Bà Yingluck chưa xin tị nạn, Thái Lan không xác định được vị trí để phát lệnh dẫn độ

Thứ bảy - 07/10/2017 22:55
(Phapluat News) - Nhóm pháp lý của bà Yingluck sẽ sử dụng cáo trạng chi tiết của tòa án Thái Lan làm cơ sở xin tị nạn.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Nation
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Nation

 


Nation (Thái Lan) dẫn nguồn tin từ nhóm pháp lý của bà Yingluck cho hay, cựu Thủ tướng Thái Lan đang cân nhắc xin tị nạn chính trị tại Anh, Pháp và Đức. 

Hiện giờ, lựa chọn được cân nhắc hơn cả là Anh, nơi bà Yingluck đang cư trú dưới hình thức thị thực du lịch. Nguyên do là bởi anh trai bà Yingluck, ông Thaksin có nhà ở Anh, nguồn tin cho hay. 

"Bà Yingluck rất ổn. Bà thích cùng bạn bè thân thiết nấu đồ Thái. Nhưng bà sẽ im lặng một thời gian", nguồn tin của Nation nói. 

Bà Yingluck đã rời khỏi Thái Lan hồi cuối tháng 8 để tới Dubai và London. Hiện bà Yingluck đang chuẩn bị nộp đơn xin tị nạn chính trị, nhưng trước tiên cần phải có cáo trạng đầy đủ của tòa án. Nhóm pháp lý của bà Yingluck sẽ sử dụng cáo trạng chi tiết của tòa án Thái Lan đối với trường hợp của bà để làm cơ sở xin tị nạn. 

"Chúng tôi cần chứng minh rằng bà Yingluck đang bị ngược đãi về mặt chính trị", nguồn tin của Nation cho biết, "Ở Thái Lan sẽ không an toàn cho bà ấy. Chúng tôi sẽ nói với đất nước bà ấy xin tị nạn rằng bà ấy phải đối mặt với hệ thống pháp lý bất công kể từ khi chính phủ của bà ấy bị lật đổ và bà ấy phải rời khỏi đất nước". 

Xin tị nạn tại Anh không phải là việc dễ. Hầu hết các đơn xin tị nạn đều bị từ chối bởi cơ chế phức tạp và nghiêm ngặt. Năm ngoái, chỉ có 28% đơn xin tị nạn được chấp nhận. 

Theo số liệu của Hội đồng Tị nạn, chỉ từ tháng 1 đến tháng 8/2017, có 10.836 quyết định được đưa ra trong số 12.688 đơn xin tị nạn nộp lên chính phủ Anh. Và trong đó, chỉ có 3.731 trường hợp được thông qua (bao gồm cấp quy chế tị nạn, bảo vệ nhân quyền, cư trú theo thẩm quyền và các hình thức bảo trợ khác). 7.105 yêu cầu còn lại đều bị từ chối.

Chuyên gia pháp lý Thanakrit Worathanatchakul cho biết, nếu bà Yingluck xin tị nạn ở Anh thì bà có thể làm đơn xin tị nạn trước khi tới nơi. 

Những người xin tị nạn ở Anh phải thể hiện được rằng mình không thể quay trở về quê hương bởi sợ bị ngược đãi do các vấn đề như chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc quan đểm chính trị. Chính quyền Anh sẽ mất 6 tháng để xem xét yêu cầu. Nếu quy chế tị nạn được cấp, họ có thể ở lại Anh trong vòng 5 năm. 

Sau khoảng thời gian đó, nếu họ vẫn sợ bị ngược đãi thì có thể xin cư trú tại Anh. Cũng có thể họ sẽ được Anh bảo vệ nhân quyền thay vì cấp quy chế tị nạn. Trong trường hợp này, họ cũng được phép lưu trú tại Anh trong 5 năm. Người tị nạn cũng có thể đệ đơn lên tòa án Anh nếu yêu cầu của họ bị Bộ Nội vụ Anh từ chối. 

Chính quyền Thái Lan sẽ vẫn nỗ lực tìm cách dẫn độ bà Yingluck về nước. 

Tổng chưởng lý Khemchai Chutiwong cho hay: Về mặt lý thuyết, các quốc gia bị cấm dẫn độ tội phạm chính trị, tuy nhiên, bà Yingluck là một trường hợp tham nhũng thông thường và không liên quan tới bối cảnh chính trị ở Thái Lan. 

Lo ngại chính hiện giờ là liệu các cơ quan có thể xác định được bà Yingluck đang ở đâu hay không, bởi nếu không có được thông tin này thì không thể gửi yêu cầu dẫn độ. 

Được biết, nước sở tại sẽ có toàn quyền quyết định đối với yêu cầu dẫn độ. "Họ có thể coi đây là một vụ việc liên quan tới chính trị nhưng chúng tôi có những bằng cớ chắc chắn để bác bỏ quan điểm ấy", ông Chutiwong nói.

Tháng trước, Tòa án Tối cao Thái Lan đã tuyên án vắng mặt đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.  Theo đó, bà sẽ phải nhận án tù 5 năm vì sao nhãng trong công tác quản lý chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi. 

Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây