Trong khi đó, phản ứng các bên tiếp tục nóng lên.
Tuyên bố của Triều Tiên đưa ra trong lúc các nước tiếp tục đòi tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng khi tề tựu về Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức.
Ăn bánh không dễ
Đáp trả thông tin Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận ngay sau vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) chỉ trích Seoul là con rối quân sự và “việc quét sạch các lực lượng bù nhìn sẽ dễ như ăn bánh... bởi bây giờ chúng ta thậm chí đã có thể tiêu diệt Mỹ bên kia đại dương”.
Hãng thông tấn khẳng định “không việc gì phải sợ hãi vì chúng ta đã có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng với cả bom A và bom H”.
Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 hôm 4-7 có khả năng gieo các đầu đạn hạt nhân lớn xuống “trung tâm nước Mỹ”, điều Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó khẳng định sẽ không bao giờ xảy ra.
Vụ phóng diễn ra trong khi Washington đang ăn mừng quốc khánh.
“Tôi đoán họ không vui lắm với gói quà mà chúng ta gửi tặng nhân dịp lễ quốc khánh” - KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Đích thân ông Kim Jong Un giám sát vụ phóng khi tên lửa Hwasong-14 đạt độ cao 2.802km và đánh trúng chính xác mục tiêu giả định sau hành trình bay 933km trong thời gian 39 phút.
Phát biểu tại Ba Lan ngày 6-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ mạnh tay với mối đe dọa Triều Tiên.
“Họ đang hành xử rất, rất nguy hiểm và chúng ta cần phải làm gì đó” - Reuters dẫn lời ông Trump.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định vụ thử không đẩy các bên đến gần hơn với chiến tranh và Mỹ vẫn đang tập trung vào các nỗ lực ngoại giao, kinh tế để gây áp lực lên Triều Tiên.
Ông Mattis đã điện đàm để trấn an Bộ trưởng Quốc phòng Han Min Koo của Hàn Quốc và người đồng cấp Nhật Bản hôm 6-7.
Siết chặt trừng phạt
Tại cuộc gặp ba bên trước thềm Hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, ông Trump nhất trí với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ tăng sức ép lên Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap dẫn lời ngoại trưởng Hàn Quốc cho biết các nhà lãnh đạo thống nhất cần nhanh chóng hành động, bởi vụ thử mới nhất cho thấy chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đang phát triển vượt bậc.
Giới phân tích cũng nhận định Mỹ sẽ không kiên nhẫn theo đuổi biện pháp ngoại giao trong thời gian tới, mà tập trung vào trừng phạt để cô lập và cắt nguồn lực cho chương trình vũ khí của Triều Tiên.
“Washington sẽ khuyến khích, dọa nạt và hối lộ để có càng nhiều sự hợp tác của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN và châu Âu càng tốt” - CNBC dẫn lời chuyên gia Evan Medeiro thuộc nhóm nghiên cứu Eurasia Group nhận định.
Sau vụ phóng, Trung Quốc liên tục kêu gọi các bên kiềm chế, trong khi Nga ra sức ngăn cản việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố chung kêu gọi “các biện pháp nghiêm khắc hơn” trừng phạt Triều Tiên.
Theo AFP, Matxcơva khẳng định Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm trung chứ không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Trước đó, Nga cùng Trung Quốc ra tuyên bố chỉ trích việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tập trận chung tại Bắc Á làm tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
|
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn