Kỳ án sau gần 5 thập kỷ đi tìm sự thật cho người đã khuất ở huyện Phù Mỹ (Bình Định)

Thứ sáu - 07/07/2017 22:25
(Phapluat News) - Cái chết của ông Chánh với tội danh làm gián điệp cho địch sẽ mãi là nỗi oan khiên chôn chặt theo ông nơi cửu tiền và mãi là vết nhơ muôn đời đè nặng lên một gia đình có truyền thống cách mạng, nếu như hơn 40 năm sau đó không được cơ quan có thẩm quyền làm rõ một nửa sự thật.
Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Cầu (86 tuổi) ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công con trai Dương Minh Ninh đau đáu nỗi day dứt chờ đợi một nửa sự thật còn lại của người chồng quá cố Dương Ngọc Chánh được làm sáng tỏ.
Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Cầu (86 tuổi) ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công con trai Dương Minh Ninh đau đáu nỗi day dứt chờ đợi một nửa sự thật còn lại của người chồng quá cố Dương Ngọc Chánh được làm sáng tỏ.
   Kỳ 1.   MỘT NỬA SỰ THẬT ĐƯỢC LÀM SÁNG TỎ … (?!)

    ...Thế nhưng niềm vui của gia đình chưa thật sự trọn vẹn khi mà một nửa sự thật còn lại chưa được làm sáng tỏ vì nhiều lý do khác nhau. Từ số này, báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ đồng hành cùng gia đình đi tìm một nửa sự thật đó…

    
      * Rửa sạch oan khiên…  


     Gần 50 năm trước, đêm 16/7/1968, người dân thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đang chìm trong giấc ngủ bỗng bừng tỉnh vì tiếng súng nổ chát chúa vọng lại từ phía sau núi Tịnh Hậu. Rạng sáng, cả làng ngột ngạt trước hung tin: Ông Dương Ngọc Chánh – một thầy giáo và là một y tá làng có đức tính cương trực và có tấm lòng vị tha đã bị an ninh xã thủ tiêu vì tội làm mật báo viên, gián điệp, chống phá cách mạng…

     Sau cái chết của ông Chánh, tưởng chừng sẽ quật ngã người vợ trẻ. Song trái lại mặc cho người đời kết tội, dèm pha, bà Nguyễn Thị Cầu âm thầm chịu đựng và cố gắng làm tròn nhiệm vụ của tổ chức phân công. Bỡi hơn ai hết là người đầu ấp tay gối, chỉ có bà mới hiểu được những việc chồng bà làm là không hại nước hại dân. Ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất, cũng là ngày bà Cầu quyết định viết đơn kêu oan, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm sự thật giải oan cho người chồng quá cố. Tiếp sức cho bà là người con trai (cũng kiên cường không kém) Dương Minh Trị - nguyên là thanh tra viên chính Bộ Y tế, trưởng thành trong thời kỳ hậu kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập.
 
          Do có công lao đóng góp cho cách mạng, bà Nguyễn Thị Cầu được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba
    
      
       Chờ đợi và hy vọng, thậm chí có những lúc tưởng chừng như vô vọng và mãi đến 34 năm sau đó, bà Cầu và các con của bà đã vỡ òa niềm vui trong nước mắt. Cuối năm 2009, gia đình bà Cầu nhận được kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, khẳng định ông Dương Ngọc Chánh vô tội. Trước đó năm 2000, 2001 và 2003, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã có liên tiếp có các Công văn số 1973/A11, số 1028/A11 và số 524/A35, kết luận: “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng”.

     Người giết oan ông Chánh, theo Báo cáo số 25/BC-CA của Công an huyện Phù Mỹ, là tên Nguyễn Ngưu - một phần tử xấu, từng đầu hàng địch, lạm dụng sự tin tưởng tổ chức giao phó (giữ chức vụ Phó an ninh xã), y đã tự ý bắt bớ giam cầm, tra tấn, giết hại nhiều người dân vô tội, rồi vu oan giá họa với nhiều tội danh… nhưng không hề có hồ sơ và tội trạng.

     “Về Dương Ngọc Chánh thì Nguyễn Ngưu nói nó có hành động cứ ta chạy càn đâu là nó chạy theo mục đích nó nắm tình hình báo cho địch. Ngưu đã bắt lên núi sau nhà ông Nghê thôn An Giang khai thác được mấy hôm rồi bắn chết…”

      * Nỗi day dứt người ở lại (!?)

      Tuy nhiên niềm vui của bà Cầu và các con của bà chưa thật sự trọn vẹn khi mà vẫn còn đó một nửa sự thật của người cha, người chồng chưa được làm sáng tỏ. Quá trình tìm hiểu bước đầu của PV cho thấy cơ cơ sở để xác định, ông Dương Ngọc Chánh không những không phải là kẻ phản bội đất nước mà trái lại ông còn là một người có công với cách mạng. Nhưng thật đáng tiếc sự thật đó cho đến nay vẫn chưa được Đảng và Nhà nước ghi nhận, Tổ quốc ghi công. Bỡi sự ích kỷ, thiếu trách nhiệm và không công tâm của một số cán bộ ở địa phương (?!)

      Báo cáo số 25/BC-CA ngày 21/11/1980 của Công an huyện Phù Mỹ xác nhận:  “Thời kỳ Mỹ Diệm, Dương Ngọc Chánh làm nghề y tá tư và dạy học… cũng là cơ sở cách mạng được các đồng chí Tấn (tức ông Võ Tấn) – TVHU Phù Mỹ và chị Trương Thị Đổng – (nguyên Bí thư Phụ nữ xã Mỹ Đức năm 1950 -  PV), ở thôn An Giang, Mỹ Đức sử dụng. Khi xã Mỹ Đức giải phóng rộng Dương Ngọc Chánh không còn điều kiện hợp pháp nữa nên phải sống bất hợp pháp như mọi anh em khác, hàng ngày khi có địch càn đến là phải chạy trốn”.
         
                          Ông Dương Minh Trị cùng mẹ Nguyễn Thị Cầu
     
       
        Về lý do ông Chánh bị một số phần tử “tố” có thời gian cộng tác với chế độ cũ, ông Nguyễn Thanh Hùng – nguyên là đảng viên, cán bộ an ninh xã Mỹ Đức năm 1968; và ông Dương Đình Khải - nguyên là cán bộ quần kết năm 1955… xác nhận là do tổ chức cài vào với chức danh Thư ký hành chính để tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Trong quá trình tham gia, ông Chánh đã cung cấp cho tổ chức nhiều tin tức quan trọng của địch, nhất là việc địch truy lùng cán bộ, cơ sở cách mạng…”

     Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhung – nguyên liên lạc viên bí mật cho cách mạng vùng Bắc huyện Phù Mỹ (từng bị địch bắt đày ra nhà lao Côn Đảo 1970 - 1975), và ông Nguyễn Liên – nguyên Tiểu đội trưởng du kích xã Mỹ Đức (1966) đồng xác nhận: Trong thời kỳ 1960 – 1968, họ đã trực tiếp nhận lương thực, thực phẩm, thuốc men của ông Chánh và Đội công tác của xã vận động cơ sở ủng hộ và vận chuyển cho Đội vũ trang và bộ đội tại địa bàn xã. “Ông Chánh cùng gia đình đã đào hầm bí mật tại vườn nhà ông vào năm 1965 để nuôi dưỡng và cất giấu hai thương binh trong thời gian 3 tháng… Từ năm 1967 – 1968, tôi trực tiếp giao truyền đơn cho ông Chánh để rải áp sát vùng địch”  -  bà Nhung nhấn mạnh.

               * Bà Trương Thị Đổng (đảng viên kết nạp 1946, thời kỳ kháng chiến chống Pháp), trú quán thôn An Giang, xã Mỹ Đức: “Xác nhận ông Dương Ngọc Chánh là cơ sở hợp pháp của cách mạng từ 1956 – 1967 do tôi móc nối, xây dựng và trực tiếp phụ trách. Ông Chánh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng như cung cấp tin tức địch tình, mua nhiều thuốc men, quần áo, lương thực tiếp tế cho cách mạng….”

                * Ông Võ Tấn – nguyên là cán bộ quần kết 1954 giữ chức vụ Phó bí thư huyện ủy phụ trách các xã phía Bắc Phù Mỹ (trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước), sau giải phóng là cán bộ Ban Bảo vệ Đảng tỉnh Nghĩa Bình, xác nhận: “Trong thời gian hoạt động bí mật từ 5/1955, chúng tôi Võ Tấn, anh Trần Đình Thám (hy sinh) đã xây dựng anh Dương Ngọc Chánh làm cơ sở hợp pháp. Đến năm 1956 chúng tôi liên lạc được với đồng chí Nguyễn Thị Đổng và giao nhiệm vụ cho chị móc nối với anh Dương Ngọc Chánh giao nhiệm vụ là nắm tình hình và báo cáo tình hình địch”

 
    Thế nhưng chừng ấy “cánh én” vẫn chưa đủ để dệt nên “mùa xuân”. Bất chấp kết luận của Tổng cục An ninh và các cơ quan có chức năng, phớt lờ nhân chứng sống - những người từng kề vai sát cánh trực tiếp giao nhiệm vụ với ông Chánh, một số cán bộ có thẩm quyền ở địa phương cố chấp giữ nguyên quan điểm trái chiều…

     Điều đó cũng đồng nghĩa với một nửa sự thật đóng góp cho cách mạng của ông Chánh chưa được làm sáng tỏ. Nỗi day dứt của bà Cầu khi tuổi đã xế tà cùng người con trai Dương Minh Trị và các thế hệ con cháu của ông Chánh luôn canh cánh khôn nguôi.

     Những quan điểm trái chiều của một số cán bộ ở địa phương về ông Dương Văn Chánh có căn cứ không ? Báo Kinh doanh & pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vào kỳ tới.
                                                                           (Còn nữa)                                                        

 “Sau khi nhận đơn khiếu nại của ông Dương Minh Trị, Tổng cục An ninh đã chỉ đạo, phối hợp với Công an Bình Định thu thập tài liệu… tìm hiểu qua nhiều người biết việc, ghi âm lấy xác nhận của nhiều cán bộ, đảng viên cùng hoạt động trực tiếp xây dựng, chỉ đạo ông Chánh làm cơ sở cho cách mạng… Cơ quan an ninh đã tập trung thu thập tài liệu từ nhiều nguồn bằng nhiều phương pháp xác minh khách quan, khoa học có thể khẳng định ông Dương Ngọc Chánh không phải là gián điệp phản động hay đã cộng tác với địch” (Theo Văn bản số 1028/A11 (A35) ngày 06/8/2001 của Phó Tổng cục trưởng Trần Tôn Thất - Tổng cục An ninh, Bộ Công an)

Tác giả bài viết: TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật:

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây