Chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 5-2018 (P1)

Thứ ba - 01/05/2018 21:23
(PLO)- Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 5-2018. PLO xin giới thiệu một số nội dung quan trọng có liên quan đến đông đảo người dân.
chinh sach MEGB
chinh sach MEGB
Hạn mức cấp tín dụng
Từ ngày 1-5, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong ba năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…
Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.
(Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. có hiệu lực từ ngày 1-5 quy định).
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện: Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng;
Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích;
Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.
Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016-2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
(Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20-5, áp dụng cho các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10-12-2015).

chính sách mới có hiệu lực
Ảnh minh họa: TL

Xử phạt hành chính về bảo hiểm, xổ số
Phạt tiền từ 90 triệu đến 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.
Đáng chú ý, phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng về hành vi ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe dưới mọi hình thức. Tổ chức vi phạm quy định sẽ bị phạt gấp đôi (tức là phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng). Đấy là quy định mới, quy định hiện hành không xử phạt hành vi này.
Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, từ 60 triệu đến 70 triệu đồng thay vì chỉ từ 10 triệu đến 20 triệu đồng như trước.
(Nghị định 48/2018 sửa đổi Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số, có hiệu lực từ ngày 10-5 quy định).
Xử phạt trong lĩnh vực kế toán
Từ ngày 1-5, Chính phủ tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán từ 30 triệu lên 50 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu lên 100 triệu đồng với tổ chức.
Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũng bị phạt đến 10 triệu đồng.
(Nghị định 41/2018?NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực từ ngày 1-5 quy định).
Quy định về bán hàng đa cấp
Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.
Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thu tiền đặt cọc của người tham gia, cho người tham gia nhận tiền từ việc giới thiệu khách hàng mới. Doanh nghiệp đa cấp không được trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp quá 40% doanh thu trong năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỉ đồng tại một ngân hàng thương mại. Khoản tiền ký quỹ sẽ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi thực hiện.
(Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 2-5 quy định).
Quy định sử dụng máy photocopy màu
Từ ngày 1-5, bãi bỏ quy định máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức, không được dùng để kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu phải đăng ký với UBND cấp tỉnh trước khi sử dụng.
Khi chuyển nhượng máy phải có hồ sơ gửi đến UBND cấp tỉnh nơi đã xác nhận đăng ký máy đó. Khi thanh lý máy, tổ chức, cá nhân sử dụng máy đã đăng ký, khi thanh lý phải có văn bản thông báo đến cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động in nơi đã đăng ký máy.
Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ một năm/lần thay vì sáu    tháng/lần như trước đây.
(Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5 quy định).
Từ 1-5: Giảm giá cước kết nối giữa các mạng di động
Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Thông tư 48/2017/TT-BTTTT về giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng cố định mặt đất nội hạt vào mạng di động, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2018.
Theo đó, từ ngày 1-5, giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng như sau:
Giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động: Mạng nội hạt khởi phát cuộc gọi thoại trả mạng di động kết cuối cuộc gọi giá cước kết nối là 320 đồng/phút.
Giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động:
Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội giá cước kết nối là 400 đồng/phút;
Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giá cước kết nối là 440 đồng/phút;
Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tổng Công ty viễn thông MobiFone giá cước kết nối là 440 đồng/phút;
Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile giá cước kết nối là 440 đồng/phút;
Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu giá cước kết nối là 440 đồng/phút. Theo quy định cũ, giá cước kết nối được quy định dao động từ 500 đồng - 550 đồng/phút.

Tác giả bài viết: L.THANH

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây