Từ 01/7/2020, lương giáo viên sẽ thay đổi thế nào?

Thứ tư - 10/06/2020 00:36
(TVLMP) - Ngày 01/7/2020, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực. Lương của giáo viên theo Luật này sẽ thay đổi ra sao?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phụ cấp thâm niên của giáo viên “sẽ bị cắt” từ 01/7/2020?

 

Hiện nay, theo Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đang có hiệu lực, nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, tại Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục từ đủ 05 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1% nữa.

Như vậy, hiện nay, trong cơ cấu tiền lương của giáo viên vẫn bao  gồm phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020, thì: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Có thể thấy, theo Luật Giáo dục năm 2019, sắp tới giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nữa mà sẽ được ưu tiên hưởng “phụ cấp đặc thù nghề”.

Phụ cấp đặc thù nghề hiên nay đang áp dụng Nghị định 113/2015/NĐ-CP (ngày 09/11/2015) đối với đối tượng điều chỉnh: “…Chế độ phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành trực tiếp giảng dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập), có hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn”.

Đây cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018. Cụ thể, việc cải cách tiền lương sẽ: Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề; Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; Có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước dành cho ngành giáo dục và đào tạo, y tế, Tòa án, kiểm sát…

Như vậy, từ ngày 01/7/2020, khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực thì phụ cấp thâm niên của giáo viên cũng sẽ bị bãi bỏ trong tiền lương.
 

Từ 01/7/2020, lương giáo viên sẽ thay đổi thế nào?

Như đã nêu trên, từ 01/7/2020, phụ cấp thâm niên sẽ bị “cắt” ra khỏi cơ cấu tiền lương của giáo viên. Theo Nghị quyết 86 năm 2019 của Quốc hội, cũng từ 01/7/2020, lương cơ sở sẽ được tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Việc tính lương của giáo viên vẫn dựa vào công thức: Lương = Hệ số x mức lương cơ sở nên từ 01/7/2020 lương cơ sở tăng kéo theo đó lương của giáo viên cũng sẽ tăng theo.

Đồng thời, mặc dù phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ nhưng giáo viên vẫn được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Do vậy, lương giáo viên sẽ không có nhiều thay đổi dù không còn phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của cuộc sống, để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách hơn, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, trước mắt chưa tăng lương cơ sở với viên chức (theo Báo cáo số 237/BC-CP).

Theo đó, nếu đề xuất này được chấp nhận thì lương cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương giáo viên nó riêng sẽ có một số điều chỉnh như sau:

– Không tăng lương cơ sở đồng nghĩa với việc mức lương của giáo viên vẫn được tính với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng như hiện nay;

– Có thể hoãn thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết 27. Khi đó, lương giáo viên có thể chưa được áp dụng theo chức vụ, vị trí việc làm; chưa bổ sung tiền thưởng vào cơ cấu tiền lương…

Như vậy, có thể thấy, sắp tới đây, nếu không có gì điều chỉnh, khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020, tiền lương của giáo viên sẽ bị cắt phụ cấp thâm niên.

PHỤ CẤP NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO DẠY THỰC HÀNH
Điều 10. Điều kiện hưởng
1. Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (sau đây gọi chung là nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:
a) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;
b) Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép;
c) Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;
d) Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
2. Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Điều 11. Mức phụ cấp
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo mức Iương cơ sở, gồm các mức sau đây:
1. Mức 0,1 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
2. Mức 0,2 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có hai trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
3. Mức 0,3 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có ba trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
4. Mức 0,4 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có bốn yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
Điều 12. Cách tính, hưởng
1. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo số giờ dạy thực hành thực tế của ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
(Trích Nghị định 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ)

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây