Năm 2019, thế giới chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử, nhiều nốt thăng trầm trên khắp các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những bước đi lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều; Ông Trump trở thành Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội… nằm trong số những sự kiện nổi bật nhất năm.
Báo VietNamNet xin điểm lại 10 sự kiện lớn nhất của năm 2019 như sau:
1. Những bước đi lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều
Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra từ 27-28/2 tại Hà Nội. Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Nhà Trắng khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP |
Hôm 30/6, ông Trump đã có bước đi lịch sử, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước qua biên giới liên Triều, đặt chân lên đất Triều Tiên. Ông bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong Un, rồi cả hai quay lại đất Hàn Quốc và bắt tay thêm lần nữa. Cuộc gặp lần ba giữa lãnh đạo hai nước diễn ra trong 50 phút và kết thúc với cam kết nối lại các cuộc thương thuyết đang bế tắc.
"Thật tuyệt khi trở về từ Việt Nam, một nơi tuyệt vời. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán rất thiết thực với ông Kim Jong Un. Chúng tôi biết họ muốn gì, họ cũng biết chúng tôi sẽ làm gì. Mối quan hệ hai bên rất tốt. Hãy chờ xem điều gì xảy ra" – Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 1/3.2. Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội
Với kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 18/12, ông Trump đã trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với một phiên xử diễn ra vào tháng 1/2020 tại Thượng viện. Nếu 2/3 số thượng nghị sĩ cho rằng tổng thống có tội, thì ông sẽ phải rời cương vị hiện thời.
Ông Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Ảnh: AP |
Cuộc điều tra luận tội ông Trump do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khởi xướng vào ngày 24/9. Việc này diễn ra sau khi một nhân vật tố giác cáo buộc rằng, trong cuộc điện đàm hôm 25/7 với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ông Trump đã yêu cầu Kiev điều tra đối thủ chính trị Joe Biden và con trai ông này, để tạo lợi thế cho bản thân trong chiến dịch tái tranh cử.
“Các tổng thống khác nhận thức rõ nghĩa vụ của họ là cung cấp thông tin cho quốc hội trong những trường hợp như vậy. Tổng thống Donald Trump thì ngược lại, ông ngăn chặn việc đó. Đây là việc làm chưa từng có trong lịch sử Mỹ” – Báo cáo luận tội của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ.3. Khốc liệt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang năm thứ hai với nhiều đột biến, giằng co. Đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sụp đổ hồi tháng 5 và dần diễn biến căng thẳng với các đòn thuế ăn miếng trả miếng. Sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị G20 ở Nhật, hai nguyên thủ nhất trí tạm "đình chiến".
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc khiến thế giới quan ngại. |
Song, các cuộc thương lượng không đạt kết quả. Mỹ gọi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ", tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh ngưng mua một số mặt hàng nông sản Mỹ, áp thuế 10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ và kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới. Tháng 10, hai bên lại đình chiến để đàm phán. Hôm 12/12, Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một trên nguyên tắc với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ hiểu rõ về chính trị Mỹ, đặc biệt là chính trị Mỹ trong thời kì của ông Trump, hơn là chính quyền của ông Trump hiểu về chính trị Trung Quốc. Những lần ‘bắn trượt’ trong đàm phán thương mại gần đây là bằng chứng cho việc đó” - Daniel Russel, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.4. Thảm kịch 39 người Việt chết trên xe tải ở Anh
Ngày 23/10, cảnh sát Anh nhận được thông tin có 39 thi thể trong thùng xe công-ten-nơ đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade ở hạt Essex. Nhà chức trách đã bắt giữ tài xế Maurice Robinson cùng 4 nghi phạm. Ba nghi phạm được tại ngoại nhờ nộp tiền bảo lãnh. Nghi phạm thứ 4 - Christopher Kennedy bị bắt tại Dublin, CH Ireland và dẫn độ sang Anh xét xử.
Ảnh: Reuters |
Ngày 7/11, cảnh sát Anh xác nhận toàn bộ nạn nhân đều mang quốc tịch Việt Nam. Việt Nam đã phối hợp với Anh xác định danh tính các nạn nhân. Ngày 27 và 30/11, việc đưa thi hài, tro cốt của 39 nạn nhân về Việt Nam để trao cho gia đình hoàn tất. Trước đó, ngày 25/11, tài xế Robinson đã nhận tội hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Nghi phạm sẽ phải tiếp tục phải hầu tòa vì hàng chục tội danh khác.
“Nước Anh và cả thế giới rất bàng hoàng trước tấn thảm kịch, trước số phận nghiệt ngã của những người vô tội đã hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đất nước này” - Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trong sổ tang hôm 28/10.5. Biểu tình gây hỗn loạn ở đặc khu Hong Kong
Biểu tình chống dự luật dẫn độ bùng phát ở Hong Kong (Trung Quốc) từ tháng 3 và leo thang vào tháng 6 khi hàng trăm nghìn người đổ ra đường tuần hành rầm rộ cũng như xô xát với cảnh sát. Ngày 23/10, chính quyền Hong Kong đã chính thức rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong suốt nhiều tháng. Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường.
Biểu tình dữ dội và kéo dài ở Hong Kong. Ảnh: Scmp |
Ngày 24/11, Hong Kong tiến hành bầu cử hội đồng cấp quận, thu hút hơn 2,9 triệu cử tri, tương đương hơn 1/2 dân số của đặc khu tham gia. Các ứng viên ủng hộ phong trào dân chủ ở đặc khu chiến thắng áp đảo, giành gần 90% trong số 452 ghế hội đồng quận. Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam cam kết chính quyền tôn trọng kết quả bầu cử.
"Dự luật đã gây nhiều chia rẽ trong xã hội" - Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam thừa nhận trong cuộc họp báo hôm 15/6 về quyết định ngưng vô thời hạn việc thảo luận dự luật dẫn độ.6. Thủ lĩnh khét tiếng của IS đã bị tiêu diệt
Thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tập kích ở tây bắc Syria vào ngày 27/10. Trùm khủng bố đã trốn tới một đường hầm đào bên dưới nơi trú ẩn và mang theo ba đứa con nhỏ. Ông ta bị chó đuổi đến ngõ cụt thì kích nổ áo vest tự sát đang mặc trên người..
Trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi |
Trùm khủng bố IS bị tiêu diệt giữa lúc tình hình Syria đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với quyết định rút quân bất ngờ chóng vánh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và chiến dịch Mùa xuân Hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ phát động hai tuần ở phía bắc Syria nhằm đẩy dân quân người Kurd khỏi khu vực và lập ra một vành đai rộng 30km.
"Al-Baghdadi đã bị giết chết... trong một cuộc tập kích táo bạo vào ban đêm" - Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong cuộc tấn công của Mỹ ở tây bắc Syria.7. Cuộc ly hôn dai dẳng của nước Anh với EU
Tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) vẫn là một bài toán đau đầu đối với xứ sở sương mù. Hôm 20/12, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật thoả thuận rút lui, mở đường cho Anh rời EU vào 31/1/2020. Theo kế hoạch, sau khi rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp. Nước này chỉ còn là thành viên EU trên danh nghĩa và hai bên sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận về mối quan hệ hậu Brexit.
Trước đó, với thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 12/12, Thủ tướng Boris Johnson được cho là sẽ có nhiều thuận lợi trong việc giải quyết dứt điểm Brexit. Bà Theresa May, người tiền nhiệm của ông Johnson, hồi tháng 5 đã phải tuyên bố từ chức. Bà May đã đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ chính các nghị sĩ trong đảng cầm quyền, nhằm buộc bà phải rút khỏi ghế lãnh đạo chính phủ do những bất đồng sâu sắc liên quan đến tiến trình Brexit.
“Cái giá mà nước Anh phải trả cho giải pháp Brexit cứng, bởi vì nước Anh, người chịu thiệt hại chính sẽ được bù đắp bởi nước Mỹ? Không, ngay cả khi đó là một lựa chọn chiến lược, nó cũng sẽ để lại cho nước Anh một vị thế kém cỏi trong lịch sử. Tôi không nghĩ đó là điều ông Boris Johnson muốn. Tôi không nghĩ đó là điều người dân Anh mong đợi” – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hôm 21/8, khi cho rằng Brexit không thỏa thuận là lỗi do nước Anh tự gây ra, và không liên quan gì tới EU.8. Mỹ - Iran ngấp nghé bờ vực chiến tranh
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2019. Vụ tấn công các tàu chở dầu ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và ở Vịnh Oman đã khiến bầu không khí tại Trung Đông trở nên nghẹt thở. Mỹ tố cáo Iran đứng sau các vụ tấn công, và nhiều lần huy động lực lượng bổ sung đến khu vực, bất chấp việc Tehran phủ nhận những cáo buộc.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt |
Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục thực hiện chiến dịch “sức ép tối đa” khi đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran, bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Trong khi đó, Iran liên tục đưa ra các cảnh cáo và vi phạm giới hạn trong hiệp ước hạt nhân JCPOA. Căng thẳng giữa hai nước hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Việc áp dụng các lệnh trừng phạt vô nghĩa lên Lãnh đạo Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và người chỉ huy ngoại giao của Iran Mohammad Javad Zarif là một hành động đóng cửa vĩnh viễn con đường ngoại giao (với Mỹ)” - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi cho biết hôm 25/6.9. Đoàn Thị Hương hạnh phúc ngày trở về
Sớm ngày 3/5, Đoàn Thị Hương đã được nhà chức trách Malaysia trả tự do, sau hơn hai năm bị giam giữ để xét xử với cáo buộc liên quan tới vụ công dân Triều Tiên Kim Chol - người được cho là Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - bị sát hại ở sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017 bằng chất độc thần kinh VX.
Đoàn Thị Hương. Ảnh: AP |
Trong đêm cuối cùng tại nhà tù nữ Kajang, Đoàn Thị Hương đã viết một bức thư thành tâm, cảm ơn những người giúp cô được tự do. Hương bày tỏ sự biết ơn đối với Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các luật sư của cô cũng như giới truyền thông.
“Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện cho tôi ở nhà thờ cũng như ở nhà. Tôi rất hạnh phúc và cảm ơn các bạn rất nhiều” - Đoàn Thị Hương viết trong thư cảm ơn những người giúp cô được tự do.10. Boeing 737 Max - Niềm hy vọng sụp đổ
2019 là năm đầy sóng gió của niềm tự hào nước Mỹ Boeing, khi ‘đứa con’ mang theo hi vọng tương lai của hãng này - mẫu máy bay thế hệ mới nhất 737 Max vướng vào khủng hoảng. Sau hai vụ tai nạn liên tiếp của Lion Air và Ethiopian Airlines giết chết tổng cộng 346 người, chiếc máy bay đang là mẫu bán chạy nhất của Boeing chính thức bị cấm bay trên toàn cầu.
Hàng trăm chiếc Boeing 737 Max đang nằm chờ được bay. Ảnh: Reuters |
Bê bối khiến doanh thu của Boeing tụt dốc không phanh, thậm chí không nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào trong nhiều tháng trời. Hàng trăm chiếc 737 Max được sản xuất ra phải lưu kho, trong khi hàng trăm chiếc đã bán ra cũng ‘nằm bãi’ đợi lệnh cấm được gỡ bỏ. Đến tháng 12/2019, Boeing buộc phải thông báo tạm ngừng sản xuất 737 Max.
"Điều này là đáng ngờ. Ở đây chúng ta có một chiếc máy bay mới, đã rơi hai lần trong năm. Điều này gióng lên một hồi chuông báo động trong ngành công nghiệp hàng không" - Bà Mary Schiavo, nhà phân tích hàng không, cựu Tổng thanh tra Bộ Giao thông Mỹ, nói với CNN.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn