Hàn Quốc sẽ chịu thương vong khủng khiếp nếu Mỹ tấn công Triều Tiên

Thứ năm - 06/07/2017 23:55
(PL News) - Đe dọa dùng vũ lực với Triều Tiên nhưng Mỹ dường như không có giải pháp quân sự nào khả thi, vì Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu bi kịch đẫm máu nếu Bình Nhưỡng bị buộc phải trả đũa.
Hàn Quốc sẽ chịu thương vong khủng khiếp nếu Mỹ tấn công Triều Tiên

 

Diễu binh kỉ niệm sinh nhật thứ 105 của Kim Il-sung, nhà sáng lập của Triều Tiên, ở Bình Nhưỡng vào tháng Tư.
Diễu binh kỉ niệm sinh nhật thứ 105 của Kim Il-sung, nhà sáng lập của Triều Tiên, ở Bình Nhưỡng vào tháng Tư.

Theo báo New York Times, điều này là trở ngại lớn cho chính quyền ông Trump trong chiến lược trừng phạt Triều Tiên, ngay cả khi nước này sắp hoàn thiện vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công nước Mỹ. Hôm 4/7, Triều Tiên đã đạt được cột mốc mới khi thử vũ khí nước này gọi là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà theo giới phân tích có thể tấn công bang Alaska của Mỹ.

Tình thế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết đối với Mỹ khi họ tin rằng Triều Tiên đã chế tạo hơn chục bom hạt nhân và có thể gắn chúng vào hỏa tiễn có thể vươn tới Nhật Bản và Hàn Quốc.

Khó tấn công quân sự 

Ngay ngày hôm sau, chính quyền Trump một lần nữa đe dọa dùng vũ lực. Bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói vũ lực vẫn là lựa chọn. “Chúng tôi sẽ sử dụng nó nếu bắt buộc, nhưng chúng tôi không ưu tiên đi theo hướng đó”, bà nói với Hội đồng Bảo an.

Tuy vậy, mọi giải pháp quân sự đều là hạ sách.

Một cuộc tấn công giới hạn nhất của Mỹ cũng sẽ để lại chết chóc vô kể, vì Triều Tiên có thể trả đũa với hàng nghìn khẩu pháo đặt dọc biên giới với Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Jim Mattis gần đây cảnh báo nếu Triều Tiên dùng số pháo này, "đó sẽ là cuộc chiến kinh hoàng nhất mà mọi người từng chứng kiến”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm 1994, ông William J. Perry, từng chỉ đạo Lầu Năm góc lên kế hoạch “đánh bom phẫu thuật” tức chỉ nhắm chính xác một lò phản ứng hạt nhân, nhưng ông đã phải dừng lại sau khi kết luận chiến tranh sẽ làm hàng trăm nghìn người chết.

Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ ngay lập tức trả đũa bằng tên lửa hạt nhân. Nhưng theo giới phân tích, nếu Kim Jong-un cân nhắc kĩ, ông sẽ không tấn công hạt nhân hoặc hóa sinh để tránh Mỹ cũng trả đũa bằng hạt nhân, trừ khi ông tin rằng mình sắp bị tấn công hạt nhân hay bị ám sát.

Đáng lo ngại hơn, theo các chuyên gia, một khi Mỹ tấn công, hai bên rất dễ leo thang xung đột, và khi đó sẽ khó có điểm dừng.

Han Quoc se chiu thuong vong khung khiep neu My tan cong Trieu Tien hinh anh 1
Cuộc duyệt binh kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Kim Il-Sung hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Những phát đạn đầu tiên

Triều Tiên và Hàn Quốc đã luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong hơn nửa thế kỉ từ thỏa thuận ngừng bắn năm 1953. Vũ khí của Bình Nhưỡng lạc hậu, nhưng Hàn Quốc lại bất lợi về mặt địa lý, khi gần nửa dân số sống trong vòng 80 km tính từ Khu phi quân sự (DMZ), bao gồm 10 triệu người ở thủ đô Seoul.

Theo giới phân tích, Triều Tiên đặt tới 8.000 khẩu pháo và bệ phóng tên lửa dọc DMZ, và có thể dội xuống trận mưa 300.000 loạt pháo ngay trong giờ đầu tiên nếu bị tấn công.

Dù vậy, ông Kim có thể phản công hạn chế hơn, chẳng hạn đánh vào các căn cứ gần DMZ, rồi chờ phản ứng tiếp theo. Nhưng hầu hết giới phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ leo thang rất nhanh để gây thiệt hại nhiều nhất có thể trước khi thua trận.

“Triều Tiên biết đó có thể là ngày sụp đổ và sẽ không chịu thua trước khi chống trả quyết liệt”, ông Jeffrey W. Hornung từ RAND Corporation, một viện nghiên cứu chính sách ở Mỹ, nói với New York Times. “Tôi nghĩ họ sẽ rải thảm pháo”.

Hầu hết pháo của họ không thể vươn tới Seoul, nhưng Triều Tiên có 3 hệ thống vũ khí có thể nhắm vào Seoul: pháo tự hành Koksan 170 mm cùng pháo phản lực 240 mm đa nòng có thể bắn phá phần phía Bắc của thành phố, và pháo phản lực 300 mm đa nòng có thể nhắm tới mục tiêu xa hơn Seoul.

Có khoảng 1.000 vũ khí loại này ở gần DMZ, giấu kĩ dưới các hang động, địa đạo và các boong-ke. Triều Tiên sẽ không bắn pháo đồng loạt để giữ đạn và tránh làm lộ vị trí.

Một nghiên cứu từ Viện An ninh và Bền vững Nautilus năm 2012 tính cả các yếu tố như mật độ dân số hay việc 25% pháo của Triều Tiên có thể không nổ do lạc hậu, và kết luận trong những giờ đầu, nếu Triều Tiên dội pháo vào các mục tiêu quân sự sẽ làm 3.000 người chết, còn nếu nước này dội pháo vào thường dân sẽ làm gần 30.000 người thiệt mạng.

Triều Tiên cũng có thể sẽ dùng tên lửa đạn đạo cho các mục tiêu quân sự, bao gồm cả căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.

Han Quoc se chiu thuong vong khung khiep neu My tan cong Trieu Tien hinh anh 2
Liên quân Mỹ - Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật vào tháng Tư. Giới phân tích cho rằng phải mất 3-4 ngày liên quân Mỹ - Hàn mới có thể áp đảo hỏa lực của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Mỹ - Hàn phòng thủ

Mỹ và Hàn Quốc có thể chuẩn bị trước, nhưng họ sẽ chẳng thể làm gì để ngăn chặn cơn mưa pháo.

Hàn Quốc có thể đánh chặn một số tên lửa đạn đạo, với hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), và các hệ thống tên lửa Patriot và Hawk. Nhưng họ không có hệ thống Vòm Sắt của Israel mà có thể phá hủy pháo đang lao tới ở tầm thấp.

Thay vào đó, quân đội Hàn và Mỹ sẽ dùng các chiến thuật phản pháo kích truyền thống: dùng radar hay kĩ thuật khác để xác định vị trí đang bắn pháo, rồi không kích các vị trí đó.

David Maxwell, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại học Georgetown và từng phục vụ trong Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, nói với báo New York Times rằng Lầu Năm góc thường xuyên nâng cấp khả năng phản pháo kích. Nhưng ông cũng nói “không có phép màu nào có thể ngăn không cho hỏa lực Triều Tiên gây thiệt hại tàn khốc cho Seoul và Hàn Quốc”.

Dựa vào thực tế của chiến thuật phản pháo kích trong chiến tranh Iraq, nghiên cứu của Viện Nautilus ước tính hỏa lực của liên quân Mỹ - Hàn sẽ phá hủy 1% lượng pháo của Triều Tiên mỗi giờ, và hơn 1/5 lượng pháo sau một ngày giao tranh.

Nhưng tình thế còn đặc biệt nguy hiểm vì nếu một bên có dấu hiệu chiến tranh tổng lực, bên kia sẽ leo thang chiến tranh. Chẳng hạn, nếu Mỹ - Hàn đánh các mục tiêu khác ở Triền Tiên ngoài pháo binh, như các tuyến hậu cần hay liên lạc. Hoặc nếu Triều Tiên đưa quân qua biên giới hay thả đặc nhiệm xuống cảng của Hàn Quốc. Đáng sợ hơn, nếu có dấu hiệu Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị “tấn công đầu não” vào lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim có thể sẽ dùng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa sinh.

Sơ tán dân thường

Theo giới phân tích, xét về mọi mặt, phải mất 3-4 ngày để liên quân Mỹ - Hàn áp đảo hỏa lực của Triều Tiên.

Hàn Quốc bị thiệt hại bao nhiêu cũng tùy thuộc họ có kịp sơ tán dân thường hay không. Và con số thương vong sẽ giảm dần theo từng giờ vì pháo binh của Triều Tiên bị phá hủy dần và người dân tìm được chỗ trú ẩn.

Nghiên cứu của Viện Nautilus dự đoán 60.000 người chết trong ngày đầu tiên nếu có cuộc tấn công bất ngờ của Triều Tiên vào các mục tiêu quân sự gần Seoul, hầu hết trong số họ sẽ tử nạn trong vòng 3 giờ đầu. Nhưng nếu Triều Tiên nhắm vào dân thường, sẽ có kết cục đẫm máu hơn nhiều, với các nghiên cứu ước tính hơn 300.000 người chết trong những ngày đầu tiên.

Chính quyền thành phố Seoul nói có gần 3.300 hầm trú bom trong thủ đô, đủ cho cả 10 triệu cư dân. Ở tỉnh Gyeonggi giáp quanh thủ đô, chính quyền tỉnh có khoảng 3.700 hầm. Nhiều bến tàu cũng là hầm trú ẩn, và hầu hết tòa nhà lớn có bãi đỗ xe ngầm có thể trú ẩn được.

Nhưng nhiều người cho rằng chính quyền địa phương không sẵn sàng cho sự hỗn loạn của một trận pháo kích và công chúng tỏ ra thờ ơ trước viễn cảnh chiến tranh.

Chính phủ Hàn Quốc diễn tập chỉ 5 lần một năm, và các đợt diễn tập thiếu quy củ chỉ kéo dài 20 phút, trong đó người dân trú trong các tòa nhà và dừng xe khi còi báo động vang lên. Nhiều người dân không biết hầm trú ẩn gần nhất ở đâu.

Ít người dự trữ đồ ăn thức uống, và dù chính quyền đã nói sẽ mua khoảng 1.8 triệu mặt nạ chống độc phòng khi bị tấn công hóa học, số lượng này thua xa số dân cần bảo vệ.

“Trong 72 giờ đầu”, Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi ông Nam Kyung-pil nói với báo New York Times, “mỗi người sẽ phải tự chuẩn bị cứu lấy mình thôi”.

 

 
Khoảnh khắc tên lửa liên lục địa Triều Tiên rời bệ phóng Đài truyền hình Triều Tiên công bố video mới nhất ghi lại toàn cảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm 4/7.

Tác giả bài viết: Trọng Thuấn (Theo New York Times)

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây