Tội ác ghê rợn trong đám cháy Mỹ Đình... (kỳ cuối)

Thứ hai - 02/11/2020 22:23
(TVLMP) - Điều tra viên Đào Trung Hiếu (Phòng PC45 Công an Hà Nội), người trực tiếp điều tra vụ án này đã có bài viết đề cập đến những thông tin ngoài hồ sơ vụ án, cho thấy góc khuất trong tâm lý người phạm tội và những nỗ lực của các điều tra viên cố gắng đi tìm lại phần thiện đã mất trong họ.
​​​​​​​
Bị cáo Nguyễn Thị Thuận trước vành móng ngựa
Bị cáo Nguyễn Thị Thuận trước vành móng ngựa

Kỳ cuối: Góc khuất trong tâm lý người phạm tội


Vụ cô em dâu thuê người phóng hỏa thiêu sống cả gia đình anh chồng làm chết cùng lúc 3 mạng người xảy ra cách đây đã hơn 3 năm. Tất cả những kẻ thủ ác đã phải đứng trước vành móng ngựa chịu sự trừng phạt của pháp luật...

1. Đã từng có nhiều ngày tháng, cô giáo Nguyễn Thị Thuận - kẻ chủ mưu trong vụ phóng hỏa thiêu sống cả nhà anh chồng, ngày 25/1/2008 tại Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, đối diện với tôi trong không gian giới hạn bởi 4 bức tường buồng cung Trại tạm giam Hỏa Lò.

Sau một năm kể từ khi xảy ra vụ án, ngoài 3 cái chết thương tâm và một hiện trường ngổn ngang trong bản ảnh khám nghiệm, còn lại đã bị xóa sạch bởi thời gian. Đi vào một chuyên án truy xét, mà đối thủ lại là người có học, có đủ khôn khéo để che giấu tội lỗi, lại được thời gian hỗ trợ, lại là con trong một gia đình thế lực... quả thực không phải là cuộc dạo chơi. Chúng tôi dư biết, nếu không có những chứng cứ sắc bén, không đời nào Thuận khai.

 

Tôi nhớ mãi câu nói của Thuận, khi đưa thị ra xe đặc chủng về số 7 Thiền Quang. Thuận dọa: "Danh dự của tôi lớn lắm các ông biết chứ?". Lúc ấy, tôi đáp khẽ: "Chúng tôi biết, nếu bắt oan chị cái giá sẽ thế nào!". Dân trong thôn Phú Mỹ lúc ấy đổ xô đến vây quanh xe, ném về thị những lời cay độc nhất, nhưng gương mặt Thuận vẫn giữ được vẻ thản nhiên.

Chẳng cần sắc sảo, cũng đoán được trong Thuận khi ấy là một niềm tin, rằng  gần một năm trôi qua, thảm án đã chẳng còn lại chút gì đủ sức bắt thị nói thật. Quả thực, khi "tình cờ" nhìn thấy Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp đi ngang qua cửa, ánh mắt Thuận thoáng có nét hoang mang, nhưng rồi trấn tĩnh lại rất nhanh. Hôm ấy, Thuận cười nói ráo hoảnh cho đến khi những tấm di ảnh của các nạn nhân được đặt lên bàn. Một cái nhìn quét qua rất nhanh rồi đảo sang chỗ khác, như tránh những cái nhìn trân trân từ di ảnh của gia đình người bị hại.

Những buổi làm việc tiếp theo, Thuận thực hiện "ba không" với hầu hết các câu hỏi nhạy cảm, có thể gây bất lợi cho mình. Không lạ, vì rằng tâm lý tội phạm nói chung là không làm gì để chống lại chính mình. Do đó, trong suốt quá trình đấu trí, tổ làm án đã phải căng đầu ra để có những lập luận sắc sảo, thuyết phục, sử dụng  thật tốt chứng cứ. Hơn cả là liệu pháp tâm lý khơi gợi, động viên... để phần người, phần vốn có trong  thị  trỗi dậy, vì như thế mới bảo đảm được thành quả điều tra.

Những nỗ lực của tổ làm án cuối cùng đã được trả công. Câu nói cuối buổi chiều ấy của Thuận là: "Cho tôi gặp bố". Nguyện vọng của thị được đáp ứng. Ông C. đã khuyên con gái: " Nếu con trót làm thì con phải nhận tội, nếu không làm, không được nhận". Thuận xin lỗi bố mẹ và ủy quyền giải quyết việc tài sản, đất đai. Xong xuôi, Thuận cắm cúi viết ra bản tường trình đầu tiên về tội lỗi của mình.                   

P2

                           Điều tra viên, tác giả bài viết Đào Trung Hiếu

Những ngày sau trong trại tạm giam, Thuận trở lại cái vẻ hiền hiền của một cô giáo. Cũng từ lúc này, tôi tranh thủ thời gian liên tục làm việc với các bị can và có những cảm nhận về tâm lý của từng thân phận trong cuộc.

Ngày đầu tiên vào tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, Thuận cười như mếu. Lúc đó, có một cái gì đó như là xót xa, ái ngại cho thị thoáng vụt qua. Dẫu gì thì hiện hữu trước mặt tôi vẫn là một người đàn bà nhỏ bé trong chốn lao tù. Số phận Thuận hẳn là nghiệt ngã lắm thì mới gặp chúng tôi ở đây. Thuận gầy hơn trong bộ quần áo sọc rộng, quầng mắt sâu bên dưới mái tóc bù xù, trĩu nặng nỗi ưu tư xen lẫn sợ hãi. Buổi sau, tôi cho thị mượn cái lược bé. Thuận ung dung chải đầu... như ở nhà. Vì dù có thế nào, thị vẫn là đàn bà, và việc làm đẹp trước đàn ông giống như việc chúng tôi đốt thuốc mỗi ngày.

Những buổi cung tiếp theo, sau khi viết xong bản tường trình và biên bản hỏi cung, chúng tôi có chút thời gian để trò chuyện. Tôi cũng rất muốn tìm hiểu điều sâu xa nào đã dẫn Thuận vào đây. Diễn biến hành vi phạm tội cũng đã rõ, điều khó hiểu là căn cớ nào đã đẩy một cô giáo đi đến hành động tội ác như vậy?.

Giống như mọi người có lỗi khi không còn lý do chối tội, phải thừa nhận, đều chọn phương án ít thiệt hại nhất cho mình, Thuận cũng với tâm lý đó. Rất có thể dưới mái tóc rối và nụ cười như mếu khi gặp tôi, còn có nhiều uẩn khúc sâu thẳm thuộc về nội tâm, mà thị không dại gì "chia sẻ" ra với điều tra viên. Một hôm, nhân nói về tình yêu ngoài hôn nhân, bất chợt tôi hỏi về một người đàn ông tên S... vốn học cùng lớp đại học tại chức kinh tế với Thuận.

Thoáng chút ngạc nhiên, bối rối rồi Thuận nói: "Sau cánh cửa ai chẳng giống ai mà anh". Một chút gì đó giống như sự lọc lõi tràn ra từ câu nói ấy. Rồi nét mặt Thuận đanh lại, khi nhắc về Y. - một người Thuận nghi ngờ có quan hệ với chồng mình, nói như để biện minh cho việc: "Vì ông ăn chả nên bà xơi nem". Dẫu chưa chạm được vào chi tiết, vì Thuận thường lảng tránh các câu chuyện có thể bất lợi, nhưng tôi đã có cảm giác hàm lượng máu Hoạn Thư chắc đã dâng cao trong Thuận, khi nhờ hai "trợ lý" phóng hỏa đốt nhà anh Hưng.

Để Thuận thoải mái trong các buổi đi cung, tôi hay gợi chuyện trường lớp, chuyện dạy và học tiếng Anh... ra để Thuận nói. Mắt Thuận lúc đó sáng lên, say sưa kể về việc dạy học, về những trò nghịch quái quỷ của đám học trò... Qua câu chuyện, tôi hình dung Thuận là người gắn bó với công việc. Điều tra tại nhà trường được biết kết quả dạy học của Thuận nhiều năm đạt khá. Nếu không có sự cố "đáng tiếc" này, có lẽ tương lai của Thuận sẽ khá. Có một hôm, tôi dốc vốn tiếng Anh hồi còn làm gia sư để hỏi thị: "Honesty is the best policy" - Em dịch câu này thế nào?", Thuận bật ra ngay: "Thật thà là phương pháp tốt nhất". Nói xong, chợt thấy ngường ngượng, Thuận nhìn tôi rồi cúi xuống, vân vê tà áo sọc, cười cười.

Tôi rất không đồng ý cách mô tả những người phạm tội đều như quỷ dữ. Đành rằng họ có thể rất dã man, tàn bạo trong một thời điểm nào đó. Song sau phút làm quỷ, thì phần người vốn có trong bất kỳ ai cũng sẽ làm họ dằn vặt, không nhiều thì ít. Pháp luật đâu chỉ có trừng trị, thiên chức lớn nhất của nó là giáo dục. Nghe có vẻ giáo điều, nhưng thực lòng tôi nghĩ vậy. Tôi cũng có niềm tin rồi lẽ phải, điều thiện trong sâu thẳm mỗi người phạm tội, nếu biết khơi gợi đúng cách, sẽ trỗi dậy, làm thay đổi nhận thức của họ.

Chính vì thế mà có lúc, nếu không vì bộ quần áo sọc Thuận mặc trên người, cảm giác thị phạm trọng tội trong tôi thật nhạt nhòa.

Bản thân Thuận chắc cũng cảm nhận được tình người giữa chốn lao tù. Nên hôm trước mặt các luật sư bào chữa, Thuận đã khai quá trình làm việc với chúng tôi rất thoải mái, dễ chịu. Thậm chí có một lần, vì bận đánh án nên sau một tuần tôi mới vào hỏi Thuận. Thị nhìn thẳng vào tôi, nói: "Em thấy nhớ anh!". Tôi sững người, cảnh giác rồi nghiêm mặt hỏi: "Là ý gì vậy?". Thuận vội giải thích: "Nhớ  vì anh là cầu nối duy nhất của em với thế giới bên ngoài lúc này, nhớ như với một người bạn!”. Tôi thở phào. Nói gì thì nói, thị vẫn đại diện cho đàn bà, còn tôi đại diện cho đàn ông của cả thế giới, trong căn buồng cung chật chội ấy...

Những tháng ngày buồn, nhưng tôi chắc là yên bình trong tâm hồn Thuận sau cú sốc bị bắt giữ. Tôi tin, cách hành xử của chúng tôi đã khiến Thuận nhìn thấy từ tâm can tội lỗi của mình, với sự dằn vặt. Có lẽ vì điều này mà gần 2 năm sau, ở cơ quan tố tụng trong quân đội, Thuận thành khẩn khai nhận tội lỗi.

Tuy nhiên, trong hai phiên tòa, tôi đã thấy một Thuận khác hẳn, thị nhem nhẻm cãi, vu cho cơ quan điều tra bức cung. Rồi nghe những lời thị khai rằng biết cả nhà anh chồng bị cháy chết người, nhưng cũng không ra xem xét như dân làng, vì đằng nào cũng cháy rồi. Tôi buồn vì cái độc ác, ích kỷ trong thị lúc này đang trỗi dậy, che lấp phần lương tri con người mà những người làm án đã dày công vun bồi trong thị?

2. Hoàng Hải Tiệp, kẻ thực hiện âm mưu đốt nhà do Thuận sắp đặt, gia cảnh thật éo le. Bố Tiệp đã bỏ hai mẹ con, đi biệt xứ theo người đàn bà khác từ khi Tiệp còn ẵm ngửa. Nghe đâu giờ cũng đã có cả đàn con với vợ hai, nên bao năm qua ông này chẳng đoái hoài gì đến mẹ con Tiệp. Từ khi ly hôn, bà N... tần tảo nuôi con bằng nghề quét vôi thuê. Thương mẹ, Tiệp ngoan ngoãn, vâng lời. Tuy lực học chẳng bằng ai, nhưng được cái lành tính, ít nói.

Là người thiểu số (dân tộc Tày), bản chất thật thà nên những năm đi học, Tiệp chưa có bất kỳ "vết đen" nào trong học bạ. Hết phổ thông, Tiệp theo mẹ làm thuê một thời gian rồi nộp hồ sơ xin xét tuyển vào Khoa Chế biến thực phẩm - Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội. Quá trình học nghề, để có tiền ăn học, vừa thêm thắt đỡ mẹ, Tiệp xin đi làm phụ bếp ở nhiều nhà hàng. Công việc bếp núc kiêm chạy bàn vất vả, thường khi đêm xuống Tiệp mới trở về chỗ trọ. Tích cóp từng đồng, rồi Tiệp cũng có vài triệu gửi về nhờ mẹ mua cho chiếc xe máy Tàu lấy cái đi lại. Khi làm ở một nhà hàng trên đường Kim Mã, Tiệp đã yêu một cô bé chạy bàn. Hai đứa đã về ra mắt trong nỗi hân hoan của bà N...

Đêm đó khi vừa từ công trường trở về, bà N... đón nhóm điều tra viên chúng tôi trong ánh đèn dầu tù mù. Nụ cười tự hào, mãn nguyện về con, rạng lên trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ ấy, khiến anh em ái ngại, thoáng có chút gì xót xa. Giá như, bà biết ở đất khách quê người, con bà đã liên quan đến một tội ác ghê rợn và bà biết mục đích thực của cuộc gặp đường đột ấy. Sau này, có lần tôi kể cho Tiệp nghe về nụ cười ấy, Tiệp đã ôm mặt khóc rưng rức. Khi những người khách nói "lan man" sang chuyện sinh viên thuê nhà trọ đắt đỏ, bà N... nhanh nhảu khoe chuyện cu Tiệp mấy tháng trước được chị Thuận ở Mỹ Đình cho ở nhờ không lấy tiền!

7 giờ sáng hôm ấy, khi Tiệp bị triệu tập tới cơ quan công an làm việc, suốt đoạn đường về nhà số 7 Thiền Quang, Tiệp câm lặng.

Một cốc nước, bao thuốc lá và cái bánh mỳ được đặt lên bàn trước mặt Tiệp. Một câu hỏi buông ra trước khi cửa phòng khép lại: "Từ khi về Hà Nội, cháu có làm điều gì sai không?". Một mình trong căn phòng vắng, Tiệp đốt thuốc liên tục và ôm đầu ngẫm ngợi. Giờ nghỉ trưa, cán bộ mang cơm đến tận nơi cho Tiệp ăn rồi lặng lẽ dọn đi. Đến 15 giờ, một điều tra viên bước vào, hỏi Tiệp về quá trình ăn ở, sinh hoạt, học tập tại Hà Nội. Tiệp khai với giọng run run rồi câm lặng trước câu hỏi lặp đi lặp lại: "Có sai phạm gì?". Hồi lâu, Tiệp cất lời đầu tiên: "Gần một năm nay cháu sống trong sợ hãi, cháu biết có ngày này, cháu có tội!". Với những người đã bỏ ăn, bỏ ngủ, lặn lội bao tháng ngày để tìm câu trả lời cho cái chết của 3 người dân vô tội, thì đây là thời khắc thiêng liêng nhất, khi cái ác phải hiện nguyên hình do những nỗ lực vô bờ bến của họ.

Sau câu nói ấy, Tiệp cắm cúi viết bản tự khai đầu tiên, chân tướng tội ác dần dần bộc lộ. Từ chuyện Tiệp đến thăm Bùi Tiến Hà, lúc đó đang trông  coi công trình xây dựng cho nhà Thuận, sát nhà anh Hưng, việc Thuận nhờ Hà, Tiệp mua xăng đổ ở cửa nhà anh Hưng đốt để dằn mặt, đến việc Tiệp cùng Hà đổ xăng vào nhà anh Hưng rồi bật diêm đốt, gây lên đám cháy thiêu sống cả một gia đình...

Trong gần hai năm, lời khai của Tiệp thủy chung như nhất. Tiệp luôn thừa nhận tội lỗi, kể cả khi có mặt luật sư bào chữa, đồng thời tố giác đồng bọn. Mong muốn duy nhất của Tiệp là được khoan hồng để có cơ hội trở về với mẹ.

Thời gian làm việc với Tiệp trong trại tạm giam, tôi luôn có cảm giác ái ngại và tiếc cho anh ta, chỉ vì một chút lợi lộc cỏn con, đã bán rẻ lương tâm, bán rẻ niềm hy vọng, trông cậy của mẹ già nơi quê nhà. Bị giam chừng một tháng, sau khi biết tôi là đồng hương, lần nào đi cung Tiệp cũng sụt sùi, mắt đỏ hoe vì thương nhớ mẹ. Giữa chốn trại giam, tường đá xám xịt, tình yêu dành cho mẹ trong Tiệp, sẽ là nguồn để khơi gợi, động viên, đánh thức lương tri vốn có của anh ta.

Có hôm cung xong, Tiệp xin tôi tờ giấy, cây bút rồi hý hoáy viết. Tưởng gì, té ra cậu chàng làm thơ tặng mẹ, nhờ tôi có dịp về quê đưa hộ. Có hôm thì Tiệp viết thư cho H... cô bé chạy bàn ở quán nọ, cũng vẫn với "giai điệu" nhớ thương sướt mướt. Toát lên từ những con chữ loằng ngoằng ấy, tôi khẳng định tình thương mẹ, nỗi ăn năn, sám hối vì đã để mẹ buồn khổ, lo nghĩ  trong Tiệp là thật.

Những tháng ngày ấy, Tiệp hiện rõ là một anh chàng trót dại do xuẩn ngốc, ngắn nghĩ. Tôi tin nếu không dính vào tội ác này, Tiệp sẽ trưởng thành, cuộc đời sẽ theo quỹ đạo mà mẹ Tiệp mong đợi. Bởi vì, xưa nay những người con có hiếu thường thành công ở đời, trong lĩnh vực mà họ tham gia.

Tác giả bài viết: Theo Đào Trung Hiếu (ANTG)

Tổng số điểm của bài viết là: 38 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 3.2 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây