Tại Nhà 67, nơi Bác Hồ làm việc trong những ngày tháng cuối cùng trước khi về cõi vĩnh hằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng ta, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu Di tích, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Đảng, Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2-9-1969 - 2-9-2019); khắp mọi miền của đất nước có nhiều hoạt động phong phú, sinh động, thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với Người và kết quả những việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được dư luận quần chúng nhân dân đánh giá cao và bạn bè quốc tế hoan nghênh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động khi được chứng kiến, được hòa trong dòng người là du khách quốc tế, đồng bào ta ở mọi miền Tổ quốc đến tham quan Khu Di tích, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Người. Đồng chí nêu rõ, Bác Hồ rất đỗi thiêng liêng trong mỗi người dân và chúng ta luôn xúc động khi nhắc đến Người. Nói về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, chúng ta nói bao nhiêu cũng không đủ, bởi Bác là con người vĩ đại, nhưng rất gần gũi, bình dị, muôn vàn tình thương yêu. Vì vậy, chúng ta học Bác không phải học thuộc lòng, không phải nói trôi chảy cho hay, mà phải ngấm vào trong tim, trong óc, trong máu của mình để làm theo; đồng thời truyền cho được tình cảm đó đến với nhân dân, biến tình cảm ấy thành những việc làm cụ thể, sinh động, có lợi cho nước, cho dân, theo đúng như lời dạy của Người, để thỏa lòng mong muốn của Người. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, nửa thế kỷ đã qua, nhiều người trẻ có thể chưa hiểu hết về Bác, vì vậy cán bộ, nhân viên Khu Di tích cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, nhất là đối với khách quốc tế.
Biểu dương cán bộ, nhân viên Khu Di tích đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn cán bộ, nhân viên ở đây hơn ai hết được gần gũi nhất với Bác hằng ngày, phải sống cho thật xứng đáng với Bác, truyền cho được tư tưởng, trí tuệ, tình cảm, tâm hồn, phong cách của Bác vào hàng triệu triệu khách tham quan với tình cảm chân thành, đồng thời huy động được đội ngũ các cộng tác viên, để lan tỏa nhiều hơn giá trị của Bác. Mỗi cán bộ, nhân viên Khu Di tích cần thấy rõ niềm vinh dự được làm việc tại đây, nhưng trách nhiệm cũng rất lớn, bởi vậy phải thường xuyên gương mẫu, sống, làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tiếp thu những lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; báo cáo những công việc cán bộ, nhân viên cơ quan đã làm, kế hoạch thời gian tới, nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị di sản mà Bác Hồ kính yêu để lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết sổ lưu niệm tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: TƯỜNG VI (TTXVN)
* Chiều 1-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm 50 năm Ngày mất của Người. Cùng đi có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí trong đoàn đã kính cẩn dâng hoa, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng các vị thân sinh; thành kính tưởng niệm và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Ghi vào sổ lưu niệm tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Đoàn của Trung ương và Chính phủ vô cùng cảm động được nghe lại cuộc sống của gia đình Bác Hồ và bản thân Bác tại ngôi nhà nhỏ bé và vĩ đại này - Nơi chắc chắn rằng sẽ góp phần hình thành nhân cách của Bác về cuộc sống lầm than của dân tộc ta và ý chí của một gia đình trong sạch, một lòng vì giải phóng ách đô hộ của thực dân phong kiến”. Thủ tướng khẳng định: “Tất cả chúng ta nguyện đi theo con đường của Đảng và của Bác Hồ đã vạch ra, ra sức học tập rèn luyện để thực hiện thật tốt Di chúc vĩ đại của Bác. Mong Bảo tàng Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên - Huế giữ gìn di sản quý báu này để cho thế hệ trẻ và mọi người tham quan ngôi nhà có ý nghĩa này”.
* Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, mô hình vừa được Ban tổ chức Giải thưởng Viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019 trao giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”.
* Tối 1-9, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp “Bài ca kết đoàn” tại bốn điểm cầu: Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh.
Đến dự ở đầu cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Ở đầu cầu Huế, đến dự và dâng hoa lên Tượng đài Nguyễn Tất Thành tại Trường Quốc học Huế có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; cùng các đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đến dự ở đầu cầu TP Hồ Chí Minh có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Ở đầu cầu Nghệ An, đến dự và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Bài ca kết đoàn” với kết cấu gồm bốn chương: Đoàn kết để thống nhất đất nước, Đoàn kết để phát triển đất nước, Trong sạch để giữ khối đại đoàn kết, Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đã đưa người xem đến với nhiều cung bậc cảm xúc để thấm thía hơn những lời dặn dò của Bác trước lúc đi xa; cùng nhìn lại chặng đường gian truân nhưng rất đỗi tự hào suốt 50 năm qua để thực hiện năm di nguyện lớn của Người. Đó là: Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; Xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng; Củng cố khối đại đoàn kết quốc tế.
Điểm nhấn trong chương trình là những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu với các ca khúc bất hủ ca ngợi Bác, ca ngợi Đảng, thể hiện tấm lòng biết ơn, niềm kính yêu của cả dân tộc với Người, như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Từ Làng Sen, Người là niềm tin tất thắng, Một đời người một rừng cây, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng... Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: NSND Quang Thọ, NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Phạm Phương Thảo, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Đức Tuấn, Tùng Dương, Phương Thanh, Thùy Dương... Chương trình mang đến hơn mười phóng sự ngắn và những thước phim tư liệu sinh động tái hiện quá trình Bác viết Di chúc, nhấn mạnh những giá trị to lớn của bản Di chúc Người để lại, khẳng định đoàn kết chính là vũ khí để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng, quyết tâm chiến thắng quân xâm lược và những thế lực thù địch để bảo vệ, xây dựng đất nước. Đan cài trong chương trình là nội dung phỏng vấn, giao lưu ý nghĩa với những nhân vật đặc biệt như: TS Trần Viết Hoàn - người đã tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời của Người; nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến, tác giả của hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo viết về Bác; hay TS Lê Văn Tri, một học sinh được cử sang Liên Xô (cũ) học năm 1969 - đúng thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, sau này trở về trở thành nhà khoa học với hàng chục công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học và nông nghiệp đóng góp cho sự phát triển đất nước... Qua đó, góp phần làm sáng tỏ chân dung bình dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ luôn kiên định thực hiện theo những lời căn dặn của Bác để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
* Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chiều 1-9, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu, đã đến thăm, tặng quà các gia đình thương binh, bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại TP Vinh (Nghệ An).
Phát biểu ý kiến tại buổi đến thăm các gia đình thương binh, bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ân cần thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các gia đình; đồng thời bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự hy sinh, đóng góp to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn và mong muốn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, dạy dỗ con cháu noi gương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
* Tại thủ đô Bu-đa-pét, Đại sứ quán Việt Nam tại Hung-ga-ri tổ chức chiêu đãi kỷ niệm lần thứ 74 Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2019). Tham dự, có Phó Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri I.Gia-cáp, cùng hơn 200 khách mời là các nghị sĩ quốc hội, đại diện Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan chính phủ Hung-ga-ri, Đoàn Ngoại giao và cộng đồng người Việt Nam tại Hung-ga-ri. Tại buổi lễ, các đại biểu nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Hung-ga-ri được nâng lên đối tác toàn diện đã tạo động lực cho hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
* Trong không khí trang trọng và hữu nghị, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức chiêu đãi kỷ niệm lần thứ 74 Quốc khánh 2-9. Tại buổi lễ, các đại biểu nhấn mạnh tin tưởng, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức tiếp tục phát triển sâu rộng, thực chất , nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề…
* Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hau-xtơn (Mỹ) long trọng tổ chức kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9, với sự tham dự của đông đảo đại diện Đoàn Ngoại giao, các nghị sĩ bang Tếch-dát, lãnh đạo thành phố, các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ, cùng cộng đồng người Việt Nam tại Hau-xtơn. Các đại biểu mong muốn, Việt Nam và Mỹ tiếp tục làm sâu sắc quan hệ và cụ thể hóa các mối quan tâm về hợp tác.
* Nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga và Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mát-xcơ-va (Incentra) phối hợp tổ chức Giải bóng bàn “Incentra Open 2019”. Đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam tới cổ vũ cho các tay vợt.
* Tại thủ đô Ma-pu-tô, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp cộng đồng người Việt Nam tại Mô-dăm-bích tổ chức lễ kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Các đại biểu điểm lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật trong quá trình đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng; cùng nhau thưởng thức ẩm thực Việt Nam, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa, danh lam thắng cảnh Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn