Đầu năm 2016, khi dư luận xôn xao về chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ lên đến 350 tiến sĩ/năm, GS Võ Khánh Vinh, khi đó là giám đốc Học viện Khoa học xã hội, khẳng định Học viện dư năng lực đào tạo 350 tiến sĩ/năm. Ông Vinh cũng là người hướng dẫn tới 44 học viên/năm - ẢNnh: VIỆT DŨNG |
Kết luận này vừa được Thanh tra Bộ Giáo dục - đào tạo phát hiện khi tiến hành thanh tra về hoạt động tuyển sinh, đào tạo của Học viện Khoa học xã hội.
Trước đó, đầu năm 2016, Học viện Khoa học xã hội từng gây ồn ào với chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ “khủng” cùng nhiều đề tài luận án “lạ” như “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã”…
Chỉ tiêu vượt quá so năng lực đào tạo
Theo Thanh tra Bộ Giáo dục - đào tạo, quy mô đào tạo của học viện đã vượt xa năng lực thực tế về đội ngũ giảng viên hiện có.
Trong báo cáo đăng ký chỉ tiêu với Bộ Giáo dục - đào tạo, Học viện thống kê đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 21 giáo sư, 184 phó giáo sư, 249 tiến sĩ.
Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy nếu tính giảng viên gồm các cán bộ nghiên cứu của toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thì số lượng thực tế có chênh lệch giảm 10 phó giáo sư so với số lượng học viện đã báo cáo.
Còn nếu tính riêng đội ngũ giảng viên của Học viện, số lượng còn hạn chế hơn rất nhiều với 7 phó giáo sư và 17 tiến sĩ.
Như vậy, trong khi Học viện đăng ký 435 chỉ tiêu tiến sĩ và 1.600 thạc sĩ, nhưng khi căn cứ vào quy định về xác định chỉ tiêu, Thanh tra Bộ Giáo dục - đào tạo kết luận: toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2017 của Học viện chỉ còn còn 86 chỉ tiêu và trình độ tiến sĩ của tất cả các khối ngành không còn chỉ tiêu nào.
Ngoài ra, Học viện còn tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính, vi phạm Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.
Phân công hướng dẫn: "râu ông nọ cắm cằm bà kia"
Thanh tra Bộ Giáo dục - đào tạo phát hiện một loạt bất thường trong phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học tại học viện.
Điển hình, phó giáo sư, tiến sĩ ngành kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh chuyên ngành quản lý giáo dục. Tiến sĩ ngành nhân học được phân công hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh ngành… dân tộc học.
Ngoài ra, một số biên bản chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở, cấp học viện không ghi đầy đủ thông tin của buổi bảo vệ theo quy định, nhất là phần nghiên cứu sinh trả lời các câu hỏi của hội đồng. Thậm chí, có biên bản chấm luận án cấp Học viện chỉ ghi “nghiên cứu sinh đã trả lời các câu hỏi của hội đồng”.
Đặc biệt, chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu.
Theo đúng quy định, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ tiến sĩ là 90 tín chỉ đối với người tốt nghiệp thạc sĩ, 120 tín chỉ đối với người tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, thực tế, tại học viện, tất cả các chương trình đào tạo tiến sĩ đều có cấu trúc chương trình gồm… 16 tín chỉ.
Chưa kể, một số chương trình đào tạo được thiết kế chung cho cả 4 - 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung hoàn toàn giống nhau, hoặc thiết kế chung cho tất cả các ngành đào tạo thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau.
|
|
Tác giả bài viết: NGỌC HÀ
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn