Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tranh cử cho tới nay, ông và Tổng thống Nga ValdimirPutin đã phát biểu và nhận xét về nhau bằng những mỹ từ, ca ngợi nhau, điện đàm về các vấn đề quan trọng,... tất cả đều được thực hiện "từ xa".
Tuy nhiên, cuối tuần này (ngày 7-8/7) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hamburg, Đức, cuối cùng, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt nhau một cách trực tiếp.
Đây là một trong những cuộc gặp mặt giữa hai lãnh đạo quốc gia được mong đợi nhất trong nhiều năm qua. Đó là một cuộc gặp mang đầy tính chính trị, địa chiến lược và cả những câu chuyện mang tính cá nhân.
Bối cảnh chính trị đặc biệt khác thường
Thực tế, trong vòng 4 năm qua, ông Trump đã không tiếc lời khen ngợi ông Putin – người vốn bị giới chính trị ở Washington coi là một kẻ thù của nước Mỹ. Ông Trump từng nhấn mạnh Tổng thống Nga "rất tốt" với mình và phủ nhận hai người đã từng gặp mặt trước đây.
Tại Mỹ, cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016, và cuộc điều tra về việc có hay không sự thông đồng giữa cấp dưới của ông Trump với các quan chức Nga trước bầu cử đang tiếp diễn.
Còn Tổng thống Putin, người đặt ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Nga là khôi phục ảnh hưởng và vị thế của Nga trên thế giới, đã nhận xét rằng ông Trump là một người "thông minh và tài năng".
Ông Putin cũng từng lên tiếng về sự rối ren chính trị của Mỹ trước các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay cáo buộc Tổng thống Mỹ Trump tiết lộ "bí mật" tình báo khi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng 5 vừa qua.
Giữa bối cảnh chính trị đặc biệt khác thường đó và với ý nghĩa của các cuộc đàm phán tại Hamburg, cuộc gặp gỡ giữa hai ông Trum – Putin vào cuối tuần này sẽ được theo dõi và phân tích kỹ lưỡng.
Cuộc gặp của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Nga từng gây sóng gió trên truyền thông Mỹ vì thông tin Tổng thống tiết lộ bí mật tình báo cho phía Nga. Ảnh: Reuters
Cá tính "hấp dẫn" của cá nhân hai vị tổng thống
Tất nhiên, không thể phủ nhận cuộc gặp này cũng thực sự "hấp dẫn" đơn giản vì nó là cuộc gặp của hai cá nhân Trump và Putin.
Cả hai ông đều nổi tiếng là những người có các phát ngôn "không nể nang" dành cho những người được coi là đối thủ.
Hai vị tổng thống cũng rất ý thức về việc xây dựng hình ảnh là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và chú ý đến vài trò của ngôn ngữ cơ thể trong việc truyền tải các thông điệp chính trị.
"Cả hai vị tổng thống sẽ thể hiện tối đa những phẩm chất đó của mình, vì họ đều hiểu tầm quan trọng của việc sẽ được công chúng đánh giá là ‘cứng rắn’", đó là nhận định mà cựu quan chức an ninh quốc gia Derek Chollet của chính quyền ông Obama đưa ra về cuộc gặp Trump-Putin sắp tới.
Cuộc gặp quyết định tương lai của châu Âu và Trung Đông
Ở trong nước, ông Trump đang chịu một áp lực chính trị rất lớn trong việc phải đưa vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ ra tại cuộc gặp với ông Putin.
Thêm vào đó, ông Trump cũng sẽ phải tránh những cuộc chạm mặt ngẫu nhiên với ông Putin tại hội nghị của G20 – khi mà các đối thủ chính trị có thể lấy đó làm những cái cớ để cho rằng ông Trump đang chịu ảnh hưởng từ người đồng cấp Nga.
Tuy nhiên, kể cả khi không có nghi án can thiệp bầu cử thì cuộc gặp giữa hai ông Trump và Putin sẽ vẫn "nóng" vì cuộc gặp được đánh giá có tầm quan trọng lớn cho tương lai của châu Âu và Trung Đông.
Những vấn đề xung quanh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea, tương lai của Syria sau khi lực lượng IS sụp đổ và làm thế nào để lực lượng của Nga và Mỹ ở Syria tránh đụng độ, Mỹ sẵn sàng như thế nào trong việc ủng hộ các đồng minh NATO... Tất cả đều có thể được đề cập trong cuộc gặp mặt này.
Tương lai của Trung Đông có thể sẽ được đề cập trong cuộc gặp mặt giữa hai tổng thống Trump và Putin. Ảnh: AP
Vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Đối với các nhà quan sát ở Mỹ, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu ông Trump có đề cập và phàn nàn về mối nghi ngại Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ 2016 trong cuộc gặp mặt sắp tới với ông Putin hay không.
Nếu ông Trump không đưa vấn đề đó ra, nó sẽ được coi là một thất bại chính trị trong đối nội và các nhà phê bình sẽ thẳng thừng cáo buộc Tổng thống Trump về việc từ bỏ trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn của nền dân chủ Mỹ.
Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia McMaster đã cho biết cuộc gặp Trump-Putin "không có chương trình nghị sự cụ thể, thực sự Tổng thống [Trump] sẽ nói về bất cứ thứ gì mà ông ấy muốn".
Cho tới nay, Nhà Trắng vẫn từ chối cung cấp chi tiết hơn về cuộc gặp mặt vì sự nhạy cảm chính trị của nó.
Tuy nhiên, điện Kremlin mới đây tiết lộ, hai ông Putin và Trump sẽ gặp mặt trong một cuộc họp song phương chính thức và trang trọng bên lề hội nghị G20 vào thứ 6 tuần này, ngày 7/7. Đó không phải một cuộc tiếp xúc ngắn mang tính chất hình thức, bên lề.
Cam kết của Mỹ với NATO
Theo CNN, cuộc gặp Trump-Putin không chỉ có ý nghĩa với "sinh mệnh chính trị" của ông Trump.
Các đồng minh NATO của Mỹ cũng là một phần quan trọng trong nội dung cuộc gặp mặt này, mặc dù Tổng thống Trump có thể lựa chọn cách xoa dịu đồng minh bằng những phát biểu tại Ba Lan – nơi ông sẽ thăm trước khi chính thức tham dự hội nghị của G20 tại Đức.
Tổng thống Trump thể hiện cam kết và sự đồng thuận với các đồng minh NATO là nội dung được mong chờ trong cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Nga. Ảnh: Newsweek
Tác giả Stephen Collinson của CNN phân tích rằng, một tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ NATO của ông Trump có thể sẽ làm cho ông Putin thấy rằng nước Mỹ không hề lùi bước sau nghi án can thiệp bầu cử.
"Tổng thống Trump có đầy đủ mọi thứ và cả sự sẵn sàng để ngăn cản Tổng thống Putin có những hành động [can thiệp] tương tự", cựu Trợ lý Ngoại trường Jamie Rubin nói.
"Đó là lý do tại sao nội dung đối thoại về NATO lại quan trọng đến vậy trong cuộc gặp này. Nếu Tổng thống Putin không tin rằng ông Trump và các đồng minh NATO vẫn đang có sự đồng thuận, và vẫn chiến đấu vì những mục đích chung, thì ông Putin chắc chắn sẽ không dừng lại", Jamie Rubin nói thêm.
Ai ở thế có lợi hơn trong cuộc gặp này?
Ở một vài khía cạnh, Tổng thống Trump đến cuộc gặp này với Tổng thống Putin ở thế bất lợi, trong hoàn cảnh ông đang gặp nhiều rắc rối ở trong nước và có phần chưa "thạo" về đối ngoại.
Tổng thống Putin, ngược lại, không phải lo nghĩ về đối nội quá nhiều, và đã xác lập vị trí là một nhân vật quan trọng của thế giới, xử lý rất chuyên nghiệp trong việc lấy lại ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và Trung Đông.
Cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo cũng có mục đích chiến lược, vì nó diễn ra đúng lúc mối quan hệ Nga – Mỹ đang ở giai đoạn tồi tệ và nguy hiểm nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hai nhà lãnh đạo đều có nghĩa vụ phải chấm dứt quỹ đạo xuống dốc của mối quan hệ này, thể hiện trong những xung đột lợi ích ở Syria, trong việc mở rộng NATO, triển khai các khí tài quân sự ở những vị trí nhạy cảm tại châu Âu và vùng Baltic... trong bối cảnh hai bên có thể tính toán sai lầm và gia tăng căng thẳng bất cứ lúc nào.
"Động lực cho mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân này hiện thấp tới mức đã đến lúc hai bên dừng tất cả các động thái leo thang căng thẳng hoặc làm làm xấu đi mối quan hệ, và việc này thực sự chỉ có thể khả thi ở cấp Tổng thống", Giám đốc Matthew Rojansky của Viện Kennan, Trung tâm Woodrow Wilson cho biết.
Với những vướng mắc và sự leo thang căng thẳng quân sự ở châu Âu và mâu thuẫn trong vấn đề Ukraine giữa Nga và Mỹ, theo Rojansky, điều quan trọng là hai lãnh đạo chấm dứt việc các căng thẳng sẽ trở nên tồi tệ hơn.
"Điều sống còn là họ đảm bảo được khả năng sẽ tiếp tục gặp mặt trong tương lai để vượt qua những rào cản về chính trị và kỹ thuật mà hai chính phủ chắc chắn sẽ gặp phải trong quá trình làm việc với nhau", ông Rojansky nhận định.
Nguồn tin: Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn