Theo báo cáo của Easday, hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chịu áp lực lớn từ các vòng luận tội đầy căng thẳng, trong đó ông Trump phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực tổng thống của các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Trong bối cảnh này, Iran và 9 nước châu Âu đã thực hiện hành động “đổ thêm dầu vào lửa” nhằm gia tăng áp lực với ông Trump.
Iran tiến hành "phản đòn" ngoạn mục khi khởi kiện Mỹ trong lúc chính trường Mỹ rối ren vì Trump. Nguồn: Easday. |
Iran khởi kiện, yêu cầu Mỹ bồi thường
Truyền thông Iran ngày 3/12 cho biết, Chính phủ Iran đang hoàn thiện một Nghị quyết với hơn 360 “tội danh” nhằm vào Mỹ và Tổng thống Trump, Nghị quyết này sẽ được Iran gửi đến Liên hợp quốc để kiện Mỹ và yêu cầu Mỹ bồi thường 130 tỉ USD cho những thiệt hại của Iran vì các lệnh trừng phạt và hành động của Mỹ.
Theo báo cáo, 130 tỉ USD bồi thường cho Iran là để hỗ trợ Iran khắc phục các thiệt hại về kinh tế cũng như quân sự. Tháng 5/2018, Nhà Trắng đã đơn phương tuyên bố phá vỡ “thỏa thuận hạt nhân Iran”, sau đó đã tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Iran, nhằm ngăn chặn Iran bán dầu ra thế giới. Kể từ tháng 5/2019, Mỹ tiếp tục tiến hành trừng phạt Iran bằng “đòn hiểm”, không chỉ liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào “danh sách đen” quốc tế, mà còn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và miễn trừ thuế đối với một số quốc gia, để giá dầu của Iran thực sự giảm xuống 0 điểm.
Ông Trump ký sắc lệnh trừng phạt lãnh đạo cao nhất của Iran. Nguồn: Eastday. |
Đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran đã phải tăng giá dầu trong nước để vượt qua khủng hoảng, điều này dẫn đến các cuộc đụng độ dữ dội tại hàng trăm thành phố ở Iran. Mỹ đã sử dụng biện pháp kinh tế để khiến Iran trở nên hỗn loạn hơn mà không cần đến hành động quân sự. Nhưng khi Iran dẹp yên được tình trạng hỗn loạn nội bộ, Hải quân Mỹ đã ngay lập tức đưa tàu sân bay USS Abraham Lincoln tiến vào Vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz để gây áp lực với Iran.
Ngoài ra, Mỹ cũng đổ lỗi và buộc Iran chịu trách nhiệm về 2 cuộc tấn công tàu chở dầu liên tiếp ở Vịnh Ba Tư. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắn hạ máy bay không người RQ-4 của Mỹ ở miền nam Iran đã làm Mỹ “nổi giận” vì “mất thể diện”. Hành động này đẩy hai nước đến gần bờ vực chiến tranh và Mỹ đã điều động nhiều phương tiện, lực lượng ở Trung Đông chuẩn bị phát động một cuộc chiến nhằm vào Iran. Mặc dù cuộc chiến này đã được Tổng thống Trump đình chỉ 10 phút trước khi xảy ra, nhưng nó đã tạo ra nhiều hệ lụy cho Tehran.
Hành động của Iran được cho là “đòn phản kích ngoạn mục” và đúng thời điểm đối với nước Mỹ, vốn đang rối ren bởi những cáo buộc lạm dụng quyền lực của Tổng thống Trump.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ làm tình hình đất nước Iran "điêu đứng". Nguồn: Eastday. |
Châu Âu bất chấp Mỹ trừng phạt để giao dịch với Iran
Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển hôm 30/11 đã nhất trí tham gia vào hệ thống thanh toán thương mại mậu dịch của công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) do Anh, Pháp và Đức thành lập. INSTEX nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại hợp pháp với Iran, về dài hạn, INSTEX hướng tới không hạn chế các doanh nghiệp đến từ nước thứ ba muốn buôn bán với Iran.
Ngoài ra, INSTEX còn nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch này vào năm 2015. Đối với Iran, quốc gia đang chịu “áp lực cực hạn” từ Mỹ thì việc có thể nhận được sự hỗ trợ của 9 quốc gia châu Âu cùng một lúc chắc chắn sẽ tạo thành một bước ngoặt trong “cuộc chiến” Iran – Mỹ.
9 nước châu Âu bất chấp Mỹ đe dọa cấm vận để tham gia INSTEX để hỗ trợ giao dịch với Iran. Nguồn: Eastday. |
Giới phân tích quốc tế tin rằng, hành động của 9 quốc gia châu Âu là một đòn “trời giáng” vào nỗ lực của Mỹ trong việc “bóp nghẹt” huyết mạch kinh tế của Iran. Mặc dù Mỹ vẫn đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hoặc doanh nghiệp tiếp tục giao dịch với Tehran, nhưng đây là vấn đề trong tương lai, còn đối với hiện tại, hành động của các nước châu Âu đang làm gia tăng áp lực lên Tổng thống Trump trong bối cảnh ông Trump đang đối mặt với cáo cáo lạm dụng quyền lực.
Giới phân tích chỉ ra rằng, hành động của các nước châu Âu là hệ quả tất yếu của các phản ứng dây chuyền từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran, thì các hoạt động hạt nhân của Iran sẽ có thể “đảo ngược”. Nói một cách khách quan, phản ứng của Iran đưa ra là hết sức kiềm chế và thận trọng nhằm cố gắng cứu thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Trump với nhiều quyền lực trong tay đã gây áp lực buộc các đồng minh châu Âu từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và ngừng giao dịch dầu mỏ với Iran.
Cùng với đó, sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, châu Âu đã “theo” Mỹ để tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Điều này làm các nước châu Âu không thể nhập khẩu dầu từ Nga, nhập khẩu dầu của Iran là biện pháp duy nhất để giải tỏa “cơn khát dầu” của châu Âu. Tuy nhiên, vì lợi ích riêng, Chính phủ của Donald Trump đã buộc Liên minh châu Âu ngừng giao dịch dầu mỏ với Iran.
Hành động của 9 nước châu Âu là hệ quả của việc mất lòng tin vào chính sách của ông Trump. Nguồn: Eastday. |
Điều này không chỉ gây tổn hại cho các hoạt động kinh tế bình thường của Iran, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và lợi ích chiến lược của các nước châu Âu. Hệ lụy của vấn đề này đã buộc các nước châu Âu tạo ra một cơ chế giải quyết thương mại của bên thứ ba, để có thể cùng nhau chống lại mối đe dọa trừng phạt của Mỹ, đồng thời hạn chế sự ảnh hưởng của đồng USD với nền kinh tế châu Âu.
Có thể nói, trong thời khắc “đặc biệt” của ông Trump hiện nay, hành động của Iran và châu Âu sẽ là “cái cớ” để các lực lượng đối lập với ông Trump gia tăng các cáo buộc luận tội, hành động này cũng sẽ làm cho chính trường Mỹ xuất hiện nhiều “ẩn số” khó đoán trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Đức Trí (lược dịch)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn