Càng mở rộng hình thức tố cáo, càng có lợi

Thứ năm - 27/12/2018 22:57
Đảng, nhà nước đang cố gắng xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ kiến tạo để đón đầu xu thế công nghệ 4.0. Vì vậy, việc xây dựng pháp luật cần hướng đến việc tận dụng tiện ích do công nghệ mang lại
Càng mở rộng hình thức tố cáo, càng có lợi

 

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi, bổ sung) không nằm ngoài xu thế đó. Việc mở rộng hình thức tố cáo của người dân bằng thư điện tử, điện thoại, fax, kể cả thông tin trên mạng xã hội, là cần thiết.

Tạo điều kiện để người dân giám sát

Trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến chức vụ, luật càng mở rộng hình thức tố cáo của người dân, cơ quan có thẩm quyền càng có cơ hội tiếp nhận những thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm. Thông qua các hình thức tố cáo đa dạng, luật tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với xã hội và hoạt động của cán bộ công chức, nâng cao tính công khai, minh bạch, góp phần xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo như mong muốn của người đứng đầu Chính phủ.

Mấy ngày qua, khi Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo luật này đã nhận được nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên mở rộng hình thức tố cáo không. Rất mừng là có nhiều đại biểu (ĐB) QH đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn một số ĐBQH lo ngại tình trạng tố cáo tràn lan, khó kiểm soát nếu hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax được chấp nhận.

Quan điểm đồng thuận hay phản bác đều có lý lẽ riêng. Nếu đứng ở góc độ vì lợi ích chung, việc mở rộng hình thức tố cáo là cần thiết. Trong điều kiện nền tảng khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh như hiện nay, đặc biệt là cả thế giới hướng tới công nghệ 4.0 thì việc chấp nhận tố cáo qua thư điện tử, thậm chí trên mạng xã hội là điều cần làm.

Việc một số ĐBQH lo ngại nhận thông tin tố cáo qua điện thoại, thư điện tử sẽ khó xác định được tính chính xác về nội dung tố cáo, thông tin về người tố cáo. Lo ngại này là không cần thiết. Bởi lẽ, hiện nay, quy định của ngành bưu chính viễn thông về thông tin người sử dụng điện thoại đã được quy định khá chặt chẽ. Các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể nắm được thông tin về người tố cáo, tính chính xác của nội dung tố cáo. Nếu người tố cáo cố tình tố cáo sai sự thật thì đã có quy định xử lý, thậm chí có cả chế tài hình sự nếu thông tin tố cáo là bịa đặt, vu khống.

Càng mở rộng hình thức tố cáo, càng có lợi - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng nếu bỏ tố cáo qua điện thoại sẽ mất một kênh thông tin rất quan trọng. Ảnh: VĂN DUẨN
 

Góp phần phòng chống tham nhũng

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu tại phiên họp của QH: "Chúng ta bảo là tố cáo qua điện thoại khó quá không làm, nếu thế thì còn nói gì nữa. Đừng vì những việc khó khăn của cơ quan nhà nước, ta chọn việc dễ ta làm, còn việc khó, chúng ta thôi thì tôi thấy không ổn".

Ý kiến này hoàn toàn xác đáng và phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ hiện nay, hình thức tố cáo bằng điện thoại, qua mạng thông tin điện tử đã được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành. Tại khoản 1, điều 65 luật này quy định: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật".

Như vậy, không phải đến khi dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi, bổ sung) đang được QH cho ý kiến mới đề xuất mở rộng hình thức tố cáo, mà ngay từ năm 2005, QH khóa XI khi thông qua Luật PCTN đã luật hóa các hình thức tố cáo qua điện thoại, mạng thông tin điện tử và các hình thức khác. Tiếc rằng, Luật Tố cáo ban hành sau (năm 2011) Luật PCTN lại thu hẹp hình thức tố cáo. Đáng nói là cả hai luật này đều cùng tồn tại và đang có hiệu lực thi hành.

Trong suốt thời gian 13 năm thi hành Luật PCTN, hình thức tố cáo được quy định trong luật này không làm cản trở công tác PCTN mà ngược lại còn góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta. Như vậy, việc chấp nhận hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax hoặc các hình thức khác có lợi hơn.

Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Khi tiếp nhận thông tin về tố cáo, người có trách nhiệm phải thẩm định thông tin tố cáo, xác định rõ danh tính, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo có căn cứ để xác minh, kết luận hay không thì mới thụ lý giải quyết tố cáo. Có thể việc mở rộng hình thức tố cáo, cơ quan có thẩm quyền sẽ có nhiều việc hơn để làm. Đó cũng là điều tốt, bởi như vậy mới khuyến khích người dân mạnh dạn tố cáo những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Để giải tỏa những lo ngại về việc lợi dụng hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax hay mạng xã hội thì QH, Chính phủ cần xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin từ các hình thức này một cách chặt chẽ. Xây dựng pháp luật không nên theo tư duy giành cái thuận lợi cho cơ quan nhà nước, đẩy cái khó về phía người dân. Nếu làm như vậy sẽ không huy động được người dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng. 

Tương tác với người dân bằng công nghệ

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết hiện TP HCM đang phát triển theo xu hướng đô thị thông minh nên Công an TP có đề án trình lãnh đạo về việc quản lý, tương tác với người dân bằng công nghệ và thực hiện việc phản hồi tin báo tố giác tội phạm của người dân qua nhiều hình thức như điện thoại, thư tín, mạng xã hội... Thực hiện chủ trương này, quận Bình Thạnh, quận 12 đã tiếp nhận tin báo của người dân qua mạng Facebook. Bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, nhiều vụ được giải quyết rốt ráo, tạo được sự tin tưởng trong nhân dân. Nếu mô hình công nghệ được bổ sung, hoàn thiện sẽ giúp ích cho lực lượng công an rất nhiều.

Tác giả bài viết: Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây