Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, cách chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.Việc kỷ luật nghiêm khắc này đối với ông Tất Thành Cang, thêm một lần cảnh tỉnh, cảnh báo về việc tự tu dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo trẻ.
Việc kỷ luật nghiêm khắc này đối với ông Tất Thành Cang, thêm một lần cảnh tỉnh, cảnh báo về việc tự tu dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo trẻ. Ảnh: PLO |
Thành danh sớm, “ngã ngựa” nhanh
Thăng tiến nhanh, thành danh sớm, không ít người, nhất là người trẻ từng được đặt kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” được “gieo trồng” đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại nhiều “thành quả” cho quốc gia, xã hội đã không lo tu dưỡng nên nhanh chóng bị hạ gục bởi “viên đạn” lợi ích.
Vụ việc kỷ luật ông Tất Thành Cang khiến nhiều người nhớ lại cách đây hơn một năm, ngày 6/10/2017, ông Nguyễn Xuân Anh đã bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Ít lâu sau đó, ông Nguyễn Xuân Anh cũng bị HĐND Thành phố Đã Nẵng bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND Thành phố này.
Trong khoảng hơn một năm, việc Đảng ta kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang, những người giữ trọng trách ở hai thành phố lớn, thêm một lần minh chứng Đảng ta đang rất nỗ lực quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó cũng cho thấy kỷ luật Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã và đang được thực hiện nhất quán, kiên quyết, triệt để.
Cả hai ông được bầu chức danh Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Đại hội XI của Đảng năm 2011, khi đó ông Anh mới 35 tuổi, còn ông Cang vừa tròn tuổi 40. Đến Đại hội XII của Đảng năm 2016, hai ông tiếp tục có “bước phát triển về chất” khi được Đại hội tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nhớ lại lời cổ nhân “Tam thập nhi lập” (nghĩa là khi người ta ở độ tuổi 30 thì sự tự thân lập nghiệp mới có thể chắc chắn, vững vàng) và “Tứ thập nhi bất hoặc” (nghĩa là khi người ta ở độ tuổi 40 có thể thấu hiểu mọi đạo lý trong thiên hạ, phân biệt được hay- dở, phải- trái, đúng- sai, biết được cái gì nên hay không nên).
Tuổi trẻ, chí lớn, tài cao, lại có thêm chút may mắn trên con đường công danh sự nghiệp, đáng ra cả hai cán bộ ở lứa tuổi U40 này với cương vị trọng trách của mình phải thể hiện đúng nghĩa “Tứ thập nhi bất hoặc”, thì hai người lại sớm ảo tưởng quyền lực, để cho “mồi phú quý, bả vinh hoa” làm hoa mắt, từ đó trượt dài trên con đường sai phạm.
Từ chỗ đứng trên “đỉnh cao” quyền lực khi tuổi đời còn khá trẻ, điều gì đã khiến ông Nguyễn Xuân Anh, ông Tất Thành Cang “ngã ngựa” một cách đau đớn như vậy?
Thật không khó để nhìn nhận ra vấn đề. Vì sớm tiếp xúc với quyền lực, bị quyền lực “chi phối, điều khiển” khiến cả hai người đã ít nhiều bị quyền lực tha hóa. Đều là những người học cao, hiểu rộng, nắm chắc nguyên lý, nguyên tắc, cương lĩnh, điều lệ, quy định, kỷ luật của Đảng, đáng ra hai ông phải tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, nhưng cả hai người đều có chung một khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thuộc về bản chất của Đảng
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, quan trọng hàng đầu và thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là vi phạm một trong những vấn đề có tính đặc trưng cốt lõi, từ đó dễ làm suy yếu Đảng từ bên trong.
Từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ đã khiến ông Nguyễn Xuân Anh tiếp tục “Vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt, trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền”; còn ông Tất Thành Cang sa vào “Vi phạm quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố”.
Tóm lại, từ vi phạm nguyên tắc đặc biệt quan trọng này trong tổ chức, sinh hoạt Đảng, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang đã trượt dài, lún sâu vào nhiều sai phạm hơn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, gây bức xúc trong xã hội, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp dẫn đến những khuyết điểm, vi phạm của hai cán bộ lãnh đạo trẻ này là thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không giữ được bản lĩnh chính trị, để cho “quyền lực” cám dỗ rồi có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không làm tròn cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nhưng mặt khác, cũng phải nói rằng, nếu như có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả hơn; nếu như cấp ủy, tổ chức đảng nơi ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang sinh hoạt duy trì nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; nếu như công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp làm đến nơi đến chốn ngay từ đầu thì cũng có thể kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những khuyết điểm của hai người, từ đó có thể giữ được cán bộ.
Phải luôn “Nghĩ mình phương diện quốc gia”…
Đảng đang có chủ trương “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ, mạnh dạn cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ trẻ được học hành, đào tạo bài bản, có trình độ cao, năng lực chuyên môn, nhiều triển vọng phát triển vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì thế, hai nhiệm kỳ Đại hội XI, XII Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng đã bầu các cán bộ trẻ vào vị trí Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đó là một chủ trương đúng và trên thực tế, phần lớn những cán bộ được bầu vào chức danh quan trọng này cơ bản đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và cống hiến tài năng, công sức của mình vào sự nghiệp chung.
Tuy vậy, nhân dân đòi hỏi những người được bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội của Đảng nói chung, những cán bộ trẻ nói riêng, phải luôn nghiêm khắc rèn luyện, tu dưỡng bản thân ở mọi lúc mọi nơi. Bất cứ một sự chểnh mảng, lơ là, buông lỏng, dễ dãi nào với chính mình, tự mình “thỏa hiệp” với những “cạm bẫy” vật chất và tinh thần thì đều có thể đưa đẩy cán bộ trẻ sa ngã vào con đường thoái hóa, biến chất.
Quan chức thời nào cũng vậy, dù ở cấp trung ương hay địa phương đều là “hình ảnh đại diện” của một thể chế chính trị, xã hội ấy. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo các cấp lúc nào cũng phải “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên nhắm xuống người ta trông vào” (Nguyễn Du), để từ đó chú trọng giữ gìn phẩm giá, uy tín và hình ảnh cá nhân xứng đáng với trọng trách được giao.
Chỉ khi cán bộ lãnh đạo giữ được hình ảnh tích cực cho bản thân thì mới giữ được tình cảm, giữ được niềm tin trong xã hội.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn