Tại buổi họp báo thường kỳ quý II.2017 do Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, một vấn đề nổi bật là lộ trình, quy mô của dự án xây dựng Trung tâm Khoa học & Công nghệ hạt nhân tại tỉnh Đồng Nai.
Trong dự án này, vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm chính là việc lựa chọn vị trí để xây dựng trung tâm hạt nhân và nguy cơ mất an toàn từ những lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân được đặt gần khu vực dân cư.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Trần Trí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KHCN) cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Liên bang Nga, phía Bộ KHCN đã ký với tập đoàn Rosatom của Nga một biên bản về kế hoạch triển khai dự án Trung tâm Khoa học & Công nghệ hạt nhân. Đây là một biên bản giữa hai bên, khẳng định sẽ hợp tác với nhau để triển khai dự án Trung tâm Khoa học & Công nghệ hạt nhân.
Cũng theo TS. Trần Trí Thành, trước đây, Trung tâm Khoa học & Công nghệ hạt nhân là một dự án đi kèm với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Song việc hai bên ký biên bản vừa rồi đã khẳng định lại, dự án xây dựng Trung tâm Khoa học & Công nghệ hạt nhân là một dự án độc lập, không phụ thuộc vào dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dự án xây dựng trung tâm nhằm phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ của đất nước. Hiện tại, Hội đồng thẩm định liên ngành của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang tiến hành thẩm định báo cáo tiền khả thi của dự án. Sau từ 1 tới 2 tuần tới sẽ có kết quả. Lúc đó, Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ gửi báo cáo lên Chính phủ, rồi Thủ tướng Chính phủ mới đưa ra quyết định về dự án này.
Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động hơn 50 năm, sẽ dừng hoạt động trong thời gian tới.
Về mức độ an toàn của những lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân, ông Thành nói: “Hiện tại, mới có 2 địa phương đồng ý với một số địa điểm xây dựng do Bộ đề xuất là tỉnh Lâm Đồng (đề xuất xây dựng trung tâm hạt nhân tại xã Đạ Nhim, cách Đà Lạt 40 km) và tỉnh Đồng Nai (đề xuất xây dựng trung tâm hạt nhân tại xã Suối Tre và Hàng Gòn của thị xã Long Khánh).
Công nghệ để xây dựng nhà máy và sản xuất điện đã được chuẩn hóa. Vấn đề ở đây là lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân, lò của chúng ta sau khi xây dựng xong sẽ triển khai được những ứng dụng gì? Quan trọng hơn, chúng ta phải xây dựng, kết cấu ra sao để 50 năm nữa, vẫn có thể sử dụng lò hạt nhân hiệu quả.
Ngoài ra, là nguy cơ về động đất. Nếu xây dựng ở địa điểm có nguy cơ động đất cao, cần thiết kế những lò hạt nhân chắc chắn để đảm bảo an toàn.
Mặc dù công chúng vẫn lo ngại về sự an toàn của lò phản ứng hạt nhân nhưng tôi khẳng định trong lịch sử hơn 60 năm vận hành và sử dụng lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân, chưa hề xảy ra một sự cố hạt nhân nghiêm trọng nào đối với con người và môi trường”.
Bộ KHCN khẳng định lò phản ứng hạt nhân không ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc bổ sung thêm thông tin: “Khi có dự án xây lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân, rất nhiều người đã hỏi chúng tôi rằng lò phản ứng phạt nhân có an toàn không?. Tôi đã trả lời rằng, ngày trước, khi còn học ở nước ngoài, tôi ở trong ký túc xá của trường đại học mà nhìn xuống sân là lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân. Các phòng học, phòng thí nghiệm của trường cũng nằm xung quanh lò nghiên cứu hạt nhân đó.
Không chỉ vậy, nhiều lò nghiên cứu còn được đặt trong khuôn viên của trường đại học hoặc viện nghiên cứu, giữa các thành phố và trung tâm ở nhiều nước trên thế giới”.
Tác giả bài viết: Hoàng Thắng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn