYT theo chế độ đặc biệt.”.
Về vấn đề giá giường có thể lên 4 triệu/ngày đêm, GS Đông A khẳng định, tại nước ngoài có những nước có loại hình dịch vụ với giá phí nằm ngày giường bệnh có khi lên hàng trăm triệu/ngày. Nhưng bệnh nhân không nằm quá lâu mà chừng 3 ngày là ra khu vực ít tiền hơn. Nhưng đã ở phòng bệnh vào hạng “BV khách sạn” với thiết bị và đội ngũ điều trị đâu ra đó, vô cùng tiện lợi và có giá trị. Trong số người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh không phải tất cả đều vì chuyên môn mà nhiều người đi nước ngoài chữa bệnh là vì muốn hưởng các tiện nghi, sự thoải mái. “Giá phải đi kèm với giá trị, kèm nhu cầu và phải đáp ứng nhu cầu, giá trị theo thời điểm, thời giá đưa ra”. Ông nhấn mạnh.
Một cán bộ của Sở Y tế TP HCM cũng góp ý: Bộ Y tế đưa ra mức giá thì căn cứ vào điều kiện nào? Các chỉ số ở đâu để thoả mãn? có chuyên môn, có trang thiết bị chuyên ngành và còn cần phải khoa học một chút, có chuẩn nào đó đưa ra… Chứ chỉ đưa ra áp dụng tăng giá hàng loạt dịch vụ y tế thì dễ gây phản ứng từ người dân. Làm không khéo thì giống “thầy bói xem voi” và mang tính áp đặt. Không thuyết phục được người dân.
Nếu BV công nâng giá dịch vụ như BV tư thì thì phải kèm theo dịch vụ tương ứng, thậm chí tốt hơn BV tư. Còn chỉ nói tăng giá mà không đáp ứng đủ các điều kiện nêu ra thì người dân sẽ phản ứng. Ở các nước phát triển họ có Viện chuyên nghiên cứu xã hội học, khi cần là có số liệu ngay. Thông tư tăng giá các dịch vụ này của ngành y tế không biết căn cứ vào đâu để làm và làm có đúng hay không. Không nên như nhiều thông tư ngay khi vừa đưa ra áp dụng đã phải dừng vì không được nghiên cứu xã hội học, hay nghiên cứu mang tính hình thức. Cũng không nên thực hiện theo ý chí của một cá nhân nào đó! Khi đưa ra mức phí mới, giá mới phải nói cho người dân biết, giá như vậy thì bệnh viện phải đạt được những gì? Phải có kế hoạch chính xác, cụ thể.
Tác giả bài viết: Huyền Nga-Nhân Sơn
Nguồn tin: cand.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn