Từ thành phố Cao Bằng, vượt hơn 40km, men theo chân núi trên con đường gập gềnh gấp khúc, đến điểm Nặm Cáp, trường Mầm non Minh Khai (xã Minh Khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), câu chuyện, mảnh đời và tình người nặng hơn núi rừng của cô giáo mầm non Nông Thị Hảo (36 tuổi) khiến nhiều người rớt nước mắt.
Càng khó khăn càng yêu nghề
Năm nay là mùa xuân thứ 14 cô giáo Nông Thị Hảo bám bản. Cô xung phong vượt khó lên vùng cao dạy học khi vừa ra trường. Các em học sinh ở đây 100% là dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng. Trẻ không được giao tiếp với xã hội, nên vốn kiến thức về tiếng Kinh còn hạn chế. Vì vậy cô Hảo và các giáo viên khác phải học thêm cả tiếng của các dân tộc để có thể dạy học.
Trong những ngày gian khó gieo chữ, đồng hành cùng học sinh, cô Hảo chứng kiến không ít câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo kiên trì tới lớp. Để tới trường nhiều em phải đi bộ 6 km rất khó khăn. Mùa đông giá rét, có em chỉ có 2 cái áo sơ mi để mặc, vừa ngồi trong lớp vừa run. Có học sinh tới lớp bằng đi bộ đường rùng, đường suối rất xa, có em nhà cách trường 8km. Học cả ngày nên trẻ mang cơm tới để ăn trưa. Cơm chỉ có muối vừa, rau đắng, cá mắm hay ít thịt, có những em ăn mì tôm sống. Mỗi lần nhìn học trò như vậy cô Hảo không cầm nổi nước mắt.
Tưởng những khó khăn sẽ khiến cô chùn bước. Nhưng ngược lại, càng thấu hiểu những khắc nghiệt của vùng cao, cô giáo càng yêu nghề, yêu trẻ hơn. Với cô Hảo được nhìn thấy học sinh đến trường mỗi ngày là món quà lớn nhất với cô. “Chọn nghề giáo viên do yêu nghề. Nếu ai cũng chọn nơi đô thị thì nơi khó khăn hẻo lánh này ai sẽ tới để mang chữ cho các em”.
Có lẽ vì suy nghĩ như vậy nên cô Hảo hay các thầy cô ở vùng cao này lúc nào cũng hiện diện với sự tươi vui và lạc quan. Họ không cho phép mình khổ hay khó khăn áp lực. Ngày họ dạy học, tối về soạn giáo án, hoặc tới nhà thăm gia đình học sinh.
Cô Hảo chia sẻ, tới trường được trò chuyện và ngắm nhìn học sinh khiến cô phần nào vơi đi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con của cô.
"Nhớ con, nhớ chồng lắm. Đi dạy xa chỉ tranh thủ cuối tuần 1, 2 ngày bên gia đình. Cũng may mọi người trong gia đình hiểu và thông cảm cho tôi. Nhiều lúc nhớ con thì cũng chỉ biết mang ảnh ra ngắm”, cô Hảo rơm rớm nước mắt.
Những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo trẻ Nông Thị Hảo, vượt qua khó khăn mà hoàn thành việc gieo con chữ cho học sinh mầm non.
Sự hy sinh thầm lặng của cô, chồng và con cô bao năm qua không gì diễn tả được hết. Bởi cô đã hy sinh cả thanh xuân vì lửa nghề và nhiệt huyết cõng con chữ lên đồi cho các cháu dân tộc vùng cao. Cuộc sống của giáo viên bản tuy đơn giản nhưng không hề tầm thường.
Điện, nước, sóng điện thoại là thứ xa xỉ
Nếu phong anh hùng hay chiến sĩ thi đua thì có lẽ cô giáo mầm non nơi đây là những người đầu tiên trong danh sách. Giữa bốn bề chỉ cây và núi, cuộc sống người giáo viên thiếu thốn trăm bề.
Ngay cả những thứ tưởng đơn giản nhất cũng không có, là: sóng điện thoại, sóng truyền hình, nước sinh hoạt, điện, cơ sở vật chất. Nước sinh hoạt được coi là thứ rất xa xỉ, các cô chỉ còn cách tận dụng mọi nguồi nước, nước khe, nước mưa, nước xin nhà dân cách xa vài km về dùng.
Làm việc xa nhà, sống giữa bản nghèo, mà còn không có sóng điện thoại, nên khi nhớ con, muốn nghe giọng nói của con, cô Hảo phải chạy lên đồi, hay chạy ra chỗ có sóng dò trước đó mới liên lạc được.
Con chữ có nặng không mà hành trình mang con chữ tới bản lại gian nan tới thế. Hành trình ấy không chỉ được đo đếm chiều dài những quãng đường, mà hơn hết là tâm huyết, lòng yêu nghề với các em học sinh vùng cao.
Sự cô lập giữa núi rừng hoang vu, trăm bề khổ nhưng không làm nhụt chí người giáo viên mầm non ấy. Cô cứ túc tắc sống. Cô dạy trẻ với sự nhẫn nại và tình thương mà không ai có thể hình dung nổi.
Những đồ dùng phục vụ học tập được cô tự tay làm, từ con thỏ, con cá đến những đồ chơi ngoài chơi, ném ống, tung cầu đều rất tỉ mỉ và khéo léo. Cô truyền hồn và cảm hứng tới vào đồ chơi để các cháu thích thú và chăm chỉ tới trường mỗi ngày hơn.
Phương pháp dạy học mới cũng được cô tiếp thu trau dồi qua việc trao đổi kinh nghiệm giữa đồng nghiệp, sáng tạo các trò chơi, bài hát gần gũi với dân tộc vùng cao tạo điều mới mẻ, thu hút cho trẻ khi học. Có lẽ như vậy mà sĩ số các lớp luôn đầy đủ.
Không ngại khó, ngại khổ, cô Hảo vẫn miệt mài ngày ngày quan tâm, dạy bảo, ân cần bên học sinh thân yêu của mình mà quen với khó nhọc núi rừng trên mảnh đất Cao Bằng.
"Con đường nào để các em thu nạp kiến thức làm chủ cuộc đời, con đường nào để đem đến một tương lai tươi đẹp hơn cho vùng đất này", câu hỏi ấy cũng là trăn trở của cô Hảo, mà đúng hơn là của xã hội.
Đem được “con chữ” đến cho học sinh vùng cao, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, các cô phải hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn