Ông Hoàng Vĩnh Bảo: 'Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thiên về đạo đức'
Chiều 25/12, Hội nhà báo Việt Nam đã công bố các quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Bộ quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, trong đó nêu 8 việc người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội.
Cụ thể, người làm báo không được đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác; không đưa ra các quan điểm, chia sẻ cá nhân, hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân đã viết, đăng tải và trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo VN. Ảnh: HNB |
Hội nhà báo cũng quy định, người làm báo Việt Nam không được bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội.
Người làm báo còn không được thông tin vụ việc chưa kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân....
Cũng theo bộ quy tắc, người làm báo không được tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ suý cho cho lối sống đồi truỵ, hủ tục mê tín dự đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc.
Các hành vi chia sẻ, sao chép, phát tán tin bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền... cũng nằm trong danh sách "không được làm".
Ngoài ra, theo Bộ quy tắc, người làm báo khi tham gia mạng xã hội cần sử dụng tài khoản cá nhân để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước.
Người làm báo cũng cần đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hoá, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín cá nhân; phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc những thông tin về vấn đề mới của xã hội.
Về lý do ban hành bộ quy tắc trên, ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo cho biết, vào cuối năm 2016, Hội đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, trong đó điều 5 yêu cầu sự "chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông khác" và bộ quy tắc là để cụ thể hóa điều 5 này.
Theo ông, mạng xã hội là diễn đàn tự do, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp mọi người có góc nhìn khách quan, toàn diện hơn. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Trong khi đó, người làm báo cung cấp thông tin, dẫn dắt dư luận xã hội nên ý kiến của nhà báo khác với ý kiến của người bình thường; bộ quy tắc sẽ giúp cho nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội.
"Các cấp hội sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy tắc này, những ai có dấu hiệu làm không tốt thì nhắc nhở, phê bình thậm chí xử lý nghiêm", ông nói.
Bộ quy tắc có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn