Donald Trump, vốn luôn mô tả sự tiếp cận của mình với lãnh đạo Triều Tiên là một chiến thắng lớn về chính sách đối ngoại, đã nhiều lần liên kết trực tiếp Triều Tiên với các cơ hội tái cử của ông năm 2020, dù rất ít dấu hiệu cho thấy đó là một vấn đề quan trọng đối với cử tri Mỹ.
Triều Tiên không đe dọa rõ ràng là sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, báo chí nước này cáo buộc Washington cố tình kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân nhằm bảo vệ chiến thắng đối ngoại của ông Trump trong trong mùa bầu cử. Giới chức ở Bình Nhưỡng còn tố ông Trump "khó tính" và hẳn phải "đang hoảng sợ tột độ" về những gì Bình Nhưỡng sắp làm sau thời hạn chót cuối năm 2019.
"Họ thực sự tin mình có có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11", VOA News dẫn lời Bong Young-shik, giảng viên trường Đại học Sogang ở Seoul. "Người Triều Tiên nghĩ thế giới đang xoay quanh nước mình… Đây là một tính toán lầm và hiểu sai rất đáng tiếc".
Sự tự tin thái quá của Triều Tiên có lẽ bắt nguồn từ chính Tổng thống Trump, người nhiều lần mô tả các cuộc đàm phán hạt nhân đang sa lầy với Bình Nhưỡng đã là thành công. Sau hội nghị đầu tiên của ông với Kim Jong Un năm 2018, ông Trump tuyên bố chấn động: Không còn Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa. Thực tế, Bình Nhưỡng chưa từng nhất trí từ bỏ vũ khí hạt nhân và vẫn đang tăng cường đạn dược, theo các chuyên gia.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng đặt niềm tin vào lệnh dừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa mà Triều Tiên tự áp đặt. Do vậy, bằng cách dọa bỏ lệnh dừng này, Kim Jong Un dường như đang cố gắng tăng cường đòn bẩy cho mình.
Đầu tháng 12, ông Trump thẳng thừng cảnh báo lãnh đạo Triều Tiên không hành động khiêu khích trong lúc chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Mỹ. "Tôi rất ngạc nhiên nếu Triều Tiên hành động thù địch", ông Trump nói. "Ông ấy biết tôi có một cuộc bầu cử sắp tới. Tôi không nghĩ ông ấy muốn can thiệp, nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem".
Thông điệp của ông Trump dường như tạo cho Kim Jong Un thêm lực đẩy mà nhiều người tin rằng ông này đang thiếu. Các cuộc thăm dò từ lâu đều cho thấy các vấn đề trong nước, chứ không phải đối ngoại, là điều quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chỉ 3% các cử tri Mỹ đăng ký bỏ phiếu nói chính sách đối ngoại là vấn đề hàng đầu mà nước này phải đối mặt theo một cuộc khảo sát của RealClearPolitics hồi tháng 5. Y tế, kinh tế, nhập cư, giáo dục và môi trường được cử tri quan tâm hơn nhiều.
Còn theo kết quả thăm dò sau bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2016, chỉ 13% cử tri nói chính sách đối ngoại là vấn đề quan trọng hơn cả. Trước đó, thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, đa số cử tri cho rằng Hillary Clinton – người thất bại trước ông Trump – sẽ có những quyết định về đối ngoại tốt hơn.
"Triều Tiên nằm rất thấp trong danh sách các vấn đề then chốt quyết định cuộc bầu cử tới đây", giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, đánh giá. Dựa theo các cuộc trò chuyện với người Triều Tiên, giáo sư Delury nhất trí rằng chính quyền Kim Jong Un có thể đang nghĩ họ có thể làm lung lay cử tri Mỹ bằng cách khuấy động căng thẳng trong mùa bầu cử. Ông cảnh báo đó là sự toan tính sai nghiêm trọng.
"Sự khiêu khích ở giai đoạn này sẽ dẫn tới một phản ứng thông thường, an ninh, hoặc thậm chí quân sự, và họ sẽ phải ngạc nhiên vì đã nghĩ mình có thể can thiệp vào chính trị nội bộ của Mỹ, mà thật ra không phải vậy. Mọi người đều biết cuộc bầu cử không phải về Triều Tiên", ông Delury nhận định thêm.
Trong năm 2017, ông Trump và ông Kim nhiều lần đấu khẩu về biệt danh và đe dọa chiến tranh hạt nhân. Có lúc, ông Trump còn dọa "phá hủy hoàn toàn" Triều Tiên. Có thông tin cho rằng chính quyền Trump từng cân nhắc một cuộc tấn công quân sự phủ đầu trong nỗ lực được mô tả là ngăn chặn Bình Nhưỡng khiêu khích thêm nữa.
Đến nay, ông Trump không để ý đến thời hạn cuối năm 2019 mà Kim Jong Un đặt ra cho Mỹ. Ông hiếm khi nhắc đến Triều Tiên trong thời gian qua. Nhưng có lẽ nhà lãnh đạo Mỹ cũng không đón chào bất kỳ lời nhắc nhở nào rằng chính sách Triều Tiên của ông không khiến cho Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hiện chưa rõ Tổng thống Trump sẽ phản ứng thế nào với một hành động khiêu khích lớn của Bình Nhưỡng, chẳng hạn một vụ thử tên lửa tầm xa. Một số quan chức Mỹ cấp cao tuyên bố, họ đang theo dõi Triều Tiên sát sao trong những ngày tiến đến hạn chót. Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuần trước thừa nhận các mối đe dọa từ Triều Tiên và khẳng định Mỹ "sẵn sàng cho bất cứ điều gì".
Tác giả bài viết: Thanh Hảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn