Tổng thống Mỹ ra tối hậu thư cho ông Kim Jong-un

Thứ bảy - 12/08/2017 09:39
(Phapluat News) - Sau khi viết trên Twitter vào rạng sáng 11.8 (giờ Mỹ) cho biết quân đội Mỹ đã “khóa nòng, lên đạn” đề phòng CHDCND Triều Tiên hành động “không khôn ngoan”, vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ra tối hậu thư cho ông Kim Jong-un.
Tổng thống Donald Trump ra tối hậu thư cho ông Kim Jong-un - Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump ra tối hậu thư cho ông Kim Jong-un - Ảnh: Reuters

 

Vị chủ nhân Nhà Trắng cảnh cáo ông Kim Jong-un rằng sẽ “phải hối tiếc” vì những hành động thù địch vào lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ. Ông nói: “Tôi hy vọng họ sẽ hiểu đầy đủ sức nặng của điều tôi nói. Những lời này rất dễ hiểu”.

Tiếp đó, ông Trump ra tối hậu thư với chính ông Kim Jong-un: “Ông ta sẽ không ngừng những chuyện đang làm. Nếu ông ta đe dọa hay làm bất cứ điều gì với đảo Guam, hoặc bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ Mỹ và đồng minh của Mỹ, ông ta sẽ phải thật sự hối tiếc”.

Lãnh đạo Triều Tiên đã dọa phóng 4 tên lửa tầm trung Sao Hỏa-12 vào vùng biển quanh đảo Guam như một cách cảnh cáo nếu Mỹ tiếp tục cho máy bay ném bom hạng nặng B-1B cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo này.

Máy bay B-1B đã được cải tạo và không thể mang bom hạt nhân, nhưng Triều Tiên khẳng định chúng là “máy bay ném bom hạt nhân chiến lược”. Đây là một sự hiểu sai khiến Triều Tiên đưa ra những tuyên bố hung hăng.  

Adam Mount, một chuyên gia về Triều Tiên ở Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ, nói: “Mỹ nên suy nghĩ kỹ về việc cho phép B-1B bay. Lãnh đạo có thể quyết tâm thách thức mối đe dọa từ Triều Tiên, nhưng nên ra một quyết định có ý thức và áp dụng các biện pháp hạn chế những nguy hiểm của hành động này”.

Khi được hỏi về nguy cơ chiến tranh Mỹ - Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng ông chịu trách nhiệm chuẩn bị các phương án quân sự nếu cần thiết. Nhưng ông cũng cảnh báo chiến tranh sẽ là một thảm kịch lớn. Ngoài tên lửa và đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên còn hàng ngàn ụ pháo hạng nặng có thể bắn phá ồ ạt vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ông nói Mỹ vẫn nỗ lực ngoại giao để kéo giảm tình hình. 

Có thông tin chính phủ Mỹ đã nối lại kênh liên lạc với các nhà ngoại giao Triều Tiên tại LHQ. Theo hãng tin AP, Triều Tiên đã chấm dứt kênh liên lạc ở New York để phản đối việc bị cấm vận hồi năm 2016, nhưng năm nay kênh liên lạc được nối lại giữa Đặc sứ Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun với ông Pak Song-il, một nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên tại LHQ.

Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về thông tin này.

Từng có tin về những tiếp xúc ngoại giao về người Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên, nhưng thông tin của AP nói các cuộc đàm phán đề cập những vấn đề rộng hơn, dù các cuộc nói chuyện này chưa thể làm giảm những lời dọa nạt nhau giữa lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên.

Theo báo Guardian, dù Tổng thống Mỹ có những tuyên bố cứng rắn nhưng chưa có sự thay đổi nào của quân đội Mỹ tại Đông Bắc Á. Tình trạng báo động với lực lượng này cũng chưa có thay đổi.

Kế hoạch chuẩn bị chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên OPLAN 5027 của quân đội Mỹ là triển khai một nửa hải quân Mỹ và hơn 1.000 máy bay tại khu vực trong 90 ngày. Hơn 200.000 dân Mỹ cũng sẽ được sơ tán.

Mỹ có hơn 35.000 quân trú đóng ở Hàn Quốc và 40.000 quân ở Nhật Bản. Hai lực lượng này chưa được đặt trong tình trạng báo động cao hoặc tái triển khai trong những ngày qua.

Malcolm Nance, một cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ, nói không hề có dấu hiệu căng thẳng dâng cao tại các căn cứ Mỹ. Việc ông Trump nói quân đội Mỹ “đã khóa nòng, lên đạn” bị ông Nance gọi là “tuyên bố vô trách nhiệm của người điên”.

Dù vậy, một chiến dịch tập trận chung giữa lực lượng bộ binh, không quân, hải quân Mỹ - Hàn từ ngày 21.8 tới sẽ làm tình hình thêm căng thẳng.

Tác giả bài viết: Bảo Vĩnh (theo The Guardian)

Nguồn tin: Theo Một thế giới:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây