Luật sư nói gì về vụ nhắn tin đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng?

Thứ hai - 21/08/2017 22:17
(Phapluat News) - Trước đó,.ông Đào Tấn Cường đã có hành vi sử dụng điện thoại nhắn tin với nhiều nội dung đe dọa Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Luật sư nói gì về vụ nhắn tin đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45 - Bộ Công an) cho biết C45 đã di lý nghi can Đào Tấn Cường - người nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Cục C45 đã thực hiện lệnh bắt ông Đào Tấn Cường (trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng để điều tra về hành vi đe dọa giết người. Ông Đào Tấn Cường là anh trai của Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng.

 

luat su noi gi ve toi danh cua ke nhan tin de doa chu tich da nang hinh 1
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. (Ảnh: Tiền Phong)

Thông tin ban đầu cho biết, ông Đào Tấn Cường đã có hành vi sử dụng điện thoại nhắn tin với nhiều nội dung đe dọa gửi tới số điện thoại cá nhân của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Như – Gia Phát (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi sử dụng tin nhắn đe dọa giết người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng yếu tố cơ bản nhất để xử lý người có hành vi này vi phạm vào quy định nào của Bộ luật Hình sự thì phải có căn cứ để xác định: Việc đe dọa giết người có thể trở thành hiện thực. Đây là yếu tố cơ sở để định tội.

Tuy nhiên, để xác định chính xác về tội danh thì trách nhiệm thuộc về cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích của hành vi đe dọa giết người.

Theo đó, trường hợp đe dọa giết người do mâu thuẫn, thù hằn cá nhân và có căn cứ cho rằng người nhắn tin đe dọa sẽ hành động thì hành vi này cấu thành tội “Đe dọa giết người”. Tội danh và hình phạt quy định tại điều 103 Bộ luật Hình sự năm 1999, với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Trường hợp đe dọa giết người nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản sẽ cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trường hợp đe dọa giết người có chức vụ quyền hạn trong chính quyền nhân dân nhằm mục đích chống chính quyền sẽ cấu thành tội “Khủng bố” theo quy định tại điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trường hợp việc nhắn tin không mang tính đe dọa giết người hoặc không có căn cứ để xác định người nhắn tin sẽ hành động giết người hoặc không chứng minh được mục đích đe dọa thì không coi là tội phạm. Người nhắn tin có thể bị chế tài hành chính như cảnh cáo, phạt hành chính, cấm sử dụng mạng viễn thông…

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết, đối với tội danh “Đe dọa giết người” theo điều 103 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì không phân biệt bị hại là công dân hay công chức nhà nước, do vậy việc định tội không thay đổi về nguyên tắc. Tuy nhiên, có thay đổi về định khung hình phạt vì tiết b khoản 2 Điều 103 xác định tăng nặng hình phạt khi hành vi đe dọa giết người: đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm nếu có một trong những tình tiết tăng nặng như trên.

Nếu rơi vào trường hợp nhận được tin nhắn đe dọa giết người, luật sư Hùng khuyến cáo bị hại cần tự mình rà soát thông tin có liên quan để đánh giá một phần động cơ, mục đích, mối quan hệ của người nhắn tin. Chủ động liên hệ để làm rõ mâu thuẫn trong tình trạng có sự hiểu lầm từ phía người nhắn tin. Người nhận tin nhắn cần làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của kẻ đe dọa kèm theo chứng cứ tới cơ quan điều tra công an quận, huyện để được giải quyết./.

Nguồn tin: Đức Minh/VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây