Ngày 26.12.1991 là ngày đầu tiên người dân thế giới dùng từ “Liên Xô cũ” để gọi tên Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết - 1 trong 5 cường quốc vĩ đại nhất mọi thời đại, theo Tạp chí The National Interest của Mỹ - một ngày sau khi nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô và cũng chính thức kết thúc sự tồn tại của nhà nước Xô viết.
The New York Times ngày 25.12.1991 đã cho biết, lúc 7 giờ 32 phút tối hôm đó, chứng kiến cảnh quốc kỳ Liên Xô trên Quảng trường Đỏ bị hạ xuống, một người đàn ông Nga đã nói với những người nước ngoài rằng “đừng vội cười vào di sản của Lênin”, rằng nước Nga sẽ tái sinh – Liên Xô sẽ tái sinh. Trong khoảnh khắc đặc biệt ấy, lời nói của người đàn ông đó bị xem như lời của một gã say rượu.
Tuy nhiên, đến nay sau khi Liên Xô biến mất tròn 1/4 thế kỷ, với những gì đang diễn ra trên thế giới và tại nước Nga thời hậu Xô viết thì “lời của gã say rượu” năm nào dường như đang trở thành hiện thực. Tại sao lại đưa ra nhận định như vậy?
Liên Xô ran rã chỉ là kết quả của một cuộc khủng hoảng lịch sử
Sau khi Liên Xô tan rã đã có rất nhiều nhận định cho rằng sự ra đời và tồn tại của chế độ Xô viết là một sai lầm của lịch sử, do vậy sự tan rã của nhà nước Xô viết là tất yếu – là sự khắc phục sai lầm của lịch sử. Tuy nhiên, quan điểm này ngày càng bị phủ định bởi thực tế và quan điểm cho rằng Liên Xô tan rã chỉ là kết quả của một cuộc khủng hoảng lịch sử ngày càng được củng cố.
Thực ra, ngay trước khi nhà nước Xô viết tan rã thì việc nhìn nhận sự khủng hoảng tại Liên Xô là thể hiện của một cuộc khủng hoảng lịch sử đã được nhiều người khẳng định, trong số đó có ông Zbigniew Brzezinski, nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới chính quyền của cựu Tổng thống Jimmy Carter.
Nhà chính trị Mỹ cho biết: “Theo tôi, cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Liên Xô không phải là một cuộc khủng hoảng chuyển đổi mà là một cuộc khủng hoảng lịch sử. Khủng hoảng của Liên Xô có thể giống như khủng hoảng của Đế chế Ottoman. Đó là cuộc khủng hoảng trì trệ, suy yếu dần, mất tinh thần, phân rã và có nguy cơ nổ ra bạo lực”.
Khi Liên Xô tan rã chỉ là kết quả cuộc một cuộc khủng hoảng lịch sử thì ngay trong nguyên nhân tan rã đã có lý do cho nó tái sinh, ngay khi Liên Xô sụp đổ thì cũng là lúc phôi thai sự hồi sinh của chế độ Xô viết. Bởi lẽ sau bất cứ một cuộc khủng hoảng nào, dù là khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng chính trị, thì việc khắc phục hậu quả của nó luôn tạo ra lực hút hướng tâm với mọi nguồn lực xã hội.
Và khi tiến hành khắc phục hậu quả của một cuộc khủng hoảng thì lịch sử cũng đồng thời làm hồi sinh, tái sinh giá trị tiến bộ đã bị vùi lấp trong cuộc khủng hoảng đó. Do vậy, có thể nhà nước Xô viết hồi sinh không phải với tư cách là một cường quốc mang tên Liên Xô ngày nào, song những gì được xem là có giá trị với nền văn minh nhân loại thì chắc chắn sẽ được khôi phục và vận dụng để thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Ngày 18.3.2014 khi tuyên bố xác lập chủ quyền của nước Nga với bán đảo Crimea, Tổng thống Putin đã miêu tả sự tan rã của Liên Xô là “bi kịch địa chiến lược vĩ đại nhất của thế kỷ 20”. Có thể nhận diện lời nhận định đó là thể hiện rõ nhất quan điểm của người đứng đầu nhà nước Nga trong việc làm hồi sinh nhà nước Xô viết phù hợp với thực tế phát triển của lịch sử.
Những giá trị tích cực không thể phủ nhận của chế độ Xô viết
Tháng 11.1991, cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người cùng với cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đi tiên phong trong việc bảo vệ tự do tuyệt đối cho kinh tế thị trường - trong một lần phát biểu tại thành phố Houston, bang Texas của nước Mỹ đã cho biết, phương Tây luôn coi Liên Xô là một nguy cơ nghiêm trọng đối với họ.
Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Anh không xem nguy cơ nghiêm trọng đó là mối đe doạ quân sự từ Liên Xô, mà đó lại là mối đe doạ về kinh tế. Theo quan điểm của bà Thatcher thì những ưu việt của nền kinh tế kế hoạch – biểu hiện rõ nét nhất của chế độ Xô viết – là mối đe doạ lớn nhất với phương Tây.
Bà Thatcher lý giải rằng, thực ra phương Tây chưa bao giờ lo sợ một cuộc tấn công quân sự từ Liên Xô cả, bởi lẽ điều đó không thể xảy ra vì Liên Xô sẽ không lựa chọn thực hiện một cuộc tấn công để rồi kích hoạt một cuộc chiến tranh mà không có kẻ thắng, người thua khi vũ khí hạt nhân được sử dụng.
Bà đầm thép của nước Anh đã cảnh báo rằng, với một nền kinh tế kế hoạch cùng sự kết hợp đặc biệt giữa động viên tinh thần và khuyến khích bằng vật chất, Liên Xô có khả năng đạt được những thành tích kinh tế cao. Kết hợp với nguồn tài nguyên khổng lồ, nếu có cơ chế quản lý tốt, Liên Xô sẽ có khả năng giáng một đòn nặng vào vị thế của phương Tây trên thị trường toàn cầu.
Trước đó, nhà kinh tế học Mỹ Wassily Leontief - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1973 và là thầy của Paul Samuelson đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1970, Robert Solow đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1987 và Vernon L.Smith đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002 – từng ca ngợi nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô vì đã đạt được bước đại nhảy vọt về công nghiệp trong những năm 1930.
Cũng theo ông Leontief thì vì có nền kinh tế kế hoạch mà Liên Xô đã nhanh chóng phục hồi sau Thế chiến II. Nhà Nobel Kinh tế năm 1973 cũng cho rằng nhờ nền kinh tế kế hoạch tập trung đã giúp Liên Xô đạt được tốc độ tăng trưởng tương đương với Mỹ, thậm chí còn vượt cả Tây Âu vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.
Ông Leontief cho biết nhược điểm của nền kinh tế Xô viết chỉ nằm ở chỗ nhà nước can thiệp quá sâu vào việc điều tiết cơ chế vận hành của nền kinh tế. Ngược lại, ông Leontief chỉ ra nhiều khiếm khuyết của nền kinh tế Mỹ, nhất là hệ thống tài chính của Mỹ - vốn không bị chính phủ kiểm soát.
Ông Leontief đã ví kinh tế thị trường tự do của Mỹ như con thuyền ra khơi mà không có bản đồ và la bàn, còn nền kinh tế Liên Xô thì như con thuyền ra khơi nhưng không thể đón gió bởi sự can thiệp và điều tiết thái quá của chính quyền. Do vậy, cả hai hệ thống kinh tế của Liên Xô và Mỹ đều cần phải có những hiệu chỉnh để có thể phát triển ổn định.
Những thua kém của cơ chế kinh tế thị trường tự do so với cơ chế kinh tế kế hoạch
Kể từ khi Liên Xô tan rã đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, cả toàn diện và cục bộ, song có thể thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997 và cuộc khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 là có ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế thế giới. Các cuộc khủng hoảng này đã gây ra hậu quả rất lớn cho nhiều nền kinh tế.
Cho đến nay cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã trôi qua gần 20 năm và di chứng của nó cũng đã dần nhạt nhoà trong ký ức của người dân châu Á, còn hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 cũng đang được các quốc gia dần khắc phục. Thậm chí có nhiều nền kinh tế đã đi qua cuộc đại khủng hoảng ấy một cách kỳ diệu, trong số đó đáng kể nhất là kinh tế Nga và kinh tế Trung Quốc.
The New York Times ngày 4.12.2015 đã nhận định rằng: “Đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua rất tốt, từ đó tạo ra một sức mạnh đảm bảo ổn định cho kinh tế thế giới, trong khi đó kinh tế nước Mỹ thì lại đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Chính điều đó giúp cho kinh tế Trung Quốc nhanh chóng vượt qua kinh tế Nhật Bản, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới”.
Còn trang tin Euromoney ngày 10.10.2010 đã nhận xét: “Chính phủ Nga đã trả gần hết các khoản nợ nước ngoài của những năm 1990, từ đó đưa kinh tế nước Nga vào số các nền kinh tế lớn có tỷ lệ nợ nước ngoài thấp nhất thế giới. Phần lớn doanh thu từ xuất khẩu hình thành nên Quỹ bình ổn đã giúp kinh tế Nga vượt khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 một cách tuyệt vời nhất, nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia”.
Hiện nay, kinh tế nước Nga đang bị hai gọng kìm nguy hại là “lệnh cấm vận và giá dầu thô giảm” bao vây, thậm chí hậu quả của nó khiến cho có nhiều dự báo kinh tế Nga sẽ sụp đổ vào năm 2017. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này – trong Thông điệp Liên bang năm 2017 và trong cuộc họp báo cuối năm 2016 – Tổng thống Putin đã lạc quan nhận định kinh tế Nga sẽ không còn tăng trưởng âm vào năm 2017.
Đây là những thực tế không thể phủ nhận về tính ưu việt của nền kinh tế kế hoạch mà Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đã kế thừa của nhà nước Xô viết, dù Liên Xô đã không còn tồn tại 1/4 thế kỷ. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản – một trong hai thần kỳ kinh tế thời hậu Thế chiến II – suy thoái kéo dài đã 1/4 thế kỷ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Khi Liên Xô tan rã, phương Tây tôn vinh tuyệt đối giá trị của nền kinh tế thị trường tự do. Song trước hàng loạt những “lợi bất cập hại” của việc nền kinh tế được quyết định hoàn toàn bởi quy luật của thị trường tự do, thì giới lãnh đạo, giới đầu tư, giới phân tích và giới nghiên cứu phương Tây đã và đang bắt đầu tìm cách khôi phục những giá trị tích cực của kinh tế Xô viết.
Đó là trong nhiều trường hợp, nhà nước phải can thiệp để bảo vệ lợi ích quốc gia, chứ không thể để cho những kẻ đầu cơ lợi dụng cơ chế của thị trường tự do mà làm hại người dân, làm thiệt hại cho đất nước như tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng lên án.
Như vậy, Liên Xô tái sinh không chỉ bởi sức mạnh của nước Nga được Tổng thống Putin làm hồi sinh, mà còn cả bởi việc thế giới phương Tây khôi phục và vận dụng những di sản có giá trị của Liên Xô.
Tác giả bài viết: Ngọc Việt
Nguồn tin: Một thế giới:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn