Những điểm mới của Luật Tố cáo 2018 có hiệu lực từ 1-1- 2019

Thứ tư - 06/05/2020 04:05
(TVLMP) - Luật Tố cáo 2018 có hiệu lực từ ngày 01-01-2019 (thay thế cho Luật Tố cáo 2012). Luật Tố cáo mới có 9 chương và 67 điều và có một số điểm mới đáng chú ý. Luật sư Tư vấn luật miễn phí sẽ giới thiệu cùng cộng đồng
Luật Tố cáo 2018
Luật Tố cáo 2018

 

Thứ nhất, theo khoản 3 Điều 24, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Theo đó, trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết và được gửi đồng thời cho nhiều nơi, trong đó có tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến nơi không có thẩm quyền giải quyết thì nơi nhận được tố cáo không xử lý.

Thứ hai, không xử lý đơn tố cáo nặc danh. Khoản 1 Điều 25 quy định khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý. Nhưng nếu thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Thứ ba, rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo còn một nửa so với Luật Tố cáo 2011. Cụ thể, Điều 30 Luật Tố cáo 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Nếu vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Nếu vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Thứ tư, một quy định hoàn toàn mới là người tố cáo có quyền rút tố cáo tại Điều 33. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết. Nếu nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người rút tố cáo thì vẫn tiếp tục được giải quyết.

Tuy nhiên, nếu rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết. Khi có căn cứ xác định người tố cáo (đã rút tố cáo) lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Thứ năm, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết tố cáo (là nội dung mới mà luật 2011 chưa quy định). Theo Điều 34, người giải quyết tố cáo tạm đình chỉ việc giải quyết khi: Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc vụ việc khác có liên quan; cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại. Khi căn cứ tạm đình chỉ không còn thì người giải quyết ra ngay quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo (thời gian tạm đình chỉ không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo).

Đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Tác giả bài viết: Luật sư Lê Hoài Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây