Vụ tranh chấp đòi lại tài sản ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định): KHÔNG CÓ CĂN CỨ ĐỂ BUỘC GIA ĐÌNH ÔNG NHƠN TRẢ LẠI TÀI SẢN

Thứ hai - 29/04/2019 22:29
Diễn biến của quá trình thụ lý và xét xử vụ án cho thấy, ngoài lời khai một phía, nguyên đơn không đưa ra được bất cứ một chứng cứ nào để chứng minh đó là di sản thừa kế theo pháp luật; trong khi đó bị đơn là người chiếm hữu tài sản ngay tình, công khai và sử dụng ổn định suốt gần 40 năm. Mặc dù vậy cấp phúc thẩm vẫn tuyên buộc bị đơn trả lại nhà và đất cho nguyên đơn, đẩy một gia đình đứng trước nguy cơ không còn chỗ ở hợp pháp…  
Vụ tranh chấp đòi lại tài sản ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định): KHÔNG CÓ CĂN CỨ ĐỂ BUỘC GIA ĐÌNH ÔNG NHƠN TRẢ LẠI TÀI SẢN

                                       
                         
Vợ chồng ông Trần Văn Nhơn cùng các con đứng hai bên (một đứa bị tật nguyền, còn vợ bị đau ốm thường xuyên), hoàn cảnh rất khó khăn… Nếu Tòa xử trả lại nhà cho ông Trần Viện thì họ sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội vì không còn chỗ để ở (?!)
 
 Tuyên án theo lời khai, không cần chứng cứ

Theo Đơn xin xác nhận của ông Trần Văn Nhơn (được UBND xã Tây Giang, huyện Tây Sơn xác nhận vào ngày 27/8/2018), ngôi nhà gắn liền với thửa đất số 380, tờ bản đồ số 53, có diện tích 217,9 m2 tọa lạc tại xóm 3, thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang là của cha mẹ (ông Trần Ngọc Giai và bà Châu Thị Mai tạo lập vào năm 1974) để lại. Ngôi nhà được xây dựng trên đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, với diện tích ban đầu chỉ có 79,5m2 (5,3m x 15m). Năm 1979, ông Giai qua đời, bà Châu Thị Mai cùng các con tiếp tục quản lý sử dụng và xây dựng lại ngôi nhà kiên cố hơn.

Do phần đất phía sau nhà bị thấp trũng và bỏ hoang nên mẹ con bà Mai đã bỏ công sức ra san lấp, bồi trúc mở rộng thêm mới có diện tích rộng trên 217 m2 như hiện nay. Năm 1984 do ảnh hưởng cơn bão số 9, ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn nên vợ chồng ông Nhơn đã bỏ tiền ra xây dựng mới hoàn toàn. Trong suốt quá trình sinh sống hơn 39 năm (1979 - 2018), gia đình bà Mai là người trực tiếp kê khai sử dụng ổn định thửa đất và làm nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Sau khi bà Mai qua đời, tài sản trên được tất cả anh chị em thống nhất giao lại cho ông Nhơn thừa kế quản lý.
 
 Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh): “Quá trình xét xử vụ án cho thấy, cấp sơ thẩm đã thu thập và đánh giá chứng cứ chưa khách quan, toàn diện và đầy đủ theo quy định tại Điều 108 Bộ luật TTDS 2015”
 
Trong khi đó, theo đơn khởi kiện của ông Trần Viện, thường trú tại xóm 4 (cũng thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang), ngôi nhà của gia đình ông Nhơn đang ở là của cha mẹ ông (cụ Trần Ngọc Giai và Quách Thị Quyển) xây dựng cho ở nhờ. Đất có nguồn gốc do cha mẹ ông mua lại của ông Phạm Liêm từ năm 1970. Tuy nhiên do ảnh hưởng chiến tranh, sau giải phóng ngôi nhà bị tàn phá không còn. Năm 1979, cụ Giai mất, đến năm 1995 cụ Quyển cũng qua đời. Trước khi qua đời, cụ Giai có lập di chúc vào ngày 20/4/1973, giao nhà và đất cho ông Viện quản lý sử dụng…

Mặc dù vậy, ông Viện và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không cung cấp được bằng chứng nào để chứng minh đó là tài sản của cha mẹ để lại, ngoài lời khai một chiều; và trước đó vào năm 1995, ông có nộp đơn ở xã Tây Giang đòi lại tài sản nhưng không được giải quyết.

Thế nhưng, tại Bản án sơ thẩm số 07/2019/DS-ST ngày 28/02/2019, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định cho rằng yêu cầu đòi lại tài sản của ông Trần Viện là có căn cứ pháp luật. Theo đó tuyên xử, buộc ông Trần Văn Nhơn cùng 04 thành viên sống trong ngôi nhà gắn liền với thửa đất số 380 phải có nghĩa vụ giao lại nhà và đất cho ông Trần Viện (đại diện hàng thừa kế thưa nhất của cụ Giai và cụ Quyển) quản lý, sử dụng. Gia đình ông Nhơn được lưu cư trong thời hạn 6 tháng và được ông Trần Viện thối lại số tiền 100.000.000 đồng.

Ngay sau khi Bản án được tuyên, ông Trần Văn Nhơn lập tức có Đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm, cho rằng bản xét xử chưa khách quan phù hợp với thực tế, đẩy gia đình ông vào cảnh không còn chỗ ở…

Cần xem xét lại Bản án sơ thẩm hợp tình, hợp lý

Từ sự phân tích trên, theo chúng tôi Bản án do TAND tỉnh Bình Định xét xử còn nhiều tình tiết cần phải được làm sáng tỏ ở cấp phúc thẩm. Nội dung của Bản án cho thấy, để chấp nhận đơn khởi kiện của ông Trần Viện, HĐXX cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của các bên đương sự, lời khai của chủ cũ thửa đất và lời khai của người làm chứng (không có một tài liệu, chứng cứ nào khác…).

Theo Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), trong trường hợp này lẽ ra, HĐXX phải trưng cầu ý kiến bằng văn bản của UBND xã Tây Giang để xác định thửa đất tranh chấp đã được hay chưa cân đối giao quyền sử dụng ổn định lâu dài cho gia đình ông Trần Văn Nhơn. Nếu đã được cân đối giao quyền cho gia đình ông Nhơn thì phải vận dụng khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 để bác đơn khởi kiện của ông Trần Viện, vì “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai…”.

Mặt khác, diễn biến của quá trình sử dụng đất cho thấy, gia đình ông Nhơn đã chiếm hữu, sử dụng thửa đất đó ngay tình, liên tục, công khai suốt 39 năm và cũng là người đứng tên kê khai làm nghĩa vụ thuế cho Nhà nước đầy đủ. Như vậy có căn cứ để công nhận gia đình ông Nhơn  trở thành chủ sở hữu tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.
 
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2014 quy định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” (Điều 22) và “có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34).
 
Điều bất thường là tại phiên tòa, ông Viện thừa nhận ngôi nhà của cha mẹ ông “sau giải phóng đã bị tàn phá cháy mất” (dòng thứ 7, tính từ dưới lên, trang 3, Bản án sơ thẩm số 07/2019/DS-ST của TAND tỉnh Bình Định). Tài sản trên đất không còn hiện hữu, vậy mà Tòa sơ thẩm cho rằng có cơ sở xác định nguồn gốc ngôi nhà là di sản của vợ chồng cụ Giai, cụ Quyển và cụ Loan. “Đến năm 1984, vợ chồng ông Nhơn sửa chữa lại ngôi nhà gồm đổ đất, nâng nền nhà bếp và nhà giữa, trị giá khoảng 20.000.000 đồng”.

Nếu điều đó là sự thật thì tại sao tại thời điểm đó, ông Viện và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không đứng ra tranh chấp mà mãi đến năm 1995 mới chính thức gửi đơn khiếu nại đến chính quyền xã Tây Giang (?) Song, HĐXX sơ thẩm vẫn cho rằng lời khai của ông Viện là có căn cứ, theo đó buộc gia đình ông Nhơn phải rời khỏi ngôi nhà (sau khi được ông Viện đại diện hàng thừa kế có nghĩa vụ thối lại giá trị bồi trúc, công sức quản lý di sản với số tiền 100.000.000 đồng).

Tại tòa, ông Trần Viện cho rằng cụ Giai đã di chúc giao nhà và đất cho ông. Tuy nhiên, theo HĐXX, sau khi trưng cầu giám định của cơ quan có chức năng cho thấy chữ ký trên Di chúc lập ngày 20/4/1973 và các mẫu chữ ký mà đương sự cung cấp của cụ Trần Ngọc Giai là không cùng một người. Còn dấu vân tay trên tờ Di chúc không cùng đặc điểm chung và đặc điểm riêng nên không đủ căn cứ xác định cụ Giai, cụ Quyển đã lập di chúc giao nhà, đất cho ông Viện.
                
                 
                   Gia đình ông Nhơn trước bàn thờ người cha quá cố Trần Ngọc Giai

Như vậy việc cấp sơ thẩm tuyên buộc gia đình ông Trần Văn Nhơn giao lại nhà và đất đang tranh chấp cho ông Trần Viện đại diện hàng thừa kế quản lý sử dụng trong khi những người thừa kế không có văn bản ủy quyền hoặc từ chối nhận di sản là trái với quy định về thừa kế theo pháp luật, được quy định tại Điều 649, 650, 651 và 652 Bộ luật Dân sự 2015 (vì lúc sinh thời vợ chồng cụ Giai có 4 người con, 2 người chết lúc nhỏ, một người vừa mới qua đời có 8 người con. Ngoài ra cụ Giai còn có bà vợ thứ sinh được 2 người con) (?)

Điều đáng quan ngại hơn, nếu quyết định của Bản án sơ thẩm có hiệu lực thì hệ quả của nó gây ra không hề nhỏ: Đó là đẩy cả một gia đình gồm 5 nhân khẩu (trong đó có một người bị ốm đau triền miên từ nhiều năm nay) từ chỗ có nhà ở ổn định suốt gần 40 năm bỗng chốc trở thành những người vô gia cư phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, trở thành gánh nặng cho xã hội. Có nhẫn tâm không trong khi nguyên đơn và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều đã có chỗ ở ổn định…

Hy vọng Tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng sẽ có một phán quyết thật công tâm, thấu tình đạt lý, để gia đình ông Nhơn có được niềm vui trọn vẹn.
                                                                       
Điều bất ngờ là trong Bản án sơ thẩm cho rằng ông ông Phạm Liêm (chủ đất cũ) đã làm chứng có bán đất cho cha mẹ ông Trần Viện, thế nhưng sau khi nghe đọc lại Bản án sơ thẩm, ông Liêm cho rằng: “Tòa viện dẫn lời làm chứng của tôi không đúng sự thật. Nguồn gốc đất có nhà của ông Giai và bà Mai tạo lập năm 1974 không phải của tôi bán lại mà là cất nhà trên đất hoang công lấn chiếm. Song cũng chỉ cất trên phạm vi diện tích khoảng 45m2 (4,5 m x 10 m), nằm ở đoạn phía trước. Còn phần đất phía sau, vốn là đất thấp trũng hoang hóa, trong quá trình sinh sống, vợ chồng ông Trần Văn Nhơn cùng các con đã bỏ công sức ra khai khẩn, bồi trúc mà có… Nói thẳng ra, nếu không có gia đình ông Nhơn ở ổn định trên thửa đất này thì làm gì có tài sản như ngày hôm nay, để tranh chấp đòi lại”

Tác giả bài viết: TỔ PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh và Pháp luật:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây