Điểm sàn là “điều kiện cần” để xét vào đại học, đó là mức điểm tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT được áp dụng từ năm 2004. Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng.
Hình thức thi cử hiện nay đã thay đổi, kỳ thi THPT quốc gia gộp 2 kỳ thi: tốt nghiệp và đại học làm một. Điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình của điểm thi THPT quốc gia và điểm trung bình năm lớp 12. Trong tình thế thiếu thí sinh, nhằm cứu nhiều trường đại học, cao đẳng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT mở rộng dần cánh cửa đại học. Các trường đại học đa dạng hóa hình thức xét tuyển, trong đó gồm hình thức xét điểm tốt nghiệp, thậm chí chỉ xét điểm học bạ một số môn trong toàn khóa hoặc ở lớp 12. Đến năm 2017 này thì Bộ GD-ĐT quy định bỏ luôn điểm sàn trong xét tuyển đại học.
Đúng là khi gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp, đại học làm một và khi một số trường chỉ xét tuyển đại học qua học bạ thì điểm sàn không còn ý nghĩa nữa. Đây là hệ quả của việc gộp 2 kỳ thi có mục đích, tính chất khác nhau làm một. Đây còn là hệ quả của việc mở quá nhiều trường đại học và “mở rộng cửa” trường đại học để đảm bảo nguồn tuyển sinh. Bây giờ để cứu vãn các trường đại học bằng cách bỏ điểm sàn, “thả cửa” vào đại học là cách “chữa cháy”, chứ không phải chiến lược, sách lược phát triển giáo dục đại học.
Có người lập luận: học sinh có bằng THPT thì có quyền đăng ký học đại học, các nước tiên tiến trên thế giới đã làm từ lâu, tại sao nước ta không áp dụng?
Đúng là như thế, nếu xét về phương diện quyền học tập của công dân. Nhưng với nước ta trong thời điểm này là chưa phải lúc, điều kiện chưa chín muồi. Các nước tiên tiến phương Tây họ làm được vì chất lượng THPT của họ rất thực chất, mang tính sàng lọc rất cao ở từng cấp học, chứ không mang tính phổ cập và bệnh thành tích như ở nước ta. Mặt khác, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh của họ rất tốt, còn ở nước ta thì ngược lại.
Con số hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội công bố vừa qua đã báo động sự “khủng hoảng thừa” về nhân lực lao động chất xám gián tiếp. Nếu “thả cửa” đại học, tình trạng sinh viên thất nghiệp sẽ gia tăng đến mức nào nữa ?
Bỏ điểm sàn nhưng chưa tính đến nhu cầu nguồn nhân lực, cơ hội việc làm thì thật thiếu trách nhiệm với sinh viên và xã hội. Không thể tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu và theo nhu cầu người học, còn đào tạo để làm gì, sinh viên ra trường đi đâu, về đâu thì phó mặc.
Bỏ điểm sàn đại học không ảnh hưởng gì đối với các trường tốp trên, được kiểm định chất lượng. Nhưng đối với các trường tốp dưới thì “lợi bất cập hại”, tuyển đủ số lượng nhưng thiếu chất lượng đầu vào lẫn đầu ra. “Có bột mới gột nên hồ”, đầu vào không sàng lọc lấy gì để đầu ra có chất lượng?
Tâm lý xã hội hiện nay vẫn còn nặng về bằng cấp, chuộng tấm bằng đại học. Nếu bỏ điểm chuẩn, các trường đại học sẽ “vét” hết thí sinh, phụ huynh thì có cơ hội “bằng mọi giá” cho con em học đại học, khi đó hệ lụy” đầu ra” sẽ khôn lường. Xã hội sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những thế hệ trí thức chênh lệch về trình độ, trong đó có không ít “trí thức” dán mác cử nhân, kỹ sư nhưng thiếu thực tài, kém trình độ và năng lực.
Khi học sinh cấp dưới chưa được sàng lọc, công tác hướng nghiệp và phân luồng chưa tốt, kế hoạch đào tạo đại học không gắn với dự báo nhu cầu sử dụng lao động thì việc “thả cửa” đại học thật chủ quan và mạo hiểm.
Cứu các trường đại học như vậy sẽ “bỏ rơi” các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, nhiều trường sẽ không có nguồn tuyển sinh, đứng trước nguy cơ giải thể. Trong khi đó, theo cơ cấu đào tạo lao động, các trường này phải nhiều hơn gấp nhiều lần các trường đại học. “Thợ” bao giờ cũng phải nhiều hơn “thầy”, chứ không thể ngược lại.
Đổi mới giáo dục phải có chiến lược lâu dài, không thể “sớm nắng chiều mưa”, thay đổi thi cử xoành xoạch, vì bất cập chỗ này mà thay đổi chỗ kia, tạo sự phản ứng dây chuyền, hiệu ứng Domino, điều đó sẽ khiến cho giáo dục loay hoay mãi.
Hãy xóa căn bệnh thành tích, thay đổi nội dung giáo dục trước khi thay đổi hình thức thi cử, tuyển sinh. Trước hết Bộ GD-ĐT phải xác định lại chuẩn tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng 99% tốt nghiệp (phổ cập) như các năm qua. Phải làm sao kiểm soát được chất lượng “đầu ra” của các trường đại học, không thể chỉ nói “các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo”, vì e rằng khi họ nhận trách nhiệm thì muộn rồi, hậu quả đã xảy ra rồi.
Trong bài “Bỏ điểm sàn tuyển sinh, xu thế và những hệ lụy” trên báo Giáo dục điện tử, tác giả Xuân Dương cho rằng “nếu tất cả các Trung tâm Kiểm định đều hoạt động hết “công suất” thì một năm (ước tính) cũng chỉ có thể kiểm định khoảng 40 trường và mất hơn 10 năm mới kiểm định xong”.
Vậy dựa vào kiểm định chất lượng để kiểm soát đầu ra, tháo khoán tuyển sinh cho các trường thì thật là chủ quan và vội vàng.
Trong tình hình hiện nay, chưa thể bỏ điểm sàn đại học. Không vì cứu các trường đại học, vì mục đích đủ nguồn tuyển sinh mà bỏ điểm sàn đại học. Nếu bỏ điểm sàn thì các trường tốp dưới lại ồ ạt tuyển sinh và hàng loạt cử nhân ra trường thất nghiệp vì không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực. Điều đó gây lãng phí cho xã hội rất lớn.
Hãy chấp nhận quy luật: Trường đại học nào không có sinh viên theo học, không có thương hiệu cạnh tranh thì trường đó phải chấp nhận tự giải thể. Đừng vì tạo cơ chế cho các trường tốp dưới mà hạ thấp giá trị của tấm bằng cử nhân, kỹ sư. Quy luật đào thải tuy có phần nghiệt ngã nhưng vì sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, chúng ta buộc phải chấp nhận.
Tác giả bài viết: Lê Xuân Chiến
Nguồn tin: Một thế giới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn