"Chỉ có giải pháp duy nhất (cho vấn đề Triều Tiên)" - ông Donald Trump chia sẻ trên Twitter hôm 7-10, sau khi nói rằng các đời tổng thống Mỹ trước đây và chính quyền của họ đã đàm phán với Bình Nhưỡng trong suốt 25 năm qua nhưng không có tác dụng. Phát ngôn của vị tổng thống khó lường được đưa ra giữa lúc nhiều người vẫn chưa hết thấp thỏm với lời bóng gió về một "cơn bão" sắp đến của ông sau khi khi thảo luận về vấn đề Iran và Triều Tiên với các lãnh đạo quan trọng nhất của quân đội Mỹ hôm 5-10.
Bình luận này cũng đánh dấu sự leo thang mới nhất trong những lời qua tiếng lại chất chứa đầy đe dọa giữa tổng tư lệnh của nước Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người đã liên tục phóng hàng chục tên lửa trong công cuộc theo đuổi mục tiêu tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân. Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên (KCNA) hôm 8-10 dẫn phát biểu của nhà lãnh đạo họ Kim tại Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức tại Bình Nhưỡng một ngày trước đó nói rằng vũ khí hạt nhân là biện pháp ngăn chặn uy lực nhất nhằm bảo đảm chủ quyền.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động khóa VII ở Bình Nhưỡng hôm 7-10 Ảnh: KCNA
Cả hai phía đều không có dấu hiệu lùi bước khiến bế tắc trên bán đảo Triều Tiên ngày một lún sâu. Tờ The New York Times hôm 8-10 đã có bài viết lột tả một góc nhìn hiếm thấy về thế bế tắc này từ chính các nhà báo vừa trở về sau thời gian trải nghiệm ở đất nước bí ẩn nhất thế giới hồi tuần rồi.
"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên giống như đêm trước của ngày xảy ra chiến tranh hạt nhân". Đó là lời của ông Choe Kang-il, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói với các nhà báo The New York Times. Khi được hỏi điều đó có nghĩa là chiến tranh không thể tránh khỏi, ông Choe cho hay: "Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào thái độ của Mỹ".
Cũng theo ghi nhận của các nhà báo này, không có dấu hiệu nào về việc huy động quân sự bất thường ở Bình Nhưỡng cũng như dọc biên giới với Hàn Quốc cho thấy xung đột sắp xảy ra. Các binh sĩ Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn làm nhiệm vụ như thường lệ tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên kể từ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trong khi du khách cũng như các nhà báo vẫn đến đó. Tuy nhiên, sau 4 ngày ở Triều Tiên, họ không chắc rằng cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ kết thúc êm đẹp.
Ở ngay trong lòng đất Triều Tiên, các nhà báo Mỹ đã cảm nhận rõ ràng sự bình tĩnh và tự tin của những người dân nước này nói về khả năng chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ. Họ cho biết một số người Triều Tiên ghét chính phủ Mỹ nhưng không có ý xấu với người dân xứ cờ hoa và muốn sống trong hòa bình.
Qua lời nói của ông Choe, Triều Tiên hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc hạt nhân nhằm tự vệ trước sự đe dọa hạt nhân, các lệnh trừng phạt và sự khiêu khích của Mỹ. Vị quan chức này cũng khẳng định Bình Nhưỡng phải thiết lập sự cân bằng quyền lực để giữ khoảng cách an toàn với Washington, cuối cùng thay thế chiến tranh Triều Tiên bằng hiệp ước hòa bình vĩnh viễn và tập trung phát triển kinh tế.
Tác giả bài viết: Xuân Mai - Thu Hằng
Nguồn tin: nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn