Doanh nghiệp gặp khó khi người tiêu dùng vẫn `hững hờ` xăng E5

Thứ năm - 06/07/2017 21:19
(PL News) - Hiện nay, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang gặp khó khăn xăng E5 vẫn chưa thu hút được nhiều người tiêu dùng, trong khi lộ trình tiến tới dùng hoàn toàn xăng E5 thay cho xăng A92 sắp đến gần.
Doanh nghiệp gặp khó khi người tiêu dùng vẫn `hững hờ` xăng E5

Phải "cắt" cho công ty con 1.000 đồng/lít

Theo đó, Quyết định số 255 của Chính phủ nêu rõ, từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 Ron 92 và xăng khoáng Ron 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau khi Đề án phát triển nhiên liệu sinh học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2007 và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được đưa ra vào năm 2012, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trong nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay PV Oil đã bắt tay vào việc sản xuất, phối trộn, để đưa mặt hàng xăng E5 ra thị trường thành công. 

 

Xăng E5 sẽ thay thế xăng RON 92 từ ngày 1/1/2018

Tuy nhiên, sau một thời gian dài "ra mắt" người tiêu dùng, đến nay sản phẩm này vẫn chưa được đại bộ phận người dùng tiếp nhận. Một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục mạng lưới đại lý chuyển đổi sang bán xăng E5 để thực hiện đúng lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học. Trong khi đó, lộ trình sử dụng xăng E5 đang đến rất gần.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… vẫn đang thiếu động lực để tập trung bán xăng E5. Các doanh nghiệp đầu mối cũng gặp khó khăn không ít trong việc chuyển đổi, tăng cường số lượng trụ bơm bán xăng E5.

Khó khăn lớn nhất là việc thuyết phục đại lý (tư nhân) chuyển sang bán xăng E5, thay thế cho xăng khoáng Mogas 92, vì các đại lý e ngại doanh thu có thể bị sụt giảm do người tiêu dùng vẫn có tâm lý quen sử dụng xăng khoáng Mogas 92. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 cho biết, doanh nghiệp phải “cắt” thêm đến 1.000 đồng/lít cho một số công ty con thì mới bán được hàng.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ về giá, thuế cho các doanh nghiệp tham gia phân phối xăng E5 vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Nếu xăng E5 không thu hút được người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm doanh thu một khi chuyển toàn bộ cửa hàng sang bán xăng E5. Thiếu đòn bẩy cần thiết, doanh nghiệp sẽ khó lòng thực hiện đúng theo lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học.

Khó cũng không thể lùi

Tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu về lộ trình triển khai xăng E5 diễn ra vào ngày 6/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định, lộ trình tiêu thụ xăng sinh học từ 1/1/2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là mốc không thể lùi.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những khó khăn khi triển khai. Theo ông Phạm Đức Thắng, Phó Tổng giám độc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), lượng tiêu thụ xăng E5 trong thời gian vừa qua chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách chưa quyết liệt, sản xuất gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng cho rằng, phí kinh doanh đối với mặt hàng xăng E5 hiện nay vẫn cao hơn so với xăng khoáng khoảng 150 đồng/lít. Trong khi đó, E100 (ethanol – nhiên liệu sinh học dùng để phối trộn) mới chỉ sản xuất được 200 nghìn m3/ năm.

Chính vì vậy, cần ổn định nguồn nguyên liệu, điều chỉnh thuế nhập khẩu E100 để các doanh nghiệp trong nước không độc quyền; bảo đảm khi trong nước có vấn đề sẽ nhập khẩu để kinh doanh ổn định.

Cùng quan điểm này, đại diện PV Oil cũng kiến nghị, nên có cơ chế về thuế nhập khẩu và điều chỉnh chi phí kinh đầu tư, nâng cấp hệ thống phối trộn, chiết khấu cho doanh nghiệp.

Theo đại diện Công ty Cổ phần thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, để bán được mặt hàng xăng E5 cho một số công ty con, doanh nghiệp phải cắt thêm 1.000 đồng/lít. Còn đối với các đại lý, tuy rằng doanh nghiệp bán đúng giá quy định nhưng phải cắt thêm ngoài từ 100-150 đồng/lít. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trong nước cần nhanh chóng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đến năm 2017 có đủ năng lực phối trộn xăng E5 đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng cần lưu ý cân nhắc xem nên đầu tư xây dựng trạm phối trộn E5 hay mua lại từ các đầu mối lớn hơn.

Với các doanh nghiệp đầu mối nhà nước nắm cổ phần chi phối, không cần đợi đến thời điểm ngày 1/1/2018 mới chuyển đổi mà cây xăng nào có thể chuyển đổi thì sẽ tiến hành chuyển luôn để làm sao từ nay cuối 2017.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các cục vụ trực thuộc Bộ này có phương án sản xuất, kinh doanh xăng E5 hiệu quả hơn, đặc biệt là các kiến nghị về cơ chế thuế, phí để xăng E5 được người tiêu dùng đón nhận. 

 

Tác giả bài viết: Mai An

Nguồn tin: antt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây