Vũ “nhôm” cùng loạt quan chức Đà Nẵng, TP.HCM vào lao lý
Lợi dụng chính sách nhà nước, hàng loạt nhà, đất công sản cho các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuê, sử dụng lâu dài làm trụ sở, kho bãi, cửa hàng... rồi xin ưu tiên mua lại (không đấu giá). Các DN này cùng với Công ty Quản lý nhà công sản đã tiếp tay cho Phan Anh Vũ - Vũ "nhôm" - thâu tóm chứ không sử dụng. Ngay sau khi được chính quyền phê duyệt cho bán thì lập tức khối công sản này về tay Vũ "nhôm" bằng cách sang nhượng kiếm lời ngay hoặc đầu tư, chia lô bán lời cao hơn.
Việc bán nhà đất công sản, chủ yếu cho "Vũ nhôm" (giữa) sai luật có vai trò của cá nhân lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bây giờ là ông Trần Văn Minh (trái), Văn Hữu Chiến (phải).
Sau khi Vũ “nhôm” vướng lao lý, hàng loạt cán bộ, quan chức, cựu quan chức của Đà Nẵng, TP HCM, cũng lần lượt bị khởi tố, bắt giam. Tính đến nay, đã có 20 người bị khởi tố, 1 người bị giáng chức vì vướng vào sai phạm với Vũ "nhôm".
Cụ thể, tối 19.4, ở Đà Nẵng, ông Phan Hữu Tuấn (nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an), ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an cùng bị khởi tố về hành vi Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. 2 người này sau đó lần lượt lĩnh 7 năm và 6 năm tù tại phiên tòa cuối tháng 7 vừa qua cùng Vũ “nhôm”.
Ngoài ra, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011) và ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2014), cũng bị khởi tố về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Hai người này bị cho là đã đồng ý bán nhiều lô đất ở vị trí “đắc địa” cho Vũ “nhôm” không thông qua đấu giá khi còn đương chức.
Tiếp đó, ngày 8.8, Trung tướng Bùi Văn Thành bị cách tất cả chức vụ Đảng và giáng cấp bậc hàm từ trung tướng xuống đại tá. Ông Thành bị cho là tự ý ký quyết định cho Vũ “nhôm” tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho ông ta không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
Đến chiều 18.9, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố đối với Đào Tấn Bằng (cựu Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, nguyên là Phó chánh văn phòng UBND TP, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng) và ông Nguyễn Viết Vĩnh (nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND TP Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa) về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Cùng ngày 18,9, tại TP HCM, cơ quan cảnh sát điều tra cũng có quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc 4 người: Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM), Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng UBND TP HCM), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM) về hành Vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Và mới đây, ngày 19.11, ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TNMT TP HCM) bị bắt về tội danh đã khởi tố trước đó.
Những người này được cho là đã có hành vi ký, tham mưu, giúp việc trong thương vụ bán hàng loạt nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm”. Những tài sản này đang được Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an điều tra vì nghi việc mua - bán chưa đúng pháp luật.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sai phạm rất nghiêm trọng của ông Tất Thành Cang
Ngày 21.12 vừa qua, Sở Xây dựng TP HCM gửi báo cáo lên UBND TP về kế hoạch tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với tập thể và cá nhân theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sở Xây dựng TP HCM và giám đốc sở từ năm 1996 đến nay phải rà soát, kiểm điểm các vi phạm liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm và có báo cáo kết quả trình UBND TP HCM trước ngày 1.1.2019.
Chỉ rõ nhiều sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. (ảnh Zing.vn)
Trước đó, sau hàng chục năm người dân khiếu kiện, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm lớn tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy trong quá trình triển thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan đã để xẩy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể về ranh giới quy hoạch, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585 gày 16.9.1998 đã điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền. Cụ thể giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 5 DN trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5000.
Liên quan đến dự án BT xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 12.11.2013, UBND TP.HCM và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM, khi đó là giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM (ủy viên UBND TP.HCM) thừa ủy quyền chủ tịch UBND TP đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó xác định tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỷ đồng.
Theo đó, Thông cáo Báo chí Kỳ họp 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), kết luận "những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Ông Tất Thành Cang còn sai phạm liên quan tới dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) khi chấp thuận chủ trương giao HĐTV và tổng giám đốc Công ty Tân Thuận quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển nhượng hơn 32ha đất cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai của nhà Cường đôla.
Sai phạm của ông Tất Thành Cang tại dự án khu dân cư đất Phước Kiển khi chấp thuận cho công ty Tân Thuận bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai
Được sự chấp thuận trên, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai của nhà Cường Đôla 32ha đất với giá 1.290.000 đồng/m2, tổng giá trị hơn 419 tỉ đồng. Giá chuyển nhượng này do Công ty Tân Thuận tự thẩm định.
Tháng 5.2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định. Thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình, việc chuyển nhượng theo Hợp đồng 203/HĐKT/2017 có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố.
5.000 “đất vàng” Lê Duẩn và ông Nguyễn Thành Tài bị khởi tố
Sáng 8.12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND TP HCM. Ông Tài bị khởi tố để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu "đất vàng" 5.000m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1. Đây cũng là nội dung được nêu rõ trong kết luận thanh tra hồi tháng 5 năm nay liên quan đến ông Tài trong việc chuyển nhượng lô đất trên.
Ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND TP HCM, bị khởi tố để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu "đất vàng" 5.000m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1. (Ảnh: Zing)
Khu đất có diện tích khoảng 5.000m2 đã được giao cho công ty cổ phần đầu tư LaVenue để thực hiện dự án khách sạn, thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê. Thanh tra Chính phủ trước đó đã kết luận việc giao đất của TP HCM không đúng quy định vì không qua đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất. Việc định giá đất cho khu đất này cũng được Thanh tra Chính phủ cho rằng chưa sát giá thị trường.
Liên quan đến việc này, tại TP HCM có 4 cán bộ và cựu cán bộ bị cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an khởi tố hình sự. Trong đó người chịu trách nhiệm chính được xác định là ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM vì đã kí nhanh nhiều quyết định giao đất không qua đấu thầu.
Hà Nội thất thu 4.000 tỷ đồng sau khi nhà máy dời đi, đất vàng xây cao ốc
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, DNNN tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016.
Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2003-2016, UBND TP. Hà Nội và các sở ngành đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành. Các khu đất sau đó đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại...
Dự án Discovery 302 Cầu Giấy là một trong nhiều dự án được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.
Đơn cử như một số dự án có sai phạm: Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn căn hộ (47 Nguyễn Tuân), Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán (108 Nguyễn Trãi), Tòa nhà hỗ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại (44 Yên Phụ), Trung tâm thương mại nhà ở cao tầng và thấp tầng Hano - Vid (430 cầu Am)…
Thanh tra Chính phủ kết luận: Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.
Vi phạm quản lý đất, nhiều tướng lĩnh công an bị kỷ luật
Tại kỳ họp thứ 29 (từ ngày 10.9 đến ngày 12.9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (Tổng cục IV) và cá nhân liên quan về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trung tướng Bùi Xuân Sơn , nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục IV. Đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV nhiệm kỳ 2015-2020.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 28, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục IV) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh và quản lý tài sản công; bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết kinh doanh, cho thuê đất an ninh không đúng quy định pháp luật.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn