Nga - Mỹ quyết 'so găng' ở Venezuela

Thứ năm - 02/05/2019 21:16
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sa vào một chiến trường đại diện với Nga ở Venezuela, tình thế đối đầu quốc tế mới nhất đe dọa sẽ kéo tình hình quốc tế trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Nga - Mỹ quyết 'so găng' ở Venezuela
'Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trước đám đông ở Caracas hôm 1/5. ảnh: Reuters
'
Trong tuần này, hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau sau khi lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido kêu gọi người dân và quân đội đứng lên lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dọa sẽ có hành động quân sự và cáo buộc Nga ngăn cản ông Maduro chạy sang Cuba để tránh làn sóng biểu tình gia tăng trên đường phố. Còn Nga tố ông Pompeo lan truyền “tin giả” để triển khai “chiến tranh thông tin”, CNN đưa tin.

Mâu thuẫn dẫn đến cuộc điện đàm hôm 1/5 giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga. Thông tin từ phía Mỹ đưa ra nói rằng, ông Pompeo “mắng” Nga vì hành động “gây bất ổn”, còn Kremlin cho biết, ngoại trưởng của họ đã chỉ trích Mỹ “vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế”.

Mâu thuẫn này, liên quan đến cả Cuba, có thể trở thành cuộc đối đầu bùng nổ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi ông Trump đang tiến vào giai đoạn vận động tái tranh cử. Nó cũng đe dọa bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạ nhiệt quan hệ của Mỹ với Kremlin sau khi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết luận nhóm vận động tranh cử của ông Trump không thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.

“Đây là bán cầu của chúng ta - không phải nơi Nga can thiệp”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định với các phóng viên hôm 1/5. “Đây là một sai lầm của họ. Nó sẽ không dẫn đến sự cải thiện quan hệ nào”, ông Bolton nói.

Nghiêng về phía Nga

Các nhà phân tích cho rằng, Nga và Mỹ đang thử thách nhau về mức độ sẵn sàng cam kết đối với quốc gia giàu dầu mỏ Venezuela. Và với thực tế là Nga sẵn sàng điều quân đến những nơi như Syria và Ukraine, còn Mỹ chỉ đóng một vai trò hạn chế về quân sự, giới phân tích cho rằng ván cược đang nghiêng về phía Nga.

“Khi họ sẵn sàng cử quân vào Georgia, Ukraina, Syria hay Venezuela, chúng ta đang làm điều gì? Nó làm phức tạp tính toán của chúng ta và giúp Nga chiếm thế thượng phong”, tạp chí Politico dẫn đánh giá của ông Fernando Cutz, cựu quan chức Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.

Tại Caracas hôm 1/5, những người biểu tình chống ông Maduro xuống đường theo lời kêu gọi của ông Guaido. Nhưng trong khi đó, nhiều người ủng hộ ông Maduro cũng xuống đường, gây ra tình trạng lộn xộn.

Ông Trump đánh cược vào khả năng Tổng thống Maduro phải từ chức, và khả năng Nga thôi ủng hộ nhà lãnh đạo này, sau khi ông Guaido, một nhà hoạt động đối lập và là lãnh đạo trong quốc hội, tự phong là tổng thống lâm thời. Hàng chục quốc gia khác cũng làm như Mỹ.

Nhưng Cuba, Nga và các nước thường phản đối Mỹ trong các vấn đề quốc tế vẫn ủng hộ ông Maduro. Các quan chức Mỹ nói rằng, Cuba có vài ngàn quân ở Venezuela, còn Nga đã đưa khoảng 100 cố vấn quân sự đến giúp ông Maduro, dù các chuyên gia cho rằng, sự hỗ trợ của hai nước này khó định lượng. Cuba và Nga đều phủ nhận hoặc hạ thấp những thông tin đó. Kremlin nói họ chỉ cử các chuyên gia quân sự đến để triển khai các hợp đồng vũ khí đã ký với Venezuela.

Chưa rõ các quan chức Mỹ đã lên kế hoạch cho khả năng Nga đột ngột tăng cường vai trò của họ ở Venezuela, nhưng các nhà quan sát cho rằng điều đó nếu trở thành sự thật cũng không đáng ngạc nhiên. Nga là một chủ nợ lớn của Venezuela, và việc Nga tăng cường vai trò ở Mỹ Latin cũng là cách họ làm sống lại vai trò một cường quốc toàn cầu của mình.

“Venezuela là một quốc gia giàu tài nguyên và nằm ở vị trí chiến lược. Nga sẽ bảo vệ các lợi ích của họ ở đó, và sẽ không muốn ra khỏi sân sau của Mỹ”, Politico dẫn lời ông Molly McKew, một chuyên gia tư vấn cho chính phủ Mỹ về các vấn đề truyền thông chiến lược.

Nhưng chính quyền Trump dường như quyết theo đuổi kế hoạch lật đổ ông Maduro.

Hôm 29/4, ông Pompeo nói rằng, ông Maduro đã chuẩn bị lên máy bay rời khỏi đất nước đến Havana, nhưng Nga đã thuyết phục ông ở lại. Nga bác bỏ thông tin này. Hôm 1/5, ông Pompeo nói trên đài Fox rằng “hành động quân sự có thể được sử dụng. Nếu đó là điều bắt buộc, thì sẽ là điều Mỹ làm”.

Theo ông Bolton, các lợi ích của Mỹ ở Venezuela là độc nhất vì vị trí của quốc gia này ở tây bán cầu. Ông nhiều lần nói đến Học thuyết Monroe rằng, Mỹ sẽ không tha thứ cho sự can thiệp của bên ngoài vào tây bán cầu.

Nhưng một điều đáng chú ý là bản thân ông Trump trong tuần này chưa nói gì về vai trò của Nga ở Venezuela. Thay vào đó, ông quay sang công kích Cuba, dọa sẽ tăng cường cấm vận quốc đảo này vì đã hỗ trợ ông Maduro.

Dù từng nói Nga phải “ra khỏi” Venezuela, ông Trump đến nay chưa nhắc lại lời kêu gọi đó. Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ vẫn giữ hy vọng cải thiện quan hệ với ông Putin. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là ông Trump tỏ ra lo lắng về những hàm ý chính trị của việc gia  tăng vai trò của Mỹ ở Venezuela.

Dù từng dọa sẽ có hành động quân sự với Venezuela, ông Trump nhìn chung vẫn không thích cử quân ra nước ngoài. Việc Mỹ chưa điều quân đến Venezuela có thể khiến một bộ phận cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa giận dữ, nhưng mặt khác có thể khiến cộng đồng người Mỹ gốc Cuba và gốc Venezuela ở bang dao động Florida ủng hộ ông Trump nhiều hơn trong cuộc chạy đua tái tranh cử năm 2020.

 

Tác giả bài viết: BÌNH GIANG

Nguồn tin: tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây