Tham vọng dự án du lịch hàng trăm tỷ đồng
Nhiều người dân địa phương không bất ngờ khi ông Lê Văn Thiệt (SN 1962) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (Công ty Thương Thảo) bị công an bắt giữ.
Ông Thiệt vốn dân gốc ở làng An Hội (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn), thời trai trẻ lăn lộn khắp các tỉnh Tây Ninh, Đắk Lắk... làm đủ nghề để kiếm sống. Thời đó, ông từng có ý tưởng lên vùng núi La Vuông (xã Hoài Sơn) lập nghiệp nhưng do đường sá khó khăn, kinh tế chưa ổn định nên giấc mơ đành gác lại.
Ông Lê Văn Thiệt trong một lần giới thiệu về vùng đất La Vuông với người dân. Ảnh: tư liệu
Tháng 7.2004, sau nhiều năm bôn ba, ông Thiệt thuê lại hàng trăm ha đất của nông trường nằm trên đỉnh núi La Vuông để làm nông nghiệp. Ai nấy cũng kinh ngạc bởi lúc này ông đang “cầm trịch” 1 doanh nghiệp có tiếng tăm, kinh doanh đủ ngành nghề nhưng đòi lên núi ấp ủ giấc mơ làm giàu, đúng là chuyện ngược đời.
Đỉnh núi La Vuông nằm trên độ cao hơn 600m, những trảng đồi bằng phẳng trông như một thảo nguyên đón chào ông Tổng giám đốc ở đồng bằng với rất nhiều hy vọng nhưng cũng không ít nghi ngại. Xong thủ tục, ông Thiệt lập ngay dự án đa dạng hóa nông nghiệp. Khởi động cho dự án này, ông đầu tư 3 tỷ đồng để trồng gần 100ha dứa nhằm cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nước hoa quả.
Mất gần 4 năm nhưng khi đỉnh núi La Vuông ngập ngụa bởi hàng tấn dứa thối do không tiêu thụ được là thời điểm giấc mơ của ông thất bại. Lỡ hẹn với dứa, ông chuyển sang trồng rừng. Là người đầu tiên phục hóa vùng đất La Vuông, người địa phương từng gán cho ông cái tên “vua rừng” bởi diện tích rừng do Công ty ông sở hữu vô cùng lớn. Năm 2012, Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn tại xã Hoài Sơn (trực thuộc Công ty Thương Thảo) ra đời với công suất chế biến dăm 100 ngàn tấn/năm với ý tưởng giải quyết đầu ra cho ngành trồng rừng.
Lô gỗ không giấy tờ tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn (trực thuộc Công ty Thương Thảo) đang bị cơ quan chức năng tạm giữ.
Từ năm 2015, ông Thiệt thực hiện thí điểm dự án nông trại hữu cơ, trồng cây cảnh, trồng rau, trồng hoa, xây dựng hồ cá, trang trại trên đỉnh La Vuông. Theo lãnh đạo Công ty Thương Thảo, tại La Vuông công ty này đang sở hữu 253ha rừng trồng, tiến hành nuôi cừu, bò để lấy phân bón trồng cây và dùng 39ha làm khu du lịch.
“Với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, ông Thiệt có tham vọng “biến” đỉnh La Vuông trở thành khu du lịch sinh thái trang trại Nông-Lâm nghiệp. Hiện nay, công ty này đang tính toán xây dựng con đường đi lên La Vuông với số tiền ước tính hơn 20 tỷ đồng”, một lãnh đạo công ty chia sẻ.
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”
Theo lời tự giới thiệu, Công ty Thương Thảo do ông Lê Văn Thiệt làm Tổng giám đốc được thành lập vào năm 2002 và là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất Nông-Lâm nghiệp tại tỉnh Bình Định. Với phương châm phát triển bền vững, hướng tới một xã hội phồn vinh, tốt đẹp, công ty này hoạt động nhiều lĩnh vực như: kinh doanh trồng rừng, chế biến lâm sản, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi hỗn hợp, thi công xây dựng công trình đường bộ, dân dụng công nghiệp, san lấp mặt bằng, sản xuất nguyên liệu giấy, sản phẩm gỗ, nhà hàng, khách sạn....
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty Thương Thảo, khi hỗ trợ gần 500 triệu đồng để xây dựng cổng chào vào xã Hoài Sơn với mục đích công ích xã hội, cống hiến cho quê hương, nhiều người lại “đồn thổi” ác ý rằng phía Công ty làm việc phi pháp, lấy cổng che lấp tội lỗi.
Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn (trực thuộc Công ty Thương Thảo) nơi phát hiện lô gỗ lậu.
Năm 2016, Công ty Thương Thảo “dính chàm” vì liên quan đến việc sử dụng đất rừng trái phép tại xã Hoài Sơn. Theo nguồn tin của Dân Việt, vụ việc này rất nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, giao cho Công an tỉnh Bình Định điều tra với tổng diện tích bị tàn phá lên đến 30ha nhưng Công ty chỉ bị xử phạt 80 triệu đồng, không ai bị xử lý hình sự?
Đầu tháng 9.2017, lực lượng chức năng phát hiện 60,9ha rừng bị tàn phá tại xã An Hưng (huyện An Lão). Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu công an địa phương bằng mọi cách phải tìm cho ra kẻ cầm đầu.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định thông tin, doanh nghiệp đã “kêu gọi” nông dân chia nhỏ để nhận trách nhiệm phá rừng với mục đích chạy tội.
Thời điểm đó, lực lượng chức năng đã phát hiện lô gỗ không có giấy tờ nghi do lâm tặc tàn phá (tại xã An Hưng) có khối lượng hơn 26m3 và 28ster củi cháy tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn (trực thuộc Công ty Thương Thảo).
Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Thiệt vào tối 9.10
Ngày 20.9, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 người để điều tra về tội hủy hoại rừng, gồm ông Phan Dễ và Nguyễn Văn Ri (cùng trú tại huyện Hoài Nhơn) để mở rộng điều tra vụ án.
Lãnh đạo địa phương cho rằng 2 người bị bắt chỉ là người làm thuê, trong đó có 1 người trước đây là lái xe cho Công ty do ông Thiệt làm Tổng giám đốc.
Trao đổi với Dân Việt, bà Hồ Thị Thùy Linh - Phó tổng giám đốc Công ty Thương Thảo - cho rằng phía Công ty bị oan và không liên quan đến lô gỗ này vì đã cho 1 người quản đốc của nhà máy thuê lại xưởng để hoạt động(?).
Hiện trường gần 61ha rừng bị tàn phá, ông Lê Văn Thiệt được xác định là nghi phạm chủ mưu.
Đến ngày 9.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Lê Văn Thiệt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thương Thảo. Cơ quan điều tra xác định, ông Thiệt chính là nghi phạm chủ mưu của vụ phá rừng tại xã An Hưng. Ông Thiệt bị khởi tố để điều tra về tội danh hủy hoại rừng. Đồng thời, lô gỗ không có giấy tờ tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn được xác định do vận chuyển từ khu vực rừng bị phá (xã An Hưng).
Như vậy, đang trên con đường chinh phục giấc mơ du lịch Nông-Lâm nghiệp ở núi cao, Tổng giám đốc của 1 doanh nghiệp đã dính vòng lao lý.
Nguồn tin: Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn