Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng)
Luật sư Lê Cao nói: “Cho đến nay, khi đã có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền xác định Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) cảng Quy Nhơn có sai phạm, có hành vi trái luật thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Doanh nghiệp có thể yêu cầu bồi thường các thiệt hại như: thiệt hại thực tế, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập của doanh nghiệp bị mất hoặc giảm sút... Do đó, không thể chỉ tính thiệt hại được bồi thường chỉ là chi phí lưu kho, bởi theo chúng tôi đó chỉ là chi phí rất nhỏ so với các thiệt hại khác mà doanh nghiệp phải gánh chịu”.
Cũng theo ông Cao, doanh nghiệp cần tổng hợp, thống kê các thiệt hại thực tế trong quá trình hàng hóa không lưu thông, các thiệt hại về lãi vay ngân hàng, thiệt hại do mất cơ hội kinh doanh, thiệt hại do hàng hóa bị hư hỏng (nếu có)... Đồng thời, pháp luật cũng quy định doanh nghiệp được bồi thường cả chi phí thực tế doanh nghiệp đã bỏ ra trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ như: chi phí tàu xe, đi lại, ăn ở, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng...
“Như vậy, theo chúng tôi doanh nghiệp có các yêu cầu về bồi thường thiệt hại phát sinh mà doanh nghiệp phải gánh chịu là chính đáng. Tuy nhiên cần có hồ sơ, đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại một cách có căn cứ, tập hợp những căn cứ hợp lý hợp pháp để đảm bảo việc bồi thường được giải quyết thuận lợi. Nếu cơ quan đã làm sai không chịu bồi thường thì có thể khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường theo luật định”, luật sư Lê Cao cho hay.
Lô hàng của doanh nghiệp hiện vẫn đang nằm trong cảng Quy Nhơn
Như Một Thế Giới đã có nhiều bài viết, cán bộ Chi cục HQCK cảng Quy Nhơn đã có nhiều sai phạm khi làm thủ tục thông quan lô hàng dây hàn MIG Metallic của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tuệ Mẫn (13 đường số 9, KP5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) vào tháng 8.2016.
Khi phía hải quan có nhiều biểu hiện sai phạm, bà Trần Thị Lệ Thanh, Giám đốc công ty này đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp trong hệ thống hải quan. Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều công văn chỉ đạo xử lý vụ việc.
Theo quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 do ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định ký thì đã công nhận 6/9 nội dung khiếu nại của bà Trần Thị Lệ Thanh đối với Chi cục HQCK cảng Quy Nhơn là đúng. Có 2/9 nội dung đúng một phần và 1 nội dung sai hoàn toàn.
Hải quan tỉnh Bình Định cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật 3 cán bộ gồm ông Bùi Xuân Bắc, Chi cục trưởng; ông Phạm Đức Long, Đội trưởng Đội thủ tục và bà Nguyễn Lê Tuyết, công chức Chi cục. Theo đó, ông Bắc và ông Long bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và chính quyền. Ông Long bị mất chức đội trưởng và chuyển về phòng Tham mưu của Cục Hải quan Bình Định. Bà Nguyễn Lê Tuyết cũng bị điều chuyển về phòng Tham mưu.
Tác giả bài viết: Lê Đình Dũng
Nguồn tin: Theo Một thế giới:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn