Làm sao “chuyển lửa” về địa phương (?!)

Thứ sáu - 28/12/2018 23:14
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặt hái những kết quả rất quan trọng, làm nức lòng cử tri cả nước. Tuy nhiên, công tác PCTN ở địa phương vẫn còn hạn chế, yếu kém. Trong khi đó nhiều đại án kinh tế xảy ra ở địa phương gây bức xúc dư luận nhưng địa phương không phát hiện được, chỉ cho đến khi cơ quan ở Trung ương vào cuộc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để “chuyển lửa” về địa phương?
Làm sao “chuyển lửa” về địa phương (?!)

                      

BÀI VIẾT LIÊN QUAN


Báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước phiên họp thứ 27, Ủy ban Tư pháp Quốc hội (14/9) cho biết: Công tác PCTN năm 2018 đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Cụ thể, đã tiến hành 3.141 cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác PCTN trong năm 2018 ở các bộ, ngành, địa phương; phát hiện 377 người vi phạm /435 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật 85 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 87,4 tỷ đồng…

Trước đó tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra (tháng 6/2018), theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương: Trong 05 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400.000 tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể nói với sự quyết tâm cao của toàn Đảng mà đặc biệt dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, công tác đấu tranh PCTN đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều vụ đại án phức tạp được đưa ra xét xử nghiêm minh, trong đó có cả các cán bộ cao cấp của Đảng, lấy lại lòng tin của đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường an ninh – quốc phòng, đối ngoại.

Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra, đặc biệt là công tác PCTN ở cơ sở chưa thực sự làm yên lòng cử tri cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, chỉ rõ: “Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp…”. Trong đó đáng báo động là hiện tượng tham nhũng vặt, tuy giá trị từng vụ việc không lớn nhưng tổng thể thì không hề nhỏ. Nó không chỉ nguy hại cho nền kinh tế mà còn làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân.

“Nhiều vụ việc tham nhũng chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc”, có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét”. Đó là nhận xét được phản ánh tại Báo cáo tổng hợp 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, do Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 15/5/2018.

Không phải ngẫu nhiên tại buổi tiếp xúc với cử tri (diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV), nhiều cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội) đã thẳng thắn đặt vấn đề với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Để chống tham nhũng thì chỉ Trung ương làm chưa đủ mà cần các địa phương vào cuộc và đặt câu hỏi: “Vì sao trên nóng dưới lạnh và làm thế nào chuyển lửa về địa phương?”.

Nhìn thẳng sự thật mà nói, một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác PCTN ở địa phương chưa thực sự rõ nét, còn để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, là do nội bộ ở cơ quan, đơn vị còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình yếu kém. Báo cáo của Chính phủ về kết quả PCTN năm 2018 cho biết: Tổng số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ tới 99,8% nhưng chỉ phát hiện được 06 trường hợp vi phạm trong số 44 người được xác minh tài sản, thu nhập. Trong số 377 người vi phạm, chỉ có 29 người đứng đầu (NĐĐ) đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 05 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 03 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Câu hỏi đặt ra còn bao nhiêu trường hợp để xảy ra tham nhũng, đã xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng NĐĐ không bị xử lý ? Liệu có phải NĐĐ các địa phương, cơ quan đơn vị này đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng nhưng vẫn để xảy ra, tức là nằm ngoài trách nhiệm nên mới không bị xử lý ? Một ví dụ minh họa: Sai phạm của “Vũ nhôm” có liên quan đến địa phương không ? Ai là người đã giúp cho Phan Văn Anh Vũ lấy được 31 nhà công sản và hàng chục dự án “vàng” ? Câu trả lời đã rõ mười mươi khi 2 cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và loạt quan chức ở TP.HCM, trong đó có cả Phó Chủ tịch TP đã bị khởi tố…

Cội nguồn của sự nể nang, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý chỉ có thể sinh ra từ trách nhiệm NĐĐ tổ chức Đảng, cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa tận tâm, tận lực. Ở đó những NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN… Người đứng đầu (NĐĐ) được trao rất nhiều đặc quyền, đặc lợi, quyền lực rất lớn, trong khi cơ chế quản lý quyền lực chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả; một số tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; tập thể lãnh đạo – cá nhân phụ trách chưa được xác định một cách rõ ràng, rành mạch.

Vì vậy, để NĐĐ cơ quan, đơn vị không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật PCTN hoặc ban hành mới các chính sách, quy phạm pháp luật theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của NĐĐ trong tự phát hiện, ngăn chặn PCTN, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ NĐĐ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với PCTN. Thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực NĐĐ ở những vị trí trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tha hóa quyền lực… Đặc biệt là phải quy trách nhiệm NĐĐ về công tác PCTN, nơi nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu địa phương phải bị xử lý theo quy định của Luật PCTN và các quy định của Đảng. Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý Nhà nước về kinh tế đối với từng lĩnh vực theo hướng tinh gọn đầu mối, không tập trung quyền lực, lợi ích quá lớn vào một cá nhân hay một nhóm cá nhân…

Song hành với kiểm soát quyền lực và quy trách nhiệm NĐĐ là phát huy vai trò của các tổ chức mặt trận và đoàn thể, của nhân dân và của các cơ quan báo chí. Phải có cơ chế thiết thực khuyến khích để lực lượng này cùng nhập cuộc thực sự. Chính phủ đã từng có chính sách khen thưởng lên tới 3,45 tỷ đồng (Thông tư liên tịch số 01/2015 giữa Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định) cho người tố cáo nhưng cho đến nay số người được khen thưởng quá ít ỏi ?

Do điều kiện thưởng còn phức tạp, rườm rà khó tiếp cận hay do mức thưởng còn thấp, chưa tương xứng ? Câu chuyện về lão nông Phạm Tấn Lực ở Quảng Ngãi, suốt 4 năm qua miệt mài thu thập chứng cứ gửi đến cơ quan có chức năng tố cáo sai phạm xảy ra trên đường cao tốc nghìn tỷ đoạn Quảng Ngãi – Đà Nẵng làm dậy sóng dư luận, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được tiền thưởng… Đó là điều rất đáng để những người làm chính sách phải trăn trở, khi mà công cuộc PCTN ở cơ sở đang còn cảm giác “lạnh”.

PCTN là công việc lâu dài, không thể một sớm một chiều và càng không thể làm theo phong trào mà phải thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, cử tri và người dân cả nước luôn mong đợi công cuộc PCTN phải được thực hiện quyết liệt hơn, sâu rộng hơn, nhất là phải “chuyển lửa” về địa phương vì PCTN ở địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém.
 

Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ): “Khi giải quyết được tham nhũng vặt và sự vào cuộc của Trung ương xử lý các vụ tham nhũng lớn thì chắc chắn sẽ phát động được phong trào, xử lý ngay từ dưới để mất cảm giác lạnh. Đặc biệt người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác PCTN, nơi nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu địa phương phải bị xử lý. Đó chính là tính nêu gương, đẩy trách nhiệm của người đứng đầu lên cao”


Hàn Quốc hiện đang rất thành công trong công tác PCTN, quốc gia này đã đúc kết 05 bí quyết PCTN, một trong các bí quyết đó là sự “gương mẫu, trong sạch và trách nhiệm” của người đứng đầu và quy trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý”

“Tại Trung Quốc, sách lược “đánh cả hổ lẫn ruồi” hiện nay đang quyết liệt được thực hiện, kiên quyết xử lý quan chức, kể cả quan chức cấp cao, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc có hành vi tham nhũng hoặc phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng của cán bộ, nhân viên dưới quyền gây ra. Việc xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu, theo cách lý giải của Đảng Cộng sản, nhà cầm quyền Trung Quốc là để “làm gương” và “răn đe xã hội”.

(Theo TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG)

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Nguồn tin: phaply.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây