210 ngày tại Nhà Trắng của Steve Bannon – giám đốc chiến dịch tranh cử, đồng thời là chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump - diễn biến tương tự bộ phim "Trò chơi vương quyền" chiếu trên HBO. Việc ông ta đột ngột bị sa thải thậm chí còn kịch tính hơn, hệt như phần 3 của "Chiến tranh giữa các vì sao: Sự trả thù của người Sith".
Bannon miễn cưỡng được coi là người đã có công giúp ông Trump đánh bại ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bằng những tư tưởng dân túy, cực hữu vốn được lòng nhiều cử tri không có tư cách bầu cử.
Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, các đề xuất chính sách của Bannon đã vấp phải "sự kháng cự" chưa từng thấy, không chỉ từ những nhân vật cấp tiến cánh tả mà còn từ "bộ phận quyền lực" của Đảng Cộng hòa ở Quốc hội và giới kinh doanh, chưa kể tới những chia rẽ nghiêm trọng trong đội ngũ Nhà Trắng, Nội các và toàn bộ hệ thống chính quyền liên bang, cùng 60% dân chúng Mỹ.
Ngay cả đồng sự cũ, Matt Drudge, người quản lý trang web bảo thủ có sức ảnh hưởng đáng gờm "Drudge Report", cũng quay lưng lại với ông ta.
Dù bị sa thải hay từ nhiệm, Bannon cũng ra đi với một quyết tâm: Châm ngòi cho một cuộc chiến truyền thông rúng động, không chỉ nhằm vào những người đã phản đối ông ta ở cánh tả, mà cả những nghị sĩ Cộng hòa từng cản đường chính sách, và cả chính ông Trump nếu ông Trump không thực hiện những cam kết từng đưa ra khi còn tranh cử - những cam kết được định hình theo lập trường dân túy của Bannon.
Steve Bannon là một trong những thế lực hàng đầu thúc đẩy tư tưởng cực hữu trên mạng truyền thông xã hội. Chiến dịch tranh cử của Trump đã được Bannon tạo ra từ phiên bản "mềm mại hơn" của những tư tưởng này. Ông ta còn khéo léo sử dụng mạng xã hội để né tránh làn sóng phản đối gay gắt từ truyền thông chính thống.
Tiếc thay cho những ngôi trường mà Bannon từng theo học, ông ta sở hữu một tấm bằng thạc sĩ nghiên cứu an ninh quốc gia của đại học Georgetown và một tấm bằng thạc sĩ kinh tế của đại học kinh tế Harvard - hai ngôi trường danh giá, có tiếng khuyến khích chủ nghĩa tự do.
Bannon từng lên tới chức Phó chủ tịch ngân hàng đầu tư phố Wall Goldman Sachs, một trong những cơ quan tài chính quyền lực nhất nước Mỹ. Thế rồi ông ta rời Goldman để tới Hollywood sản xuất phim tài liệu về những chủ đề mà phe bảo thủ quan tâm, ví dụ như: Sự nghiệp của Ronald Reagan...
Kinh nghiệm học tập và làm việc ở những cơ quan ưu tú, nổi trội ấy đã khiến Bannon nảy sinh lòng căm ghét cùng cực đối với "giới quyền lực" mà ông ta nỗ lực suốt đời để hủy hoại. Thay vào đó, Bannon ủng hộ chủ nghĩa dân túy - quan tâm tới dân thường (ND: Trào lưu tư tưởng tự coi mình đứng về phía dân thường) - của phe cực hữu, hay còn được gọi là "Cánh hữu khác" (Alt-right).
Bannon đã góp phần gây dựng Breitbart News, một trang mạng trực tuyến chuyên sản xuất các nội dung theo tư tưởng Alt-right nhằm chống lại phe tự do, phe cấp tiến, phe xã hội và phe dân chủ hay bất cứ ai không theo quan điểm này.
Trang mạng này có cả các phòng chat, diễn đàn và là nơi chia sẻ nội dung của các nhóm cực đoan, gồm cả những nhóm ủng hộ chủ nghĩa quốc xã mới, đảng 3K (Klu Klux Klan) và những đối tượng ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng. Nổi trội hơn cả là những thành phần phản đối giới uy quyền và những người có quan điểm dân tộc.
Bannon bị phe dân chủ, phe cấp tiến và các nhà hoạt động cực tả gắn cho cái mác "phát xít và phân biệt chủng tộc", đa phần là vì ông ta dính líu tới Breitbart và từng phát ngôn kiểu như: Breitbart là nền móng cho phe Alt-right. Bannon tự nhận mình là "người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế", chứ không phải "người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng". Chỗ thì là "tin vịt", chỗ lại không. Ai mà biết được?
Mỉa mai thay, các chính sách của ông ta lại không cực đoan.
Bannon ủng hộ việc đánh thuế giới giàu có và giảm mức độ ảnh hưởng của Phố Wall, cũng như các tập đoàn lớn. Ông ta ủng hộ Israel. Ông ta muốn giới hạn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Ông ta muốn quan hệ thương mại có lợi hơn cho người lao động Mỹ. Và ông ta muốn rút quân khỏi những cuộc chiến không cần thiết ở nước ngoài.
Steve Bannon là một nhà dân tộc chủ nghĩa và theo đuổi chủ nghĩa biệt lập.
Vừa bước chân vào Nhà Trắng, Bannon đã lập tức tập hợp một nhóm những người ủng hộ quan điểm của ông ta và bắt tay thực thi những vấn đề Trump từng đề cập khi tranh cử. Nỗ lực đó là một thảm họa!
Ở cương vị của một "chiến lược gia trưởng", Bannon hoàn toàn thiếu hiểu biết về cách thức lãnh đạo. Ông ta còn thất bại khi tìm cách định vị những trung tâm quyền lực đang đối chọi trong Nhà Trắng, Quốc hội và hệ thống chính quyền.
Buồn cười ở chỗ, Bannon yêu cầu các nhân sự chủ chốt của mình đọc cuốn "The Best and the Brightest" của David Halbertstam. Cuốn sách nói về những cố vấn cấp cao của Tổng thống John Kennedy, những người hầu hết đều theo học Harvard nhưng lại thiếu kiến thức về chính phủ và chính sách, dẫn tới những hậu quả khủng khiếp cho Mỹ và Việt Nam.
Lấy "sắc lệnh hành pháp cấm người Hồi giáo" làm ví dụ.
Sắc lệnh gây tranh cãi đã khiến dân Mỹ phải xuống đường và tụ tập ở các sân bay để biểu tình phản đối. Ảnh: EPA
Tổng thống Trump muốn ban hành một lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân từ 7 quốc gia Trung Đông. Bannon đã bí mật thảo ra sắc lệnh mà không tham khảo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa - những cơ quan có trách nhiệm thực thi kế hoạch.
Ông ta cũng không để cho giới lãnh đạo của Đảng Cộng hòa ở Quốc hội biết rằng sắc lệnh này sắp được ban bố. Ông ta đã tham vấn những chuyên gia pháp lý tại Bộ Tư pháp nhưng họ đâu có đủ chuyên môn cần thiết.
Lệnh cấm chỉ được thông báo trước khi ban hành một ngày, cho những nhân sự chính phủ có trách nhiệm thực thi nhưng họ lại không được hướng dẫn cách thực hiện. Kết quả là hàng chục nghìn khách lữ hành tới Mỹ đều gặp rắc rối tại các sân bay trên khắp thế giới. Và trong cơn khốn đốn hậu vụ việc, các tòa án liên bang phát hiện thấy đây là một sắc lệnh vi hiến, liền ra tay ngăn chặn nó.
Bannon tiếp tục va vấp, gây ra hết thảm họa chính sách này tới thảm họa chính sách khác - cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe là một ví dụ. "Kịch tính nơi quyền lực tối cao" bị đẩy tới mức độ chưa từng thấy.
Khi bổ sung nhân sự vào Nhà Trắng, Trump đã tuyển những người hoàn toàn đối lập với tư tưởng cực tả của Bannon, có quan điểm trái ngược về vấn đề chính sách, và bản thân họ cũng không ưa ông ta.
Chẳng hạn như vấn đề an ninh quốc gia. Bannon đã đưa một số thân tín vào Hội đồng An ninh Quốc gia. Bản thân ông ta cũng có một chỗ trong hàng ngũ lãnh đạo của cơ quan này.
Bannon muốn những nhà hoạch định chính sách coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ về mặt quân sự lẫn kinh tế và đối đầu trực diện với nó. Bannon muốn tái khởi động chủ trương xoay trục sang châu Á vốn đã thất bại của chính quyền Obama. Bannon muốn tái đàm phán tất cả những thỏa thuận thương mại cho tới các lợi ích khác của Mỹ.
Ông Trump đã đưa tướng về hưu H.R. McMaster lên làm người đứng đầu NSC. Ông McMaster đã sa thải một số nhân vật cấp cao mà Bannon bổ nhiệm và thậm chí còn đẩy Bannon rời khỏi vị trí lãnh đạo của hội đồng.
Sự tình càng tệ hơn cho Bannon khi Jared Kushner, con rể ông Trump, đồng thời là cố vấn cấp cao, và Ivanka Trump, con gái ông Trump, vợ của Kushner, bắt đầu khiến Bannon yếu thế trước Trump, cũng như những nhân sự còn lại của Nhà Trắng.
Chuyện này đã dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực, khi Bannon bị cáo buộc làm rò rỉ thông tin tiêu cực về McMaster, Kushner, Ivanka và thậm chí cả ông Trump cho truyền thông chính thống.
Có thể ông ta cũng đã chỉ đạo, cho đăng những thông tin tiêu cực trên Breitbart News. Dường như những đối thủ mới của Bannon phải tự mình xử lý thông tin bị rò rỉ.
Và Nhà Trắng của Trump nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông Trump không thể kiểm soát nhân sự của mình, quản lý truyền thông và thông điệp của bản thân, cũng không thể duy trì phẩm giá cũng như tính chính thống của cương vị tổng thống.
Trước khi Bannon ra đi, Anthony Scaramucci (giám đốc truyền thông trong 2 tuần), Michael Dubke (giám đốc truyền thông), Sean Spicer (thư ký báo chí) và Reince Priebus (Chánh văn phòng) đều bị sa thải.
Tổng thống Trump còn khiến tình hình tệ hơn.
Ông mạt sát nhân viên của mình trong các diễn đàn công khai và trên báo chí, chỉ trích họ lúc gặp riêng và đăng tải các bình luận đầy vẻ coi thường lên Twitter. Ông hiếm khi bảo vệ nhân viên, luôn đổ lỗi cho họ về hành động của mình và phớt lờ trước tình trạng rối ren...
Có thể lấy ví dụ từ phản ứng của Trump trước cuốn sách "Devil's Bargain" về Bannon và Trump. Tác giả của cuốn sách, Josh Green, đã mô tả Bannon như người đứng sau giật dây cho chiến dịch tranh cử. Trump đã lớn tiếng rằng: Phải tới tháng 8/2016, hai tháng trước khi kỳ bầu cử diễn ra, Bannon mới tham gia, vì vậy ông ta không đáng được đánh giá cao như vậy.
Trước đó, vào tháng 2, Bannon xuất hiện trên bìa tạp chí Time với bài viết "Kẻ thao túng vĩ đại". Có vẻ chính Bannon đã tự đào mồ chôn mình.
Trong "A Team of Rivals", Doris Goodwin đã viết về nội các thời kỳ nội chiến của Tổng thống Abraham Lincoln (1860-1865). Những thành viên trong cơ quan này được lựa chọn bởi họ đại diện cho những quan điểm khác nhau. Còn với ông Trump, có vẻ Nhà Trắng chỉ như một "sới chọi gà", nơi gà chọi được thả và mặc sức đánh nhau đến mức một mất một còn.
Mới đây, Tổng thống Mỹ đã bổ nhiệm tướng về hưu John Kelly vào vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng để giải quyết tình trạng rối ren. Chỉ trong vài ngày đầu tiên, có vẻ chính ông Kelly là người đã sa thải Bannon. Có lẽ ông ta cũng không có lựa chọn nào khác: Trump không thể sa thải Kushner hay Ivanka.
Về phần mình, Bannon tuyên bố, ông ta đã bí mật từ chức từ 2 tuần trước đó.
Thời báo New York đưa tin, Bannon rất mừng vì Kelly có thể sẽ ngăn Ivanka lao vào phòng của ông Trump bất cứ khi nào cô này muốn khóc lóc hay phàn nàn.
Sự trả thù của Bannon đã bắt đầu.
Bannon ra đi hôm 18/8, không kèn không trống, và lập tức bắt tay vào làm việc ở Breitbart. Ngay trước khi rời đi, Bannon đã trả lời phỏng vấn cho "American Prospect", một tạp chí cực tả. Trong cuộc phỏng vấn, ông ta đã nói sơ qua lập trường mà mình sẽ thể hiện trong thời kỳ hậu-Nhà Trắng.
Bannon chỉ trích nhân sự Nhà Trắng và Trump. Ông ta khẳng định rằng, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump mà ông ta ra sức vận động đã đi đến hồi kết. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nói dỗi người dân. Và bản thân ông Trump thì thiếu kỹ năng chính trị để xử lý mọi việc chu toàn.
Trong cuộc phỏng vấn, Bannon định tuyên chiến với cánh tả, đặc biệt là những nghị sĩ Cộng hòa từng cản bước ông ta. Ông ta cảnh báo rằng, mình không chống lại Tổng thống Mỹ nhưng Tổng thống sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xao nhãng trước những lời hứa hẹn khi tranh cử.
Trên Telegraph, Bannon đã tuyên bố rằng, khi ra đi ông ta sẽ chĩa mũi dùi vào "các nghị sĩ Dân chủ ở Cánh Tây", đặc biệt là những kẻ thù không đội trời chung - Kushner và Ivanka - những người chuộng các chính sách tự do, cấp tiến hơn là dân túy.
Sau khi Bannon rời Breitbart vào 11/2016, trang mạng này bắt đầu tuột dốc thảm hại, mất đi gần nửa lượng độc giả. Bannon sẽ phải vực nó dậy nếu muốn những lời đe dọa của mình có trọng lượng. Howard Kurz, người dẫn chương trình "Media Buzz" của FoxNews tin rằng Bannon dự tính biến Breitbart thành vũ khí của mình.
Tuy nhiên, Bannon lại ấp ủ những kế hoạch lớn lao hơn. Ông ta định liên kết với Robert Mercer để tạo ra một mạng lưới bảo thủ mới đối trọng với FoxNews - hiện đang thuộc quyền sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdock.
Có vẻ Bannon bắt tay với Sinclair Media (ND: Tập đoàn truyền thông của gia đình Julian Sinclair Smith, hiện được coi là một trong những nhà khai thác truyền hình lớn nhất của Mỹ) cũng để nhằm phục vụ cho mục đích này.
Một số học giả cho rằng, nếu thiếu Bannon, lập trường chính sách của ông Trump sẽ gặp rắc rối. Nhưng thực ra, có ông ta hay không thì vấn đề vẫn tồn tại.
Các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội đang chia rẽ và không quan tâm tới việc thông qua sắc lệnh của ông Trump. Phe Dân chủ thì lại ngăn chặn những chính sách này một cách hiệu quả. Phần lớn hệ thống chính quyền đều phản đối Trump và đặt ra những rào cản đáng ngại trước những mục tiêu của ông. Rò rỉ tin tức, không chịu phục tùng, kiện tụng và kháng cự là chuyện bình thường.
Các phiên tòa liên bang với đội ngũ do ông Obama bổ nhiệm kiên quyết cản bước Trump. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ và chiến dịch tranh cử của mình thì bị điều tra về cáo buộc Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử, khiến Clinton bị đánh bại - một vấn đề hoàn toàn có thể khiến Trump bị bãi nhiệm.
Các thành phần cánh tả đã tổ chức một làn sóng kháng cự đầy hiệu quả với bạo động và biểu tình tập thể. Còn truyền thông chính thống thì nhất loạt chống lại Trump. Về cơ bản, ông đang bị cô lập.
Các chiến dịch của Nhà Trắng có thể cải thiện mà không có mặt Bannon, cũng như những người ủng hộ ông ta. Chánh văn phòng John Kelly chắc chắn sẽ đình chỉ những nhân sự đáng ngại.
Vậy là còn lại hai vấn đề. Lập trường của Trump sẽ bị những thành phần còn lại trong hệ thống phớt lờ bởi khác biệt về quan điểm giữa hai bên. Và Trump sẽ dao động tới mức ông tháo tung một bộ máy Nhà Trắng đang hoạt động trơn tru.
Tình thế có vẻ không khả quan cho lắm!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn