Chung quanh việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Thứ tư - 06/11/2019 20:01
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được các cơ quan chức năng triển khai lấy ý kiến rộng rãi ở các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội… Khi được Quốc hội thông qua, sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần đưa Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới vào cuộc sống.
Chung quanh việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Chung quanh việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 29-11-2009, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Qua gần 10 năm thực hiện, Quốc hội đã đưa Luật này vào chương trình “sửa đổi” trong năm 2020. Ðến thời điểm hiện tại, Ban soạn thảo đã có dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần thứ hai (giữ nguyên số chương và tăng thêm 23 điều). Như vậy, so với Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (được thông qua tháng 6-1989, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa VIII), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (hiện hành) đã có khoảng cách 20 năm và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có khoảng cách là 30 năm. Những yếu tố khách quan và chủ quan (tiến bộ khoa học - công nghệ, thực tiễn cuộc sống, tư duy và ngôn ngữ pháp luật…) đã tác động không nhỏ. Vì vậy, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn về vấn đề này. Thêm nữa, đặt trong bối cảnh Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã ban hành hai nghị quyết quan trọng (Nghị quyết số 20/NQ-TW và 21/NQ-TW), trong đó, Nghị quyết số 20/NQ-TW Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập toàn diện các lĩnh vực hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, từ đánh giá tình hình và nguyên nhân, xác định rõ quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam là một tổ chức xã hội, ra đời và hoạt động theo tinh thần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện các Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII... Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có chức năng phản biện xã hội, cùng với việc tập trung nghiên cứu các luật nêu trên, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nhận thấy: Ðể đưa Nghị quyết số 20/NQ-TW vào cuộc sống, phải thể chế hóa Nghị quyết thành Luật. Ðây là vấn đề lớn, cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành có liên quan và cần có thời gian chuẩn bị chu đáo. Có thể sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, hoặc dự thảo luật mới.

Các Luật Dược số 34/2005/QH11 và Luật Dược số 105/2016/QH13, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xác định là những luật có nội hàm và phạm vi điều chỉnh về chuyên môn sâu đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều khái niệm chưa được luật pháp làm rõ: Như thế nào để có thể thực hiện “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”; rồi: “y tế cộng đồng” là gì, “y tế chuyên sâu” là gì, “kết hợp” như thế nào; làm sao để “mỗi người dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành” có thể thực hiện “nghĩa vụ, trách nhiệm” bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Minh định “ngành y tế là nòng cốt”, có nội hàm thế nào? Làm sao để ngành y tế phát huy vai trò “nòng cốt” thu hút tất cả các chủ thể nêu trên cùng đồng hành sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong khi, nhiều văn bản quy định hiện hành hầu quy hết các hoạt động chăm sóc sức khỏe đồng nghĩa với khám bệnh, chữa bệnh, theo đó bắt buộc phải có “Chứng chỉ hành nghề”, “Giấy phép hoạt động”. Nghị định 109/2016/NÐ-CP, ngày 1-7-2016: Quy định cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ðặc biệt Ðiều 22 (hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) và thủ tục xét cấp “Chứng chỉ hành nghề”, “Giấy phép hoạt động” đã phần nào tạo ra rào cản cho việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe. Không quy chụp tất cả, song thực tế nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, cơ chế “xin - cho” là khó tránh khỏi. Nhiều tổ chức, cá nhân đủ năng lực, thiện tâm với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã có lúc bị gây trở ngại, ngăn cản. Hoạt động này là hoạt động tiền kiểm chặt chẽ quá, trong khi đó, ở nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, việc tiền kiểm đang được hạn chế và đi vào tăng cường hoạt động hậu kiểm, và việc cấp chứng chỉ hành nghề còn được giao cho các hội nghề nghiệp trực tiếp quản lý.

Theo Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, thì Nghị quyết cần phải được cụ thể hóa thành luật, nhằm xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; sự tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt, cũng như thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

NGUYỄN HỒNG QUÂN

Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây