Doanh nghiệp NN cũng phải đấu thầu mua sắm
Khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thực hiện đấu thầu.
Doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án doanh nghiệp Nhà nước là chủ đầu tư đang triển khai hoặc xây dựng dang dở được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.
Đối với doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu, phân phối điện, bán buôn xăng dầu, vận tải đường sắt… sẽ không được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỉ lệ cổ phần, vốn góp kể từ thời điểm 1-5-2018.
(Nghị định 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1-5 quy định)
Định giá tài sản trong tố tụng hình sự
Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường. Đối với tài sản không phải là hàng cấm còn phải dựa vào: Giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.
Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên theo quy định tại nghị định này.
Trường hợp đặc biệt, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao
quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá.
Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt do Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương thực hiện.
(Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định thành lập, hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, có hiệu lực ngày 1-5 quy định).
Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
Từ ngày 1-5, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá một tháng lương bình quân thực tế.
(Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP, sửa đổi Thông tư 78/2014/TT-BTC, có hiệu lự thì hành từ ngày 1-5 quy định).
Ảnh minh họa: LT
Phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
Thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cả cấp mới, cấp đổi và cấp lại), mức phí là 650.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa; 200.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Phí thẩm định cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa lần lượt là 3 triệu, 2 triệu và 1,5 triệu đồng/giấy phép.
Riêng giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài, lệ phí cấp mới là 3 triệu đồng và cấp lại, điều chỉnh, gia hạn là 1,5 triệu/Giấy phép.
(Thông tư 33/2018/TT-BTC phí thẩm định cấp giấy phép KD dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 14-5 quy định).
Công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch
Từ ngày 14-5, mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với hạng một sao, hai sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; đối với hạng ba sao là 2 triệu đồng/hồ sơ và đối với hạng bốn sao, năm sao mức phí này là 3,5 triệu đồng/hồ sơ.
Mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là 1 triệu đồng/hồ sơ.
(Thông tư 34/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, có hiệu lực từ ngày 14-5 quy định).
Phụ cấp trách nhiệm hằng tháng
Người được bổ nhiệm làm kế toán trong đơn vị nhà nước chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; trong đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng 0,1 so với mức lương cơ sở.
Kế toán trưởng tại Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan; cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở.
(Thông tư 04/2018/TT-BNV thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế, phụ cấp trách nhiệm của kế toán trưởng, phụ trách kế toán, có hiệu lực từ ngày 15-5 quy định). |